| Hotline: 0983.970.780

Cty Sông Hồng san lấp trái phép, xâm lấn đê điều vì… bóng đá Đất Cảng?

Thứ Năm 07/10/2021 , 09:14 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hàng nghìn m2 đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực đê Tả Lạch Tray đã và đang bị Cty Sông Hồng san lấp, xây dựng trái phép để làm "sân tập bóng đá".

Cầm đèn chạy trước ô tô

Lên nắm quyền Chủ tịch đội bóng đất Cảng chưa lâu, ông Văn Trần Hoàn – Giám đốc Công ty CP Sông Hồng (Cty Sông Hồng) đã trở thành chủ đề nóng hổi trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội về những phát ngôn hướng vào lãnh đạo VPF hay việc xin đăng cai tổ chức một số trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup.

Hơn 9.000m2 đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực đê Tả Lạch Tray đang bị Cty Sông Hồng 'vượt rào' san lấp trái phép. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn 9.000m2 đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực đê Tả Lạch Tray đang bị Cty Sông Hồng "vượt rào" san lấp trái phép. Ảnh: Đinh Mười.

Đang trên đà được người hâm mộ bóng đá đánh giá cao thì mới đây, ông Hoàn bất ngờ khiến dư luận á khẩu, tẽn tò khi trực tiếp liên quan đến việc san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất nuôi trồng thủy sản làm sân tập bóng đá khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, vào tháng 8/2021, tại một cuộc kiểm tra về tình vi phạm liên quan đến đê điều, Hạt quản lý đê điều Bắc Lạch Tray (Hải Phòng) đã phát hiện tại khu vực bãi sông từ Km23+900 đến Km24+70 đê Tả Lạch Tray đã và đang được Cty Sông Hồng san lấp tôn cao, mở rộng ra phía sông, xây dựng đường giao thông, kè bờ, bến neo đậu phương tiện thủy, vi phạm pháp luật đê điều và các lĩnh vực liên quan.

Sau đó, do chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, Sở NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ các hoạt động san lấp, xây dựng do vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm luật đê điều.

Cty Sông Hồng được yêu cầu tích cực phối hợp với các cơ quan thực hiện thủ tục thuê đất và cấp phép các hoạt động xây dựng liên quan đến đê diều, thoát lũ.

Về vấn đề này, tại văn bản gửi UBND TP Hải Phòng về việc thuê đất làm bãi tập cho đội bóng đá Hải Phòng, lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, khu đất nói trên thuộc quỹ đất nuôi trồng thủy sản do UBND quận Lê Chân quản lý, ký hợp đồng cho thuê với một số hộ dân sử dụng nuôi trồng thủy sản, đến nay, thời hạn thuê đất đã hết, quận Lê Chân chưa thanh lý, gia hạn hợp đồng.

Địa điểm xin thuê đất làm sân tập cho cầu thủ CLB Hải Phòng của Cty Sông Hồng nằm giáp sông Lạch Tray, thuộc khu vực thoát lũ, không phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ, của TP Hải Phòng và của quận Lê Chân.

Mặt khác, theo đồ án quy hoạch của thành phố được Thủ tướng phê duyệt, vị trí bãi bồi này nằm trong quy hoạch đất cây xanh ngoài đê. Do đó, việc Cty Sông Hồng xin lập dự án đầu tư làm cơ sở để được thuê đất làm sân tập bóng đá cho cầu thủ tại khu vực này là không phù hợp.

Dù bị cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ nhiều lần và chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng Cty Sông Hồng vẫn bấp chấp thi công. Ảnh: Đinh Mười.

Dù bị cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ nhiều lần và chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng Cty Sông Hồng vẫn bấp chấp thi công. Ảnh: Đinh Mười.

Mượn gió bẻ măng?

Dù mục đích của việc san lấp, xây dựng này được phía doanh nghiệp đưa ra là để sân tập luyện cho các cầu thủ bóng đá trong khi sân vận động Lạch Tray chữa cải tạo, sửa chữa xong.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, trước khi tiếp nhận CLB Hải Phòng, các hành vi vi phạm của Cty Sông Hồng và ông Văn Trần Hoàn tại khu vực nói trên đã diễn ra và đã 2 lần bị cơ quan chức năng lập biên bản, đình chỉ thi công.

Cụ thể, tháng 4/2021, CLB bóng đá Hải Phòng mới được chuyển từ Cty Cổ phần Thể thao Hải Phòng sang Cty Sông Hồng quản lý, điều hành.

