| Hotline: 0983.970.780

Thấp thỏm vụ cúc tết

Chủ Nhật 10/10/2021 , 09:00 (GMT+7)

Năm nay, lượng hoa cúc trồng để bán vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở Bình Định giảm mạnh, người trồng thấp thỏm lo hoa bán không được.

Vừa làm vừa lo

Mọi năm, đến thời điểm này, những bãi đất trống ở làng cúc Vĩnh Liêm thuộc phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) đã ken dày những chậu cúc. Khắp làng cúc sôi động cảnh nông dân tập trung cắt ngọn, chuẩn bị cắm cọc, định hình cho những chậu cúc phát triển.

Tiếng cười nói của người trồng cúc râm ran khắp những vùng đất rộng để khin khít hàng ngàn chậu cúc đại đóa, cúc pha lê. Năm nay, không khí hào hứng ở những làng cúc đã không còn, những bãi đất trống không còn cảnh ken dày những chậu cúc. Bởi, lượng cúc trồng để bán Tết năm nay đã giảm mạnh.

Năm nay, dù đã giảm số lượng nhưng bà Hồ Thị Hoàng ở thị trấn Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) vẫn trồng đến 700 chậu cúc các loại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm nay, dù đã giảm số lượng nhưng bà Hồ Thị Hoàng ở thị trấn Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) vẫn trồng đến 700 chậu cúc các loại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm nay, có lẽ bà Hồ Thị Hoàng ở khu vực Kim Châu là người “bặm gan” nhất trong số những người chuyên trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn). Dù đã giảm số lượng, nhưng vụ cúc này bà Hoàng vẫn còn trồng đến 700 chậu.

Để dễ tiêu thụ, bà trồng nhiều kích cỡ chậu. Loại chậu có đường kính 1m, 70cm, 60cm bà Hoàng trồng ít hơn vì những chậu cúc lớn rất kén khách mua, chiếm số lượng nhiều nhất là cỡ chậu 40cm - 50cm.

Theo bà Hoàng, loại chậu to có đường kính từ 60 cm đến 1m bà xuống giống sớm vào mùng 6 tháng 7 âm lịch để cây cúc có thời gian phát triển, cành bung nở cho kín chậu, loại này hiện đã cắt ngọn đợt 2. Còn những chậu có đường kính 40 - 50cm bà Hoàng xuống giống muộn hơn, vào đầu tháng 8 âm lịch, nên đến thời điểm này mới cắt ngọn đợt 1.

Theo bà Hoàng, cúc phải cắt ngọn để nó bung nở, không cắt nó cứ lên suông đuột, bán không ai mua. Vợ chồng bà Hoàng trồng cúc đã mấy chục năm nay, năm nào không có cúc bán Tết là buồn lắm. Nghề trồng cúc năm được năm không. Năm thì bão lũ gây thiệt hại, năm thì ế ẩm phải bán rẻ như cho, có năm đến 30 Tết không ai mua phải đập chậu.

Những chậu cúc lớn của bà Hồ Thị Hoàng xuống giống sớm nên giờ đã cắt đọt đợt 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những chậu cúc lớn của bà Hồ Thị Hoàng xuống giống sớm nên giờ đã cắt đọt đợt 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Vậy mà cứ đến vụ là phải trồng, cứ như đã lỡ mang cái nghiệp với hoa Tết rồi. Thế nhưng không năm nào vừa trồng vừa phập phồng như năm nay, hoa trồng lên rồi mà bụng cứ lo Tết bán không được. Dịch Covid-19 thế này, nếu như đến Tết mà có nhiều địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 thì coi như thua, người ta đi lại không được thì ai đâu mua hoa”, bà Hoàng lo lắng.

