| Hotline: 0983.970.780

Cụ bà 84 tuổi mê 'dẫn thủy nhập điền'

Thứ Ba 28/04/2020 , 05:30 (GMT+7)

Cụ bà đã có gần 40 năm trong “nghề” thủy nông viên, dù đã 84 tuổi nhưng hiện cụ vẫn miệt mài mỗi ngày đi bộ 10km để làm công việc “dẫn thủy nhập điền”.

Dù đã 84 tuổi nhưng thủy nông viên Nguyễn Thị Điểu vẫn miệt mài ra đồng 'dẫn thủy nhập điền'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dù đã 84 tuổi nhưng thủy nông viên Nguyễn Thị Điểu vẫn miệt mài ra đồng “dẫn thủy nhập điền”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nữ thủy nông viên già nhất nước

Sinh ra trong gia đình thuần nông, thời con gái, cụ Nguyễn Thị Điểu (84 tuổi) ở xóm Hòa Bắc, thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, Bình Định), đã có tính hay lam hay làm. Ban ngày cụ làm ruộng nuôi bò, đêm về cụ gánh 2 cái đó và 10 cái dẹp đi khắp các cánh đồng tìm những trổ nước chảy để đơm cá.

Dường như đôi chân trần của cụ dẫm miết trên những cánh đồng đã đâm nghiện mùi bùn, nên hầu như đêm nào cụ cũng đi đơm cá, hết ruộng gần đến đồng xa.

Năm ấy, em trai của cụ Điểu đang làm thủy nông viên cho HTXNN Bình Phú 2, thấy bà chị cỏ vẻ “nghiện” đồng ruộng, ông liền đề nghị cụ gia nhập đội ngũ thủy nông viên của HTX để đi làm cùng mình cho vui. Nghe lời đề nghị của cậu em, cụ Điểu nghĩ, công việc “dẫn thủy nhập điền” sẽ tạo điều kiện cho mình gắn bó hơn với ruộng đồng, cụ liền nhận lời.

Vậy là năm 48 tuổi, cụ Nguyễn Thị Điểu chính thức trở thành 1 trong 15 thủy nông viên của HTXNN Bình Phú 2. Đến bây giờ có lẽ cụ là thủy nông viên già nhất nước và là nữ thủy nông viên duy nhất ở Bình Định.

Ban đầu, cụ đi làm cặp với em trai để quen việc. Dần dà cụ thuộc lòng từng đường nước đưa về từng vùng ruộng. Bây giờ, mình cụ đảm trách việc dẫn nước cho 18ha ruộng của nông dân đội 5 thuộc HTXNN Bình Phú 2.

Làm Báo NNVN đã nhiều năm, tôi có dịp tiếp xúc nhiều thủy nông viên là những “đấng mày râu”, nhưng gặp ai tôi cũng được nghe những lời than thở về cái “nghề bất đắc dĩ” của mình: “Nghề không ra nghề, nghiệp không ra nghiệp. Vào mùa gieo sạ mà dẫn nước về không kịp cho nông dân làm đất gieo giống là lập tức mình bị chửi “té tát”, nhất là vào mùa khô hạn.

Thời điểm hạn hán gay gắt thủy nông viên còn khổ hơn, đến phiên nước phải thức cả đêm canh đưa nước về tưới lúa trên diện tích mình quản lý, nhiều khi còn xảy ra xung đột với nông dân không ý thức, tranh xả nước dù không phải phiên nước của mình. Thu nhập thì chẳng bao nhiêu, thế nên càng về sau chẳng mấy ai còn mặn mà với “nghề dẫn thủy nhập điền”.

Càng nghe những lời ca thán của những thủy nông viên “mày râu” tôi càng khâm phục cụ Điểu, phận “liễu yếu đào tơ” mà cụ trụ được với công việc khó khổ này những gần 40 năm. Càng khâm phục hơn khi đến nay cụ đã 84 tuổi mà vẫn “bám nghề”.

“Công việc của tui hàng ngày là vác cuốc dạo quanh ngoài đồng để nhìn ngó xem trong số diện tích ruộng HTX giao cho mình quản lý tình hình nước non thế nào, chỗ nào thiếu nước thì lo xả về cho đủ. Đó là mùa đủ nước, đến mùa khô hạn mỗi ngày tôi phải dạo ruộng đến 2 lần.

