| Hotline: 0983.970.780

Công ty Âu Á tự hủy uy tín, thương hiệu của mình

Thứ Sáu 26/01/2024 , 06:14 (GMT+7)

KIÊN GIANG Ký hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua lúa với hàng loạt hợp tác xã nhưng Công ty Âu Á không thực hiện và đang tự hủy uy tín, thương hiệu của mình.

Tự tìm vùng nguyên liệu liên kết

Khi nông dân các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang chuẩn bị sản xuất vụ lúa mùa 2023-2024 trên nền đất nuôi tôm (lúa – tôm) thì Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Âu Á (Công ty Âu Á, địa chỉ tại số 68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Q.1, TP HCM) có thư đề xuất về việc khảo sát vùng trồng, thảo luận các điều kiện liên kết thu mua lúa thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, Sở NN-PTNT Kiên Giang cũng có Công văn chỉ đạo về việc phối hợp triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa trên địa bàn tỉnh, để các địa phương thực hiện.

Hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua lúa được Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu ký với các hợp tác xã trên địa bàn huyện An Minh nhưng sau đó công ty không thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua lúa được Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu ký với các hợp tác xã trên địa bàn huyện An Minh nhưng sau đó công ty không thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Từ căn cứ trên, Phòng NN-PTNT huyện An Minh (một trong 4 huyện của vùng U Minh Thượng) triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ sản xuất lúa trên địa bàn huyện, với sự tham dự của lãnh đạo UBND huyện, phòng, ban, các xã, thị trấn và tất cả các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn cùng tham dự. Tại cuộc họp này, bà Đoàn Thị Thùy Linh, Giám đốc Công ty Âu Á đã giới thiệu khái quát về công ty và nhu cầu liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Thậm chí, Công ty Âu Á còn cam kết trong hợp đồng: “Trong trường hợp thị trường lúa gạo sa sút nghiêm trọng, giá bán không đủ bù đắp chi phí đầu tư của nông dân, Công ty cam kết vẫn sẽ thu mua lúa với giá mà đảm bảo người nông dân luôn có lợi nhuận không thấp hơn 40% trên tổng giá trị đầu tư”.

Sau đó, vào ngày 29/9/2023, tại UBND xã Đông Hưng (huyện An Minh), bà Đoàn Thị Thùy Linh, Giám đốc Công ty Âu Á đã ký các hợp đồng kinh tế với 9 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện An Minh, để liên kết sản xuất và thu mua lúa, với tổng diện tích thực hiện liên kết là 861,8 ha, trong thời hạn 3 năm. Hình thức liên kết giữa hai bên trong các khâu: cung ứng vật tư (phân bón) – dịch vụ đầu vào (tư vấn, tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng trọt) – tổ chức sản xuất, thu hoạch – thu mua sản phẩm (mua lúa nguyên liệu).

Theo đó, Công ty Âu Á cam kết sẽ cung cấp vật tư nông nghiệp bao gồm: Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đủ tiêu chuẩn, phù hợp với cây trồng, giá cung ứng cho nông dân trong các Hợp tác xã liên kết không cao hơn giá của sản phẩm được các đại lý chính thức niêm yết trên thị trường và được giữ ổn định trong suốt một mùa vụ.

Toàn bộ giá trị vật tư nông nghiệp mà Công ty Âu Á đã cung ứng trước cho các Hợp tác xã ký liên kết sản xuất được xem là khoản tiền đặt cọc, đảm bảo việc thu mua lúa hàng hóa cho nông dân khi đến vụ thu hoạch. Đến khi thu mua lúa, sẽ cấn trừ giá trị vật tư đã ứng trước và thanh toán phần còn lại cho nông dân.

Hộ bà Thái Thị Vĩnh, xã viên Hợp tác xã Ngã Bát tham gia thực hiện liên kết sản xuất nhưng bị Công ty Âu Á tự ý phá bỏ hợp đồng, dẫn đến khó tiêu thụ, phải chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Trung Chánh.

