| Hotline: 0983.970.780

Cục QLTT kiểm tra 75 cửa hàng Bách Hóa Xanh, Tổng Giám đốc nói gì?

Thứ Bảy 17/07/2021 , 14:53 (GMT+7)

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, làm việc với 75 cửa hàng Bách Hóa Xanh trước phản ánh của người dân về việc nâng giá bất hợp lý.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức. Ảnh: Luynh Biển.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức. Ảnh: Luynh Biển.

Kiểm tra 75/641 cửa hàng Bách Hóa Xanh

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, đơn vị đã tổ chức các đội kiểm tra đến làm việc với các cửa hàng của hệ thống Bách Hóa Xanh tại quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, Thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh để làm rõ những thông tin phản ánh này.

Ghi nhận của các Đội QLTT TP.HCM, thời điểm kiểm tra, hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, các mặt hàng như rau củ quả, thịt tôm, hải sản, các đồ dùng thiết yếu đầy đủ, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định.

Phương thức hoạt động của cửa hàng Bách Hóa Xanh là chỉ cho giới hạn số lượng người vào trong mua sắm. Cụ thể từ 5 đến 10 người trong 1 lượt mua sắm, tùy diện tích của các cửa hàng. Số lượng khách còn lại sẽ đứng xếp hàng bên ngoài cửa hàng chờ với khoảng cách đảm bảo 2 mét tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh.

Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng cung cấp cho Đoàn kiểm tra thông tin về hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa được lưu trữ tại Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh. Theo đó, giá cả hàng hóa mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code, không sử dụng hệ thống máy tính kế toán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách, do công tác phòng chống dịch tại các địa phương và các vùng nguyên liệu diễn biến phức tạp, các địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc thiếu hàng hóa chỉ diễn ra ở các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng tiện lợi. Với đặc thù diện tích cửa hàng nhỏ, không có kho dự trữ hàng hóa nên trong một thời điểm nhiều người cùng mua hàng đã làm gián đoạn hoặc thiếu hàng cục bộ. Hiện việc cung cấp hàng đã được thực hiện trở lại ngay sau đó.

Các Đội QLTT cũng đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo quy định và bán đúng giá niêm yết; đảm báo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; duy trì hoạt động theo đúng thời gian quy định; tuân thủ quy định 5K của Bộ Y Tế; đồng thời tuyên truyền quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch; quy định pháp luật xử lý đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, hành vi găm hàng.

Để người dân yên tâm mua sắm tại các hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi đúng giá, Cục QLTT TP.HCM đã thành lập nhiều tổ công tác đi kiểm tra, kiểm soát để theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và cung cứng hàng hóa, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, nhắc nhở các trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm.

Liên quan đến vấn đề người dân phản ánh về việc các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng giá bán, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều tối 16/7, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho biết, rất khó để nhìn vào đánh giá tăng giá đấy có hợp lý hay không, có vi phạm hay không.

“Cần phải xem xét tổng thể, chứ không thể đánh giá một cách cảm tính. Doanh nghiệp họ có quyền được tăng giá, họ căn cứ hồ sơ chứng từ tài liệu chứng minh rằng đầu vào tăng, thì đầu ra cũng phải tăng theo. Không có sự thu thập bất chính nào thì chúng ta phải xem xét thấu đáo trong mọi góc độ. Muốn đánh giá được thì Cục QLTT cần phối hợp với các cơ quan chức năng như ngành Tài Chính để thu thập thêm thông tin, đánh giá và có câu trả lời chính xác theo quy định của pháp luật”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, chính quyền cần chỉ đạo các đơn vị có chức năng thẩm quyền về quản lý giá, có ý kiến tham vấn cho các cơ quan thực thi như UBND, công an, QLTT nếu như đánh giá thấy rằng, có mặt hàng đang có dấu hiệu xu thế tăng giá bất chính, lợi dụng dịch bệnh. Có như thế, QLTT sẽ có căn cứ dễ hơn để định hướng và hoạt động sao cho hiệu quả, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền.

Các đội kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra tại các cửa hàng của Bách Hóa Xanh. Ảnh: Luynh Biển.

Các đội kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra tại các cửa hàng của Bách Hóa Xanh. Ảnh: Luynh Biển.

Bách Hóa Xanh nói gì về việc người dân phản ánh tăng giá bán?

