Như vậy là sau 990 năm, trải qua các triều vua, chúa, tổng, lần đầu tiên địa phương tổ chức sinh nhật trọng đại với khoản kinh phí dự kiến lên tới 104 tỷ đồng.
Lễ hội Lam Kinh diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm - (Ảnh: HÀ ĐỒNG/Tuổi trẻ) |
Nhưng trước tiên xin nói chuyện xin gạo ăn. Từ đầu năm đến nay tỉnh Thanh Hóa có hai văn bản xin Chính phủ gạo cứu đói. Lần thứ nhất là dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất, căn cứ văn bản của tỉnh thì ngày 23/1/2018, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng tờ trình đề nghị cấp không thu tiền 678 tấn gạo cho Thanh Hóa cứu đói 45.178 nhân khẩu.
Lần thứ 2, đúng dịp Lọc hóa dầu Nghi Sơn ra mẻ dầu đầu tiên, ngày 2/5/2018, Chính phủ đã quyết định cấp không thu tiền 518 tấn gạo cho Thanh Hóa cứu đói theo đề nghị của tỉnh và tờ trình của Bộ Tài chính.
Không chỉ có gạo, hàng năm, Trung ương vẫn phải điều tiết về cho Thanh Hóa trên dưới 10.000 tỷ đồng để bù vào ngân sách. Một con số không ít tại mảnh đất được ví “như một Việt Nam thu nhỏ” và hội đủ tứ sơn.
Trước muôn vàn khó khăn, túng thiếu, đói nghèo vẫn còn thì việc lên kế hoạch bỏ ra 104 tỷ đồng cho một sự kiện như thế liệu đã đúng lúc? Có thật cần thiết phải chi 104 tỷ đồng như thế hay không? Bởi việc chi tiền cho cái Lễ danh xưng ấy, có dư luận cho là một kiểu đốt tiền, chơi hoang!
Việc mà tỉnh Thanh nên làm lúc này là xóa bỏ đi những hình thức không cần thiết, thay vào đó là những việc làm thiết thực, cụ thể, hãy tập trung cho sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Bày đặt lễ nghĩa trong khi dân còn đói, còn nghèo, còn phải xin gạo cứu đói hàng năm thật là hai hình ảnh trái ngược..
Còn nhớ tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (hôm 25/6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi”. Ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ hiểu điều đó như thế nào?