Cứ 10 giờ đêm tui dạo 1 vòng phần ruộng bên này, đến điểm cuối là khoảng 12 giờ đêm, xong tui lại dạo 1 vòng phần ruộng bên kia rồi quay về luôn, đến 2 giờ sáng là về đến nhà. Nằm nghỉ lưng 1 chút tui lại vác cuốc ra đồng.

Cứ như thế ngày này sang ngày khác, gần 40 năm qua tui chưa 1 ngày vắng mặt ngoài đồng ruộng. Nhờ trời cho tui sức khỏe, cho chân tui không biết đau nhức nên còn đảm đương được công việc. Tui có con chó hình như nó cũng mê ruộng hay sao mà mỗi khi tui ra ruộng là nó đi theo, cũng vui”, cụ Điểu móm mém bộc bạch.

Cụ Nguyễn Thị Điểu trò chuyện với PV. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cụ Nguyễn Thị Điểu trò chuyện với PV. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo lời kể của cụ Điểu, tôi hình dung ra mỗi ngày cụ phải đi bộ gần 10km, đều đặn như vậy suốt gần 40 năm qua, quả là phi thường. Tôi càng “ngả mũ” trước cụ Điểu khi được nghe ông Khổng Vĩnh Thiêng, Giám đốc HTXNN Bình Phú 2, kể về tấm lòng của cụ đối với cây lúa.

“Bà đi dạo đồng không chỉ để thăm nước theo trách nhiệm, mà đi qua đám ruộng nào bà để ý thấy lúa sinh bệnh là bà nhắc chủ ruộng bơm thuốc ngay.

Suốt gần 40 năm song hành với HTX, mỗi khi có dịp cùng nhau ra đồng, tôi chỉ cho bà cây lúa như thế này là bị bệnh đạo ôn, cây lúa như thế kia là bị rầy, riết hồi bà ấy thuộc lòng.

Hễ nhìn cây lúa là bà biết bệnh, nên cứ thấy ruộng lúa nhà ai sinh bệnh là nhắc nhở để chủ ruộng kịp thời phun thuốc phòng trừ. Không chỉ thế, cứ sau khi xả 1 lứa nước là bà nhắc nhở nông dân đi bón phân, họ không phải mất công đi thăm ruộng thường xuyên như ở nơi khác”, ông Thiêng kể.

Có những hôm mới 4 giờ sáng cụ Điểu đã vác cuốc ra đồng, đến khi cụ về đến nhà chiếc áo đã bị nhuốm sương ướt đẫm. Rồi những đêm mùa hạn, cụ Điểu mang chiếu ra nằm luôn ngoài bờ ruộng canh nước, nhìn thấy cảnh ấy những người con của cụ không cam lòng, khuyên cụ nghỉ ngơi chứ tuổi tác đã quá cao, công việc lại cho thu nhập chẳng là mấy, thế nhưng cụ không nghe bởi lý do đơn giản: “Ngặt nỗi tui ở không không được chú à, trời cho tui sức khỏe được ngày nào tui còn làm ngày nấy, nghỉ không làm thủy nông viên nữa tui nhớ ruộng nhớ đồng nhớ bà con lắm”, cụ Điểu bộc bạch.

“Khắc tinh” của hạn hán

Đối với nông dân đội 5 HTXNN Bình Phú 2, cụ Nguyễn Thị Điểu là “khắc tinh” của hạn hán. Bởi, vùng ruộng thuộc thôn Phú Hòa, trong đó có 18ha ruộng cụ đảm nhiệm dẫn nước tưới nằm cuối nguồn nước, nên chuyện cây lúa bị thiếu nước tưới rất thường xuyên xảy ra.

Ấy vậy mà từ khi có “nữ thủy nông viên” Nguyễn Thị Điểu, vùng ruộng này luôn no đủ nước tưới, kể cả những mùa khô hạn.

“Nhìn cây lúa bị thiếu nước đứng đơ tui chịu không nổi chú à, nhất là giai đoạn lúa đang trỗ mà thiếu nước thì bông lúa bị “quẹo cổ” nhìn thấy tui càng xót ruột.