Trong khi đó, từ 5/6/2020 (gần 1 năm), tại vị trí nói trên, UBND phường Vĩnh Niệm, phòng Tài nguyên & môi trường quận Lê Chân đã lập biên bản vi phạm hành chính với ông Văn Trần Hoàn về việc tự ý san lấp đất nuôi trồng thủy sản với diện tích 9.000m2, san lấp lạch nước khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Đoạn đường vào khu vực bị san lấp trái phép nham nhở do bị xe chở vật liệu, đất cát chạy quá tải. Ảnh: Đinh Mười.

Đoạn đường vào khu vực bị san lấp trái phép nham nhở do bị xe chở vật liệu, đất cát chạy quá tải. Ảnh: Đinh Mười.

Đoàn kiểm tra đã đình chỉ thi công và yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm tự di chuyển và múc các vật liệu san lấp trên đất, trả lại hiện trạng như ban đầu của đất như trước khi vi phạm.

Ông Văn Trần Hoàn, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm, đại diện Hạt quản lý đê điều Bắc Lạch Tray và những người làm chứng đã ký vào biên bản này nhưng sau đó việc san lấp mặt bằng trái phép tại khu vực nói trên tiếp tục diễn ra.

Ngày 6/6, phát hiện hành vi vi phạm không được phía Công ty Sông Hồng dừng lại theo biên bản đã lập, UBND phường Vĩnh Niệm đã tiếp lập biên bản vi phạm hành chính và tiếp tục yêu cầu ông Văn Trần Hoàn đình chỉ thi công và tự tháo dỡ, di chuyển các vật liệu thi công hạng mục vi phạm để trả lại hiện trạng ban đầu của khu đất.

Liên quan đến vấn đề này, theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, phạm vi cho thuê đất tại vị trí nói trên chỉ từ chỉ giới cách chân đê 5 mét trở ra phía sông và từ chỉ giới cách mép bờ sông tự nhiên 20m trở vào bờ.

Tuy nhiên, hiện nay, tại khu vực bãi sông từ Km23+900 đến Km24+70 đê Tả Lạch Tray đã và đang được Cty Sông Hồng san lấp tôn cao, mở rộng ra phía sông, xây dựng đường giao thông, kè bờ, bến neo đậu phương tiện thủy, vi phạm pháp luật đê điều và các lĩnh vực liên quan.

Một đoạn đường dọc đê Tả Lạch Tray đã bị biến dạng. Ảnh: Đinh Mười.

Một đoạn đường dọc đê Tả Lạch Tray đã bị biến dạng. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã yêu cầu ông Văn Trần Hoàn phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đất đai và đê điều, đình chỉ ngay các hoạt động thi công và không xây dựng công trình khi chưa được các cơ quan, cấp có thẩm quyền cho phép.

Với phần diện tích đã san lấp, xây dựng công trình lấn ra lòng sông phải bốc xúc, thanh thải để đảm bảo thông thoáng dòng chảy, trành ảnh hưởng đến xói lở phía bờ đối diện.

Ông Văn Trần Hoàn được người hâm mộ đội bóng đá Đất Cảng – Hải Phòng ghi nhận là một trong những CĐV cuồng nhiệt nhất trong làng túc cầu, có thể bỏ cả “núi” tiền để thỏa mãn đam mê với môn thể thao vua.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nguyên nhân dẫn đến hành vi bất chấp pháp luật nói trên của ông Hoàn và Công ty Sông Hồng xuất phát từ cơ chế quá cứng nhắc hoặc việc làm này hoàn toàn công tâm, vì mục tiêu chung cho thể thao đất Cảng đang trong tình thế phát triển “bết bát” đã nhiều năm.

Tuy nhiên, với những căn cứ đã diễn ra và những vấn đề như đã phân tích ở trên, cơ quan chức năng cần xem xét việc chấp hành pháp luật của Cty Sông Hồng cũng như cá nhân ông Văn Trần Hoàn trong lĩnh vực đê điều, xây dựng và sử dụng dất.

Mặt khác, TP Hải Phòng cũng cần tính đến hiệu quả về kinh tế - xã hội mang lại từ việc cho thuê đất trái quy hoạch nói trên có đáng để đánh đổi với niềm tin của nhân dân vào luật pháp khi cho Cty Sông Hồng được phép “tiền trảm hậu tấu”.

Theo quy định tại Điều 26 Luật Đê điều và Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thì khu vực bãi sông từ Km23+990 đến Km24+70 Km đê Tả Lạch Tray chưa được xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thuỷ lợi, công trình ngầm phát triển kinh tế xã hội, trạm bơm, âu thuyền. Còn công trình xây dựng phải đảm bảo yêu cầu an toàn để điều, thoát lũ và phải được Bộ NN-PTNT thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hải Phòng cho phép.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.