Lượng hoa giảm 1 nửa

Anh Lê Văn Định, người có hơn 10 năm trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn) vừa cùng vợ dọn gốc để vô đất đợt 2, vừa trò chuyện: “Mọi năm vợ chồng tôi đều trồng 400 - 500 chậu cúc bán Tết. Năm nay dịch giã, ai cũng không làm ăn mua bán gì được, chạy cái ăn thôi đã xíu míu thì lấy đâu ra tiền mua hoa chơi Tết.

Sợ hoa bán không được, nên năm nay vợ chồng tôi chỉ trồng 250 chậu. Đã giảm số lượng xuống còn có 1 nửa mà lòng vẫn lo ngay ngáy, bởi đã đầu tư vào đây không ít tiền”, anh Định ái ngại.

Những năm trước, vợ chồng anh Lê Văn Định trồng đến 400 - 500 chậu cúc,  năm nay chỉ trồng 250 chậu mà vẫn lo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những năm trước, vợ chồng anh Lê Văn Định trồng đến 400 - 500 chậu cúc,  năm nay chỉ trồng 250 chậu mà vẫn lo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Định, mỗi chậu hoa có đường kính 50cm từ tiền mua giống, mua chậu, mua tre vót cọc, tiền phân và thuốc BVTV, từ khi xuống giống đến khi xuất bán, mỗi chậu hoa “nuốt” mất khoảng gần 150.000 đ tiền vốn.

Nếu không có công nhà, phải thuê công cắt ngọn, cắm cọc thì chi phí cho mỗi chậu cúc tăng đến 200.000 đ. Tổng chi phí cho 250 chậu cúc là 50 triệu đồng. Nếu suôn sẻ, gặp năm mua bán thuận lợi, mỗi chậu cúc bán giá sỉ được 300.000 - 350.000 đ, với 250 chậu cúc, người trồng có lãi khoảng hơn 25 triệu đồng.

Gặp năm ế ẩm thì người trồng phải chịu lỗ. Có năm gần đến Tết gặp cơn lũ lớn ùa về, xô ngã toàn bộ những chậu cúc đặt trên những bãi đất gần sông Kôn, năm đó người trồng cúc ở phường Bình Định gần như bị đứt vốn. Bởi, khi lá cúc đã bết bùn non thì vô phương cứu chữa, rụng hết lá. Cúc mà rụng hết lá thì không thể bán cho ai.

Trước lo lắng thị trường hoa Tết năm nay sẽ “đóng băng” vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người chuyên trồng cúc bán Tết ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đành “treo chậu”, không dám trồng vì sợ mất vốn.

Lượng hoa cúc trồng bán Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở Bình Định đã giảm hơn 1 nửa so với những năm trước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lượng hoa cúc trồng bán Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở Bình Định đã giảm hơn 1 nửa so với những năm trước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), trong vụ hoa Tết năm nay, vì sợ dịch Covid-19 làm ảnh hưởng thị trường, nên chỉ có 114 hộ trồng khoảng 30.000 chậu cúc, giảm gần 20.000 chậu so với vụ hoa cúc Tết năm ngoái. Trong số những hộ dân có truyền thống trồng hoa cúc bán Tết ở xã Phước Hòa, năm nay có đến gần 50 hộ “treo chậu”.

“Chỉ tính riêng ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn) có đến 70 hộ chuyên trồng hoa cúc bán Tết, mỗi vụ Tết trồng khoảng hơn 20.000 chậu. Lượng hoa này người địa phương chỉ mua 1 ít, chủ yếu thương lái mua rồi chở đi tiêu thụ khắp nơi.

Có năm thương lái ở Phú Yên ra mua rất nhiều. Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp quá, nếu đến Tết mà dịch giã chưa lắng dịu, nhiều địa phương còn giãn cách thì cầm chắc hoa Tết sẽ không tiêu thụ được.

Thôi thì cứ đến vụ là trồng, cầu mong cho bớt dịch bệnh, nếu được vậy thì hoa cúc sẽ bán đắt vì năm nay số lượng giảm rất nhiều”, anh Lê Văn Định, người đang trồng 250 chậu cúc ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn), mong ước.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.