Trong những vụ hè thu mực nước trong các hồ chứa thường đã xuống thấp nên nước đưa về các cánh đồng thường hụt. Trong khi đó cánh đồng thôn Phú Sơn thuộc kiểu “mương sâu ruộng cạn”, cao trình của ruộng cao hơn nhiều so với mực nước trong kênh mương nên đưa nước vào rất khó.

Tui phải bỏ tiền túi ra mua 1 tấm bạt ni lông, những lúc như vậy tui phải nhờ 1 thanh niên vác dùm 1 khúc cây bạc hà, tui mang tấm bạt ra chắn mương để dòng nước dâng cao, khi ấy mới dẫn nước vào ruộng được”, cụ Điểu chia sẻ.

Mỗi khi cụ Điểu ra đồng con chó đi theo để bầu bạn với cụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi khi cụ Điểu ra đồng con chó đi theo để bầu bạn với cụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Có lẽ không bao giờ nông dân thôn Phú Hòa quên được câu chuyện cụ Điểu “đấu tranh” với Cty CP Du lịch Hầm Hô nằm trên địa bàn xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) để lấy nước cứu 40ha lúa của thôn Phú Hòa (xã Tây Xuân) đang bị khô hạn.

“Vụ hè năm 2018, vùng đất bán sơn địa của huyện Tây Sơn hạn gay gắt, cánh đồng thôn Phú Hòa khô khốc, không có nước tưới thời gian dài, nguy cơ mất trắng.

Trong khi đập Hầm Hô thì bị Cty CP Du lịch Hầm Hô chặn lại để nước dâng lên cao, mực nước đủ để những chiếc thuyền du lịch hoạt động phục vụ du khách, nên vùng ruộng bên dưới không có nước tưới.

Thấy cảnh đó cụ Điểu xót ruột, vác cuốc lên đứng trước khu du lịch Hầm Hô “la làng”, yêu cầu xả nước xuống phục vụ sản xuất. Không thấy khu du lịch động tĩnh, bà kêu tới ông chủ tịch huyện, liền sau đó nước từ đập Hầm Hô được xả xuống cứu lúa.

Từ hôm đó đến cuối vụ hè nước từ đập Hầm Hô liên tục xả xuống những cánh đồng đang bị khô hạn, vụ lúa ấy tưởng mất ăn mà lại được mùa nên bà con rất phấn khởi, ai nấy đều cám ơn cụ Điểu”, ông Khổng Vĩnh Thiêng kể lại câu chuyện như đã thuộc lòng.

Ông Khổng Vĩnh Thiêng, Giám đốc HTXNN Bình Phú 2, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, Bình Định) và cụ thủy nông viên Nguyễn Thị Điểu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Khổng Vĩnh Thiêng, Giám đốc HTXNN Bình Phú 2, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, Bình Định) và cụ thủy nông viên Nguyễn Thị Điểu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Mức thu nhập của cụ Điểu mỗi vụ là 6 triệu đồng, mỗi năm 2 vụ chỉ 12 triệu đồng, vị chi “lương tháng” của cụ là 1 triệu đồng, chẳng là bao, thế nhưng cụ vẫn miệt mài với công việc, bà con nông dân ai cũng quý. Không chỉ bà con nông dân “yêu” cụ Điểu mà cả cán bộ ở Phòng NN-PTNT huyện cũng rất “mê”, mỗi lần có việc lên huyện, cụ thường được cán bộ huyện biếu quà để động viên. Cụ Điểu là tấm gương sáng của lực lượng thủy nông viên trong tỉnh. Bởi ít có ai được “tín nhiệm” như cụ, mỗi khi cụ định nghỉ là nông dân kéo đến nhà động viên cụ đừng nghỉ việc để bà con nhờ”, ông Khổng Vĩnh Thiêng, Giám đốc HTXNN Bình Phú 2.

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Đê Đông xuống cấp, xâm nhập mặn uy hiếp ngàn ha đất canh tác

Bình Định Tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp giờ đã như ‘răng rụng’.

Bình luận mới nhất