Hộ bà Thái Thị Vĩnh, xã viên Hợp tác xã Ngã Bát tham gia thực hiện liên kết sản xuất nhưng bị Công ty Âu Á tự ý phá bỏ hợp đồng, dẫn đến khó tiêu thụ, phải chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp đồng cũng nêu rõ các khoản lợi ích mà Hợp tác xã tham gia liên kết, xã viên tham gia trồng lúa. Cụ thể, giá thu mua lúa được hai bên thống nhất chốt trước thời gian thu hoạch 10 ngày, với cách tính là giá trung bình cộng từ các nguồn được công bố, cộng thêm 200 đồng/kg lúa. Hợp tác xã tham gia ký hợp đồng, tổ chức sản xuất theo đúng kỹ thuật, phía công ty cam kết chi lại các khoản phí cố định là 150 đồng/kg lúa tiếp nhận từ nông tham gia liên kết và được chiết khấu 5% tổng giá trị phân bón và thuốc BVTV đã sử dụng trong vụ lúa.

Và "bán rẻ" chữ tín của mình

Thế nhưng, tất cả chỉ là chiếc bánh vẽ, khi Công ty Âu Á đã đơn phương vi phạm hợp đồng và không thực hiện bất cứ điều khoản nào dù chữ ký của bà Giám đốc Đoàn Thị Thùy Linh, dấu đỏ của công ty mới vừa ráo mực. Hệ lụy là các hợp tác xã tin vào hợp đồng đã ký cũng như uy tín Công ty Âu Á và lời hứa của bà Giám đốc Đoàn Thị Thùy Linh đã triển khai thực hiện, dẫn đến xã viên mất niềm tin, bị thiệt hại về kinh tế.

Công ty Âu Á đã ký các hợp đồng kinh tế với 9 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện An Minh, để liên kết sản xuất và thu mua lúa, với tổng diện tích thực hiện liên kết là 861,8 ha nhưng sau đó không thực hiện, khiến không ít hộ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Công ty Âu Á đã ký các hợp đồng kinh tế với 9 Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện An Minh, để liên kết sản xuất và thu mua lúa, với tổng diện tích thực hiện liên kết là 861,8 ha nhưng sau đó không thực hiện, khiến không ít hộ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Là 1 trong 9 Hợp tác xã đã ký hợp đồng với Công ty Âu Á, ông Nguyễn Minh Thức, Giám đốc Hợp tác xã Ngã Bát (xã Đông Hưng B, An Minh) bức xúc cho biết, sau khi ký hợp đồng, phía Công ty Âu Á đã gửi bảng báo giá phân bón của Công ty CP Phân bón Bình Điền cho các Hợp tác xã để họp xã viên thống nhất đặt hàng theo nhu cầu. Tuy nhiên, khi Hợp tác xã đã thống nhất đăng số lượng và chờ phía công ty giao phân để bón cho lúa (đã đến đợt bón phân) thì lại nhận được thông báo chuyển sang sử dụng phân bón của Công ty Đạm Cà Mau, với lý do phía Công ty Âu Á không ký được hợp đồng mua phân với Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Tiếp đến (ngày 11/10/2023), Công ty Âu Á lại thông báo không cung ứng phân bón và thuốc BVTV cho Hợp tác xã vì không hợp đồng được với Công ty Đạm Cà Mau. Đồng thời, yêu cầu các Hợp tác xã liên hệ các đại lý mua phân công nợ theo nhu cầu, giá thị trường, tổng hợp số lượng đã mua và gửi lại số tài khoản để công ty chuyển tiền ngay sau đó.

