Ngày 24/1, dạo quanh những làng trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), chúng tôi thấy số lượng lớn những chậu cúc đã được thương lái ở xa vận chuyển đi, chỉ còn gửi lại 1 ít tại bãi để vận chuyển sau.
Dọc những con đường nội thị, tấp nập những chiếc xe ba gác máy chở những chậu cúc đi về các vùng quê để bán cho người dân mua về chưng Tết. Gương mặt của những chủ nhà vườn chuyên trồng cúc bán Tết ở đây không còn nỗi lo cúc ế do ảnh hưởng dịch Covid-19 như trước đây, thay vào đó là những gương mặt rạng rỡ vì cúc Tết bỗng dưng “cháy hàng” vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi), người chuyên trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), cho hay: “Năm nay tôi trồng 350 chậu cúc, lúc mới trồng cứ lo năm nay bán không được vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Không ngờ từ ngày 20 tháng Chạp, thương lái ở khắp nơi đã ồ ạt kéo về mua cúc, đến nay hầu như cúc ở phường Bình Định đã bán hết. Riêng 350 chậu cúc của tôi đã bán hết 200 chậu cho các thương lái ở TP HCM, Bình Dương và Phan Thiết. Còn lại 150 chậu thương lái ở xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn) cũng đã mua hết, vài hôm nữa chở đi. Giá cúc năm nay cũng như mọi năm, chậu 50cm tôi bán được 300 ngàn đồng".
Năm nay bà Hồ Thị Hoàng ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) “bặm gan” trồng đến 700 chậu cúc.
Để dễ tiêu thụ, bà Hoàng trồng nhiều kích cỡ chậu. Loại chậu có đường kính 1m, 70cm, 60cm bà Hoàng trồng ít hơn vì những chậu cúc lớn rất kén khách mua, chiếm số lượng nhiều nhất là cỡ chậu 40cm-50cm. Vậy mà năm nay mới 22 tháng Chạp bãi để cúc của bà Hoàng đã vơi đi nhiều, bởi thương lái đã vận chuyển đi gần hết.
Năm nào anh Huỳnh Thanh Dân (44 tuổi) ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) cũng trồng 300 chậu cúc bán Tết. Năm nay, dù lo lắng cúc Tết bị ế do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng nắm bắt được tình hình là người trồng cúc ở địa phương giảm 50% số lượng, nên năm nay anh cũng trồng 300 chậu như mọi năm, không ngờ lại trúng.
“Giá bán năm nay ổn định như những năm trước, chậu 40cm tôi bán được 230 ngàn đồng/chậu, chậu 60cm bán 700 ngàn đồng/chậu, chậu 80cm bán được 1,5 triệu/chậu. Ngoài dự kiến, năm nay thương lái mua cúc rất mạnh”, anh Dân cho hay.
Cách đây 1 tuần, hàng chục ngàn chậu cúc của người dân xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng đã được thương lái đặt cọc mua hết.
Theo ông Lê Anh Duy, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, trong vụ hoa tết Nhâm Dần năm 2022, hơn 65 hộ chuyên trồng hoa cúc bán Tết ở 2 thôn Biểu Chánh và An Cửu của xã này đã xuống giống trồng hơn 20.000 chậu hoa cúc pha lê và cúc đại đóa, giảm 10.000 chậu so với vụ hoa Tết năm 2021.
Đến ngày 17/1, nhiều thương lái đã đặt cọc tiền mua hết tất cả các chậu cúc ở đây. Chậu hoa đường kính 50cm được bán với giá 270-350 ngàn đồng/chậu, chậu hoa có đường kính 65cm bán với giá 600-700 nghìn đồng/chậu.
Ông Đinh Văn Ổn, người trồng hoa ở thôn An Cửu (xã Phước Hưng), chia sẻ: “Lo ngại ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến không tiêu thụ được, năm nay tôi chỉ trồng 600 chậu, chứ mỗi vụ hoa Tết các năm trước tôi trồng ít nhất cũng gần 1.500 chậu. Vừa rồi các bạn hàng đến đặt cọc tiền mua hoa, tôi thấy có giá nên đã bán hết với giá 280 ngàn đồng/chậu có đường kính 50cm. Tính ra, sau khi trừ chi phí thì tôi lãi được 42 triệu đồng”.
Năm nay, các làng hoa chuyên trồng cúc pha lê, đại đóa, cúc mâm xôi Nhật, như làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) trồng 25.000 chậu; làng hoa Biểu Chánh và An Cửu, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) trồng 20.000; làng hoa Vĩnh Liêm và Kim Châu (phường Bình Định (thị xã An Nhơn) trồng gần 12.000 chậu, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Từ rằm tháng Chạp cho đến nay, thương lái trong và ngoài tỉnh đổ về các làng hoa tranh nhau đặt mua hết lượng hoa cúc với giá thấp nhất 130 ngàn đồng/chậu, cao nhất 370 ngàn đồng/chậu có đường kính 50cm; còn chậu có đường kính 65cm trở lên có giá bán 400-800 ngàn đồng/chậu. Hiện các làng hoa cúc đã cháy hàng, không còn hoa để bán.