Trước đó, báo cáo với đoàn kiểm tra của Cục QLTT TP.HCM, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết, trong mùa dịch, mỗi ngày Bách Hóa Xanh tiếp đón từ 1 - 1,2 triệu khách hàng. Tổng lượng hàng hóa luân chuyển trong hệ thống Bách Hóa Xanh là hơn 3.000 tấn/ngày. “Từ 1.200 tấn hàng mỗi ngày, nay hệ thống đã tăng lên 3.000 tấn hàng phục vụ nhu cầu của bà con. Với lượng hàng cung ứng lớn, chúng tôi đã phải tăng 300-400% công suất của mình, do đó không thể hoàn hảo trong mọi chi tiết”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, bình thường với hơn 1.000 tấn hàng luân chuyển để phục vụ cho 2.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh thì chỉ cần 20 trung tâm phân phối toàn miền Nam.

Tuy nhiên, ở tại thời điểm này, ngoài 20 trung tâm phân phối đó, Bách Hóa Xanh mở thêm 150 trung tâm phân phối mini lưu động. “Đây là nơi nhà cung cấp có thể chở hàng trực tiếp thả vào đó, rồi từ đó chia tiếp đi các cửa hàng. Chỉ có những cách làm như thế mới đáp ứng được nhu cầu gia tăng đột biến như hiện nay. Chúng tôi cũng phải huy động mọi lực lượng từ nhân viên của Thế Giới Di Động, của Điện Máy Xanh qua Bách Hóa Xanh để có thể đẩy được lượng luân chuyển hàng hóa lên 3.000 tấn/ngày”, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh nói.

Theo ông Doanh phân tích, bình thường, một chuyến xe rau từ Đà Lạt về TP.HCM chỉ mất tầm 7-8 giờ, thì hiện nay có khi 1 ngày xe chưa đến. “Nó phát sinh rất nhiều thứ. Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, công ty không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.

Trong hoàn cảnh vận hành vô cùng khẩn trương, phức tạp, khó khăn, Bách Hóa Xanh bằng mọi cách mang hàng về phục vụ cho người dân, niêm yết giá rõ trên các sản phẩm. Nếu khách hàng thấy điều gì chưa được, bất hợp lý thì xin phản ánh với chúng tôI, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu”, ông Doanh cho biết.

Người dân mua rau củ quả tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, đường Linh Đông, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân mua rau củ quả tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, đường Linh Đông, phường Tam Phú, Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gọi đường dây nóng, tố giác hành vi lợi dụng dịch bệnh tăng giá, trục lợi

Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM Trương Văn Ba cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc Bách Hóa Xanh, cũng như các hệ thống siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi nỗ lực đưa hàng hóa phục vụ nhân dân.

“Đây là việc làm rất tốt. Đặc biệt, đối với những mặt hàng liên quan chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng tiêu dùng hàng ngay như rau củ quả, thịt, cá trứng. Các mặt hàng này chúng tôi sẽ thường xuyên nắm bắt, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm”, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM nói.

Ông Ba cũng kêu gọi người dân TP.HCM không hoang mang, không tập trung đông mua hàng tích trữ, tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá, nâng giá; bên cạnh đó việc mua nhiều hàng hóa tích trữ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 17/7, Bộ phận công tác phía Nam, Tổng cục Quản lý thị trường vừa công khai danh sách số điện thoại đường dây nóng tại 23 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam do 23 Cục QLTT phụ trách để tiếp nhận thông tin tố giác của người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra tại các địa phương đó.

Tất cả số điện thoại đường dây nóng này sẽ hoạt động thông suốt 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo được thực hiện theo chế độ “Mật” và theo quy định của pháp luật.

23 số điện thoại đường dây nóng của 23 Cục QLTT tiếp nhận phản ánh của người dân: Phú Yên (0949.144.679); Ninh Thuận (0913.882.175); Bình Thuận (0905.062.669); Lâm Đồng (0913.934.739); Bình Phước (0988.200.568); Bình Dương (0972.777.778); TP.HCM (0283.9.321.014); BR-VT (0983.046.959); Đồng Nai (0913.611.018); Tây Ninh (0888.506.792); Long An (0988.252.228); Tiền Giang (0913.686.475); Bến Tre (0918.353.721); Trà Vinh (0944.322.066); Vĩnh Long (0985.770.399); Đồng Tháp (0913.938.739); An Giang (0913.970.424); Kiên Giang (0913.993.156); Cần Thơ (0903.741.676); Hậu Giang (0911.637.779); Sóc Trăng (0913.983323); Bạc Liêu (0913.990177); Cà Mau (0913.986.927).

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nổ lò hơi ở xưởng gỗ, 6 người tử vong

ĐỒNG NAI Sáng 1/5, một vụ nổ lớn xảy ra tại công ty sản xuất gỗ ở huyện Vĩnh Cửu khiến 6 người tử vong tại chỗ và một số người bị thương.

Bình luận mới nhất