Chưa ký thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án, liên tục xin gia hạn
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng vừa có văn bản gửi Công ty TNHH Haphofood liên quan đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood tại Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng.
Dự án này được UBND TP Hải Phòng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 18/4/2019 với diện tích là 15,46 ha tại vị trí CN4, Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, thuộc danh mục dự án trọng điểm của Hải Phòng, có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Cảng.
Ban đầu, tiến độ thực hiện dự án được phía Công ty TNHH Haphofood đưa ra là từ Quý 2/2019 đến cuối Quý 4/2020 sẽ khánh thành nhà máy và đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, sau đó do không thực hiện việc xây dựng nhà máy đúng tiến độ đã đề ra, phía chủ đầu tư đã có văn bản xin gia hạn và ngày 26/6/2020, đề nghị này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng chấp thuận giãn tiến độ thực hiện dự án đến Quý I/2022.
Sau khi được chấp thuận giãn tiến độ thực hiện dự án, phía chủ đầu tư cam kết từ Quý 3/2020 đến Quý 4/2021, sẽ tập trung tiến hành đầu tư, thi công các hạng mục chính, lắp đặt máy móc, thiết bị để khánh thành nhà máy và đi vào vận hành thương mại đúng thời hạn.
Mặc dù vậy, đến thời điệm hiện tại (tháng 6/2021), phía Công ty TNHH Haphofood mới thực hiện xong hạng mục san lấp mặt bằng và khoan khảo sát, thí nghiệm ép cọc, hoàn thành thi công hàng rào xung quanh. Tại khu vực triển khai dự án nghìn tỷ này, bên trong tường rào vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, không một bóng người.
Mặt khác, dù dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021), nhưng nhà đầu tư chưa ký thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án theo quy định, bao gồm: Ký thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Trước thực trạng này, ngày 8/3/2021, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản giao cho Sở TN-MT kiểm tra việc thực hiện dự án này của Công ty TNHH Haphofood để xem xét việc thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.
Còn Sở Kế hoạc và Đầu tư TP Hải Phòng sau đó cũng đã có văn bản gửi Công ty Haphofood cho biết, dự án đang có khả năng chậm tiến độ thực hiện như kế hoạch và đã đề nghị Công ty TNHH Haphofood tập trung nguồn lực khẩn trương triển khai dự án cũng như tuân thủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo đúng quy định.
“Trong trường hợp dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc nhà đầu tư không ký quỹ, hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định về mặt đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020”, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng đề nghị.
Nông dân "dài cổ" ngóng chờ
Tìm hiểu của NNVN, nhà máy Haphofood Hải Phòng do Công ty TNHH Haphofood (Công ty Lavifood sở hữu 100%) làm chủ đầu tư với tổng giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên của Lavifood tại khu vực Bắc Bộ với sứ mệnh thúc đẩy liên kết vùng trên nền tảng thế mạnh logistics của Hải Phòng.
Trong ngày khởi công, phía chủ đầu tư thông tin đến các cơ quan báo chí cho biết, Nhà máy này sẽ được đầu tư các dây chuyền hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới, sơ chế và chế biến trái cây, rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước.
Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng kết nối với các vùng nguyên liệu rau củ quả của khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và khu vực Bắc bộ nói chung, giúp nông sản Việt Nam dễ dàng thông thương, xuất khẩu đi các nước thông qua cảng Hải Phòng.
Còn về phía TP Hải Phòng, từ lãnh đạo thành phố cho đến người dân đều kỳ vọng, sau khi dự án được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, sẽ hình thành vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh rau, củ quả tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên và An Lão để cung ứng cho nhà máy.
Ngoài việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Hải Phòng, tạo công ăn việc làm cho người dân, dự án còn được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu, rồi chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và gia tăng thu nhập bền vững cho người nông dân.
Để thực hiện cam kết với doanh nghiệp về việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy, sau ngày khai trương, UBND TP Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai xây dựng đề án “Phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, cùng với việc duy trì phát triển vùng sản xuất vùng rau chuyên canh và vùng trồng cây ăn quả hiện có là 2.250 ha, Hải Phòng đã lên kế hoạch chuyển đổi 7.750 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ, Hải Phòng ban hành cơ chế hỗ trợ cải tạo đất, chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ giống và vật tư thiết yếu, hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Thậm chí đã thông tin rộng rãi đến người dân việc sẽ hỗ trợ tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm cũng như hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất tập trung với mục tiêu thực hiện tốt cam kết với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thành công lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, thực hiện cam kết với chủ đầu tư dự án, từ khi nhà máy được khởi công, TP Hải Phòng đã 2 lần giao kinh phí cho Sở NN-PTNT để triển khai hỗ trợ người dân trồng thí điểm các loại rau, củ, quả phục vụ cho dự án với tổng số tiền là 15 tỷ đồng nhưng không triển khai được do dự án triển khai chậm tiến độ.
Mặt khác, phía người dân các vùng nguyên liệu theo quy hoạch được thông tin đã lâu, mỏi mòn chờ đợi dự án nhưng chỉ thấy việc xây dựng nhà máy dẫm chân tại chỗ, khu vực được hứa hẹn sẽ mọc lên nhà máy chế biến rau, củ quả hiện đại bậc nhất vẫn chỉ là bãi đất trống được xây tường bao khiến nhiều người nông dân thất vọng.