Mấy ngày nay, tình hình trong khu dân cư (KDC) “5 sao” Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), vẫn đang “căng” như dây đàn bởi mâu thuẫn giữa chủ đầu tư (công ty TNHH VietNam Land SSG) và cư dân trong KDC.
Mâu thuẫn đỉnh điểm
Chiều 23/3/2021, có mặt tại KDC Saigon Pearl, chúng tôi thấy ngay trước cửa vào tầng hầm toà nhà Ruby (1 trong 3 toà nhà của KDC), 2 chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi (của cư dân trong KDC) đậu chắn hết lối lên xuống hầm để xe, khiến xe từ trong không thể ra, ngoài không thể vào. Bên hông 2 xe treo băng rôn dài dọc thân xe, ghi dòng chữ: “Phản đối công ty VN Land SSG độc chiếm tầng hầm, cưỡng bức tăng phí giữ xe bất hợp pháp”. Một trong 2 chiếc xe đã bị đập vỡ kính cửa hông gần ghế lái. Phía ngoài, rất nhiều người là cư dân KDC đang tụ tập, bàn tán, khuôn mặt ai cũng căng thẳng.
Ngay phía sau 2 chiếc xe ô tô này, là một chiếc xe cứu hộ. Theo cư dân tại đây, chủ đầu tư đơn phương ra quyết định tăng phí giữ xe ô tô lên 2 triệu đồng/tháng đối với tầng hầm và 1,4 triệu đồng/tháng đối với xe đậu…lề đường. Người dân không chấp nhận mức phí quá cao này, dẫn đến mâu thuẫn lên đỉnh điểm: Chủ đầu tư chỉ đạo cư dân nào không chấp nhận thì không cho xe vào. Còn người dân, sau khi 2 chiếc xe không được bảo vệ cho vào tầng hầm, đã đậu luôn ở đây. Chủ đầu tư quyết không “nhượng bộ”, đã gọi xe cứu hộ đến để “hốt” 2 chiếc xe này đi.
“Cư dân ở đây toàn cán bộ, công chức nhà nước, chẳng ai muốn phiền phức cả. Nhưng “tức nước vỡ bờ”, sức chịu đựng của chúng tôi có hạn, chủ đầu tư họ chẳng coi cư dân ra gì. Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải đóng 1.540.000 đồng phí giữ xe ô tô, đây là mức phí rất cao so với mặt bằng chung mấy toà nhà cao cấp trên con đường này. Ví dụ toà nhà The Manor, phí giữ xe ô tô là 1.250.000 đồng/tháng. Ngay cả dự án cao cấp của Vinhome Central Park cũng chỉ có 1.430.000 đồng/tháng. Vậy mà họ tiếp tục ra quyết định tăng phí giữ xe lên 2 triệu đồng/tháng”, chị T.L, cư dân toà nhà Saphire bức xúc nói.
Theo chị L., ngay từ năm 2011, VietNam Land SSG đã thu phí giữ xe 1.760.000đ/xe ô tô/tháng mà không dựa trên cơ sở nào. Năm 2014, UBND thành phố có Quyết định số 32, qui định mức phí trông giữ xe ô tô là 750.000đ/xe/tháng. Lúc này chúng tôi đấu tranh quyết liệt thì chủ đầu tư mới chịu điều chỉnh giảm xuống mức giá 1.430.000 đồng/tháng/1 xe ô tô. Mức phí này khi đó vẫn cao gấp 02 lần so với qui định.
Trước đó, ngày 10/8/2020, cư dân 3 tòa nhà Ruby, Topaz , Sapphire trong KDC nhận được các văn bản cảu chủ đầu tư về việc “Tăng phí giữ xe năm 2020–2021”. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ tăng phí giữ xe thành hai đợt. Đợt một từ ngày 1/9/2020 và đợt 2 từ ngày 1/1/2021.
Ngày 27/8/2020, Ban quản trị các tòa nhà đã có cuộc họp với chủ đầu tư (công ty VietNam Land SSG) về vấn đề tăng phí này. Tại cuộc họp, tất cả đại diện 3 toà nhà đều không chấp nhận tăng phí trong năm 2020. Lý do đơn giản là mức phí 1.540.000 đồng/tháng hiện tại đã quá cao. Bên cạnh đó, hợp đồng trông giữ xe vừa được ký đầu năm 2020 chưa kết thúc.
“Họ rất ngang ngược”
Bất chấp việc cư dân KDC không đồng ý, chủ đầu tư vẫn làm các bước và ra quyết định tăng phí giữ xe. “Họ đã cho nhân viên Công ty Kiến Việt (đơn vị dịch vụ trông giữ xe) gọi đến từng căn hộ, vừa thuyết phục vừa “răn đe” là nếu không ký lại hợp đồng thì sẽ bị mất chỗ đậu xe. Vì sợ không có chỗ đậu xe nên một số cư dân đã nhắm mắt ký hợp đồng thỏa thuận với giá 2.000.000/tháng. Còn cư dân nào bức xúc lúc đóng tiền thì nhân viên Kiến Việt nói lại rằng, đơn vị này chỉ làm theo chỉ thị của chủ đầu tư, cư dân nào có ý kiến thì tự đi gặp Vietnam Land SSG mà giải quyết. Nếu không đóng họ sẽ không cho xe xuống hầm, hoặc đóng theo giá cũ sẽ chỉ cho xe xuống hầm 20-25 ngày”, chị B.M.T., cư dân toà nhà Ruby, cho biết.
Cũng theo chị B.M.T., chất lượng kỹ thuật và dịch vụ tầng hầm chung cư không đạt tiêu chuẩn. Qua hơn 12 năm sử dụng, hiện đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa, nước không biết ở đâu, chảy lênh láng từ trần tầng hầm xuống sàn hầm, họ phải dùng xô để hứng.
Theo chân chị T xuống tầng hầm, nơi để xe của cư dân trong toà nhà, chúng tôi thấy trần tầng hầm khá thấp, thiếu ánh sáng, và nóng. Xe ô tô, xe máy để khá lộn xộn, không ngay hàng thẳng lối, do thiếu người sắp xếp.
Theo ước tính sơ bộ của chị T., mỗi toà nhà ở KDC này có hơn 500 căn hộ, nếu mỗi căn hộ có 1 xe máy và 1 xe ô tô, thì diện tích một tầng hầm này không thể đủ chỗ chứa xe. Chính vì thế, chủ đầu tư đã chiếm luôn vỉa hè những con đường nội bộ trong KDC. Đây cũng là nỗi bức xúc bao lâu nay của người dân trong KDC. “Buổi tối anh đến thì biết, 2 bên đường họ chiếm làm chỗ đậu xe hết, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm”, chị T. cho biết.
“Cư dân chúng tôi họp lần nào cũng yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch nâng cấp, nhưng không thấy họ làm, trong khi đó, cứ liên tục đòi tăng giá dịch vụ. Lần này, họ hành xử rất ngang ngược, chúng tôi dù gì cũng là cư dân trong toà nhà, nếu 2 bên bất đồng quan điểm, thì cứ để chúng tôi cất xe, rồi ngồi nói chuyện với nhau, tìm tiếng nói chung, sao phải chặn xe? Họ không cho xe chúng tôi vào bãi xe chung cư, khác nào tước một phần quyền sở hữu căn hộ của chúng tôi? Họ rất ngang ngược”, bà N.H.H, cư dân toà nhà Topaz nói.
Theo các cư dân trong KDC, chủ đầu tư cho rằng, tầng hầm thuộc sở hữu riêng của họ, nên họ có quyền tăng giá phí giữ xe. “Chủ đầu tư luôn khẳng định tầng hầm là của họ, nhưng khi yêu cầu chứng minh thì lại không chứng minh được. Họ quá tham lam, bất chấp việc cư dân phản đối kịch liệt, họ vẫn quyết định tăng phí. Lần này chúng tôi quyết không nhân nhượng. Trước mắt, chúng tôi chỉ chấp nhận đóng mức phí 1.540.000 đồng/xe/tháng cho đến khi có thỏa thuận mới giữa CĐT Cty Vietnam Land SSG và các BQT cùng với sự minh chứng tầng hầm là thuộc sở hữu riêng của Chủ Đầu Tư Cty Vietnam Land SSG”, anh Đ., cư dân toà nhà Topaz nói.
Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân trong KDC ngày một căng thẳng hơn, một phần có lẽ vì 2 văn bản của Sở Xây dựng TP.HCM.
Cụ thể, ngày 08/09/2014, Sở này có Công văn số 7653/ SXD-QLN&CS, trong đó khẳng định tầng hầm chung cư Saigon Pearl là thuộc khối kiến trúc chung của tòa nhà, tức phần diện tích thuộc sở hữu chung chứ không phải sở hữu riêng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 06/10/2014, tức chỉ 1 tháng 2 ngày sau, Sở này lại có Công văn số 8640/SXD-QLN&CS, lại khẳng định công nhận tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư, không phải sở hữu chung của KDC.
Không chỉ lùm xùm mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân quanh việc tăng giá giữ xe liên tục, KDC “5 sao” Saigon Pearl này mới đây còn bị phát hiện hệ thống xử lý chất thải của KDC này đến nay chưa có giấy phép xả thải vào môi trường sau hơn 10 năm sử dụng. Sở TN-MT TP.HCM sau khi đến kiểm tra, đã kết luận hệ thống xử lý chất thải tại đây còn nhiều bất cập.