Nguyên nhân chính là do đúng mùa thu hoạch nên lượng xe chở thanh long tăng đột biến thời điểm này.
Số lượng xe tăng đột biến
Ghi nhận tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, khoảng 400 - 500 container đang xếp hàng dài, bên ngoài barie khu vực chờ làm thủ tục thông quan xuất sang bên kia biên giới. Các xe này chủ yếu chở thanh long từ miền Trung và miền Nam tới Lào Cai để xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Container thanh long xếp hàng dài phía bên ngoài Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (TP Lào Cai). |
Trong khu vực kiểm hóa, các xe di chuyển khó khăn do mật độ đông. Còn trên cầu Kim Thành rồng rắn những container nối đuôi nhau đưa hàng sang thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc).
Lái xe Lê Văn Năm cho biết, mất khoảng 2 ngày để kéo thanh long từ Bình Thuận lên tới Kim Thành. Ở các tỉnh phía Nam đợt này là đúng vụ thanh long chín nên kéo ra tới đây nhưng không xuất được ngay. Có thể phải chờ thêm 1 ngày. Kinh nghiệm nhiều năm chở hàng của anh Năm, một năm có khoảng 6 - 7 lần sản lượng thanh long chín đồng loạt nên việc ùn ứ này không có gì đặc biệt.
Việc ùn ứ cục bộ phần nào gây tốn kém về chi phí vận tải khi các container phải chạy máy làm mát để bảo quản thanh long. Mặt khác, các xe vận tải này thường được ký bao trọn gói sang tới bên kia biên giới, nên chi phí phát sinh người nhận làm dịch vụ vận tải chịu. Còn cánh tài xế, dừng đỗ xe một ngày cũng phải chi thêm tiền ăn uống.
Trong khi đó, các lực lượng chức năng như hải quan, kiểm dịch thực vật, biên phòng… căng mình để đảm bảo hàng được thông quan nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn nhất là khâu an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu, giáp biên giới với nước bạn.
Số lượng xe chở thanh long tăng đột biến như vậy, nhưng lưu lượng thông quan xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành trung bình khoảng 400 xe/ngày, nhập khẩu khoảng 200 xe/ngày, đã dẫn đến tình trạng bị ùn ứ cục bộ.
Giảm nhanh ùn tắc thanh long
Chủ một doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải ở Lào Cai (xin không nêu tên) cho biết, số thanh long chờ xuất sang bên kia chủ yếu đã được thương nhân Trung Quốc thu mua ngay tại vườn của bà con và đóng hộp theo quy chuẩn phía nước bạn.
Họ chỉ thuê doanh nghiệp Việt vận chuyển và làm thủ tục từ xuất nhập khẩu. Việc ùn ứ này không có gì lạ, bởi thời điểm này, thanh long ở nhiều nơi chín đồng loạt. Gần sát rằm tháng 7 vừa qua, mặt hàng thanh long cũng bị ùn ứ tại cửa khẩu do thương nhân phía Trung Quốc nhập nhiều hàng chuẩn bị cho rằm.
Việc ùn ứ không có gì lạ, bởi thời điểm này, thanh long ở nhiều nơi chín đồng loạt. |
Thời điểm này, chủ yếu là thanh long trắng, được đóng từ 8 - 20 quả/hộp (tùy loại), có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo tờ khai của một số doanh nghiệp, hiện thanh long được xuất với giá khoảng 15 - 18 nghìn đồng/kg.
Ông Trần Anh Tú - Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, thường trực tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành - cho biết, lượng xe chở thanh long từ các tỉnh đến cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) nếu không tăng đột biến như những hôm trước và hai bên làm thủ tục thông quan như hiện nay thì chỉ sau một vài ngày tới sẽ trở lại bình thường, không còn ùn ứ cục bộ.
Còn Sở Công thương tỉnh Lào Cai, trong vài ngày qua, khi có hiện tượng ùn ứ ở cửa khẩu Kim Thành, Sở đã tăng cường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khu kinh tế và Hải quan, Biên phòng ưu tiên thực hiện các giải pháp thông quan nhanh chóng cho mặt hàng thanh long; đồng thời phối hợp với phía Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật để đẩy nhanh tốc độ và tăng lưu lượng thông quan xe chở thanh long qua cửa khẩu Kim Thành.
Các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu ưu tiên xe chở thanh long làm thủ tục thông quan ngay từ đầu giờ làm việc và kéo dài đến hết 17h cùng ngày.
Hiện tại, chiều tối mỗi ngày, việc các container chở thanh long đỗ hàng dài xung quanh khu vực cửa khẩu đã giảm.
Theo số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cung cấp, từ đầu năm đến ngày 20/10, đã có 642 nghìn tấn quả thanh long tươi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, qua lối Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, đạt 419 triệu USD, bằng 116 % so với cùng kỳ năm trước. |