Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ là cú hích tạo điều kiện hơn nữa cho việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, giảm chi phí trong giai đoạn tới.
Tại họp báo thông tin về các đề án quan trọng của Cục BVTV vừa qua, ông Phạm Minh Lan, Trưởng phòng Quản lý phân bón (Cục BVTV) đã chia sẻ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ.
Theo đó, chủ trương, chính sách cụ thể đối với phân bón hữu cơ đã được đưa vào tại Nghị định 108/2017 về quản lý phân bón có hiệu lực từ ngày 20/9/2017. Tiếp đó, chủ trương chính sách này cũng được luật hóa trong Luật Trồng trọt. Cụ thể, đối với phân bón hữu cơ, khi công nhận lưu hành sản phẩm, được ưu tiên không cần phải khảo nghiệm. Các nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ mở mới sẽ được hỗ trợ tối đa trong quá tình thực hiện các thủ tục pháp lý.
Ông Lan cho biết thêm, sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ cũng được hướng dẫn, khuyến khích thông qua các chương trình tập huấn, phổ biến pháp luật, đặc biệt đối với các lực lượng chức năng, đơn vị, tổ chức cá nhân theo chương trình của Bộ NN-PTNT.
Đối với nông dân, lâu nay có hai loại phân bón để lựa chọn là phân bón hữu cơ và phân bón hóa học, mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng.
Những lợi ích và hạn chế của phân bón hữu cơ và hóa học từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và thậm chí là xung đột giữa những người trồng trọt. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định giữa phân bón hữu cơ và phân bón hóa học về khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và ảnh hưởng lâu dài đến tài nguyên đất, thực vật và môi trường.
Theo đại diện Cục BVTV, nút thắt cố hữu nhất của phân bón hữu cơ chưa hấp dẫn người tiêu dùng là hiệu quả sử dụng chậm và chi phí vận chuyển cao, từ đó khiến phân bón hữu cơ vẫn gặp khó khăn trong áp dụng vào tập quán canh tác của nông dân.
Tuy nhiên hiện nay, với sự vào cuộc của khoa học công nghệ, dây chuyền thiết bị hiện đại, nguồn nguyên liệu có sẵn, đặc biệt như đưa các chế phẩm vi sinh vật vào phân bón hữu cơ với định lượng theo theo mục đích, định hướng của người sản xuất, đã mang lại hiệu quả rất lớn, tác động rất tích cực tới cây trồng không chỉ trong một hai vụ mà còn kéo dài ra nhiều vụ, có tính bền vững cao.
Lý giải về vấn đề này, ông Lan cho biết, phân bón hữu cơ làm tăng chất hữu cơ trong đất và cải thiện cấu trúc đất, cũng như khả năng giữ nước, giảm xói mòn do gió bão và lũ lụt. Ngoài ra nó còn cung cấp các chất dinh dưỡng giải phóng chậm. Điều đặc biệt là phân hữu cơ có thể tái tạo, phân hủy sinh học, bền vững và thân thiện với môi trường.
Thông thường, phân bón bón hóa học đắt đỏ hơn tính theo trọng lượng nhưng lại rẻ hơn về chất dinh dưỡng và ít tốn kém hơn khi bón trên diện tích lớn. Trong khi đó, phân bón hữu cơ có giá rẻ hơn, thường bán theo tấn nhưng xét trên giá trị trên mỗi chất dinh dưỡng lại đắt hơn.
Doanh nghiệp tham gia phân khúc này có lợi thế khi nhà máy sản xuất không cần quá to, đầu tư dựa trên 3 quy trình cơ bản là ủ phân - nghiền sàn - đóng gói, có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có hay khai thác được nguồn nguyên liệu từ ngay rác thải sinh hoạt.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, phân bón hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, chương trình nhiệm vụ trọng tâm của Cục về triển khai phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ năm 2017 đến nay đã đạt kết quả nhất định.
“Chúng tôi căn cứ trên chủ trương của Chính phủ là Nghị định 150 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 255 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho cây trồng chủ lực, đã từng bước kiện toàn lại quy trình sản xuất để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức trong áp dụng quy trình để vừa sản xuất, vừa sử dụng phân bón hữu cơ theo đúng quy trình để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất của phân bón”, ông Đạt cho biết.
Trong quá trình triển khai các chương trình về phân bón hữu cơ, Cục BVTV cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể để phát triển phân bón hữu cơ bền vững, đó là phát triển hài hòa giữa phân bón vô cơ và hữu cơ để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng; kiểm soát và nâng cao công suất của nhà máy sản xuất để đổi mới công nghệ, đổi mới các loại phân bón thế hệ mới đưa vào sản xuất, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nước và nước ngoài…