Ông Thức cho biết, vì tin vào hợp đồng đã ký với Công ty Âu Á và lúa đã đến đợt phải bón phân (nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến năng suất), hợp tác xã đã đi huy động vốn bên ngoài, với lãi suất 1,5%/tháng để mua phân bón từ đại lý giao cho xã viên bón cho lúa. Nhưng rồi, phía Công ty Âu Á cũng không chuyển tiền để hợp tác xã trả nợ, mà bà bà Giám đốc Đoàn Thị Thùy Linh lại hứa sẽ trả chi phí lãi phát sinh.

Vì tin tưởng vào hợp đồng đã ký và lời hứa của bà Giám đốc Công ty Âu Á, Hợp tác xã Ngã Bát đã đi vay tiền mua phân bón cung ứng cho xã viên, nhưng bị công ty bẻ kèo, phải đi từng hộ gom tiền trả nợ và phát sinh lãi suất hàng chục triệu đồng chưa có nguồn để trả. Ảnh: Trung Chánh.

Vì tin tưởng vào hợp đồng đã ký và lời hứa của bà Giám đốc Công ty Âu Á, Hợp tác xã Ngã Bát đã đi vay tiền mua phân bón cung ứng cho xã viên, nhưng bị công ty bẻ kèo, phải đi từng hộ gom tiền trả nợ và phát sinh lãi suất hàng chục triệu đồng chưa có nguồn để trả. Ảnh: Trung Chánh.

“Phải chờ đến khi bà con thu hoạch và bán lúa, chúng tôi mới đi gom tiền phân bón của từng hộ, đến nay mới gom được hơn 350 triệu đồng, còn khoảng 100 triệu đồng nữa mới đủ phần hoàn trả nợ gốc đã vay. Riêng khoản lãi phát sinh đến nay là hơn 21 triệu đồng, giờ phía Công ty Âu Á đã lật lọng, lặn mất tăm, chưa biết lấy nguồn tiền đâu để trả”, ông Thức lo lắng.

Ông Võ Hoàng Ân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, thực hiện theo hợp đồng đã ký và lời hứa của bà Giám đốc Đoàn Thị Thùy Linh, toàn huyện đã có 6/9 Hợp tác xã đến các đại lý phân bón mua phân nợ để cấp cho bà con xã viên, tổng số tiền đã mua là hơn 1,8 tỷ đồng. Sau khi các Hợp tác xã đã mua phân xong có gửi số tài khoản về cho Công ty Âu Á để chuyển tiền trả nợ theo như ý kiến của Công ty. Nhưng sau đó Công ty vẫn từ chối chuyển tiền cho các Hợp tác xã vì nhiều lý do mà chỉ cam kết sẽ chịu phần lãi phát sinh do chậm chuyển tiền.

Trong suốt vụ lúa khoảng 4 tháng, Giám đốc Công ty Âu Á Đoàn Thị Thùy Linh chỉ xuống An Minh làm việc với các Hợp tác xã (cụ thể là ngày 18/10/2023) một lần nhưng không phải để thanh toán tiền phân bón nợ trước đó cho các Hợp tác xã như đã thỏa thuận mà chỉ để nhận danh sách liên kết, ký bổ sung thêm phụ lục hợp đồng và lại tiếp tục hứa hẹn sẽ chuyển tiền trong thời gian sớm nhất. Sau đó, bà Linh đã cắt đứt liên lạc với các Hợp tác xã, gọi điện không nghe máy trong thời gian dài.

Theo ông Ân, vào cuối tháng 12/2023, phía huyện An Minh đã có thư mời họp tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất tiêu thụ lúa vụ mùa 2023-2024 giữa Công ty Âu Á và các Hợp tác xã trên địa bàn huyện, tuy nhiên phía Công ty lánh mặt, không cử người xuống giải quyết vụ việc.

Để nắm rõ hơn nội dung vụ việc, cũng như có thông tin hai chiều, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Giám đốc Công ty Âu Á Đoàn Thị Thùy Linh theo số điện thoại ghi trên hợp đồng đã ký với các hợp tác xã, tuy nhiên cuộc gọi bị người nghe từ chối hoặc đổ chuông mà không có người bắt máy.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm