| Hotline: 0983.970.780

Cục Thú y lên tiếng trước thông tin 2 ca bệnh Bò điên tại Brazil

Thứ Hai 06/09/2021 , 22:37 (GMT+7)

Trên hệ thống báo cáo dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới chưa có thông tin về 2 ca bệnh Bò điên 'không điển hình' tại Brazil.

Bệnh Bò điên do protein dạng Prion gây ra, làm suy thoái hệ thần kinh trung ương và gây chết ở trâu bò. Ảnh minh họa: Lee Jae-Won / Reuters.

Bệnh Bò điên do protein dạng Prion gây ra, làm suy thoái hệ thần kinh trung ương và gây chết ở trâu bò. Ảnh minh họa: Lee Jae-Won / Reuters.

Bệnh Bò điên là gì?

Theo Cục Thú ý, bệnh Viêm não thể xốp ở bò (tên tiếng Anh là Bovine Spongiform Encephalopathy, viết tắt là BSE), thường được gọi là bệnh Bò điên. Bệnh do protein dạng Prion gây ra, làm suy thoái hệ thần kinh trung ương và gây chết ở trâu bò.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh Bò điên được phân biệt ở 2 thể bệnh:

Thể bệnh Bò điên cổ điển (Classical BSE) do ăn phải thức ăn có chứa Prion của bò bệnh. Bệnh Bò điên thể này được phát hiện lần đầu vào năm 1986 tại Vương Quốc Anh, sau đó đã xuất hiện ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ (như Ireland, Thụy Sỹ, Pháp, Liechtenstein, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Đức, Ý,  Hoa Kỳ, Alberta, Canada, Nhật Bản, Arap Xeut, Isarel, Brazil, Romani…)

Việc kiểm soát dịch bệnh này đã được thực hiện rất hiệu quả trong nhiều năm qua như kiểm soát thức ăn có chứa sản phẩm động vật từ loài nhai lại, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ trong quá trình giết mổ bò để xử lý,…, nên sự xuất hiện của thể bệnh Bò điên cổ điển là rất thấp. Do vậy, OIE chỉ phân loại nguy cơ bệnh Bò điên đối với thể bệnh Bò điên cổ điển.

Thể bệnh Bò điên “không điển hình” (Atypical BSE) xảy ra một cách tự nhiên và rải rác. OIE loại trừ thể bệnh Bò điên “không điển hình” ra khỏi nhóm phân loại nguy cơ bệnh Bò điên vì thể bệnh này chỉ xảy ra một cách tự nhiên ở bất kỳ quần thể bò nào với một tỷ lệ rất thấp; OIE không đưa vào điều kiện thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và sản phẩm từ trâu bò.

Đối với thể bệnh Bò điên cổ điển, OIE đã có những quy định cụ thể trong thương mại quốc tế nhằm quản lý rủi ro về sức khỏe cho vật nuôi và con người, cụ thể:

Đối với sản phẩm từ trâu bò xuất khẩu, OIE quy định danh mục các loại sản phẩm từ trâu bò trong thương mại quốc tế vẫn bảo đảm an toàn mà không liên quan đến tình trạng có ca bệnh thuộc thể bệnh Bò điên cổ điển hay không có ca bệnh ở nước xuất khẩu.

Danh mục các sản phẩm đó bao gồm: sữa và sản phẩm sữa, tinh phôi, da, lông, gelatin và collagen làm từ lông và da, huyết và các sản phẩm huyết, thịt bò không xương từ bò đã được kiểm tra trước và sau giết mổ, không làm choáng bằng dụng cụ có xâm nhập như pittong.

Đối với trâu bò sống xuất khẩu, OIE quy định cụ thể đối với từng nhóm nước xuất khẩu, các nhóm nước xuất khẩu được OIE xác nhận bao gồm: Nước có nguy cơ không đáng kể về thể bệnh Bò điên cổ điển; nước kiểm soát được thể bệnh Bò điên cổ điển và nước có tình trạng thể bệnh Bò điên cổ điển chưa xác định. Cụ thể:

Tại các nước có nguy cơ không đáng kể về thể bệnh Bò điên cổ điển, gia súc xuất khẩu được đánh dấu bằng hệ thống định danh để bảo đảm chúng không tiếp xúc với gia súc mắc thể bệnh Bò điên cổ điển; được sinh ra sau ngày cấm sử dụng thức ăn có bột thịt xương của gia súc thuộc loài nhai lại.

Tại các nước kiểm soát được thể bệnh Bò điên cổ điển, gia súc xuất khẩu lấy từ các quốc gia/vùng/cơ sở đã kiểm soát được thể bệnh Bò điên cổ điển; gia súc được đánh dấu bằng hệ thống định danh để bảo đảm chúng không tiếp xúc với gia súc mắc thể bệnh Bò điên cổ điển; được sinh ra sau ngày cấm sử dụng thức ăn có bột thịt xương của gia súc nhai lại.

Tại các nước có tình trạng thể bệnh Bò điên cổ điển chưa xác định, việc sử dụng thức ăn có bột thịt xương loài nhai lại phải bị cấm và lệnh cấm vẫn còn hiệu lực; gia súc xuất khẩu được đánh dấu bằng hệ thống định danh để bảo đảm chúng không tiếp xúc với tất cả các ca bệnh thể Bò điên cổ điển cũng như gia súc trong năm tuổi đầu tiên được nuôi cùng gia súc mắc thể bệnh Bò điên cổ điển và dùng cùng loại thức ăn với gia súc bị nhiễm thể bệnh Bò điên cổ điển, hoặc gia súc được sinh ra trong cùng đàn, trong vòng 12 tháng, với gia súc mắc thể bệnh Bò điên cổ điển; được sinh ra sau ngày cấm sử dụng thức ăn có bột thịt xương của gia súc nhai lại ít nhất là 2 năm.

Như vậy, với bất cứ tình trạng nào về thể bệnh Bò điên cổ điển, các nước đều có thể xuất khẩu được trâu bò sống. Tùy vào tình trạng thể bệnh Bò điên cổ điển do OIE công nhận mà nước xuất khẩu và nước nhập khẩu thỏa thuận các điều kiện xuất nhập khẩu theo quy định của OIE để bảo vệ sức khỏe cho động vật và cho người.

Chưa có thông tin về 2 ca bệnh Bò điên ở Brazil

Căn cứ vào tình hình thể bệnh Bò điên cổ điển của từng nước và quy định của OIE trong thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và thịt bò đông lạnh, pháp luật về Thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trong nhiều năm qua Việt Nam đã xem xét cho phép nhập khẩu bò sống (bò giống, bò sữa), thịt bò đông lạnh từ nhiều nước đã có ca bệnh Bò điên thể cổ điển vào Việt Nam (như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ,…).

Trong những năm trước đây, Brazil cũng đã ghi nhận một vài trường hợp Bò điên không điển hình. Mỗi ca bệnh Bò điên không điển hình đều được Brazil tổ chức điều tra, lấy mẫu để xét nghiệm, đồng thời gửi mẫu đến Phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE tại Vương quốc Anh, Canada,… để xét nghiệm, kết luận.

Trên cơ sở đó, OIE đã thẩm định hồ sơ, đánh giá tình trạng bệnh Bò điên tại Brazil và tiếp tục công nhận Brazil là nước có nguy cơ không đáng kể về bệnh Bò điên vào tháng 5/2021. Nhiều năm trước, Brazil cũng đã được OIE đánh giá và công nhận Brazil là nước có nguy cơ không đáng kể về bệnh Bò điên.

Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin Brazil mới xuất hiện 2 ca bệnh Bò điên “không điển hình” tại 2 nhà máy giết mổ trâu bò của Brazil.

Theo đó, 2 ca bệnh Bò điên “không điển hình” mới xảy ra tại Brazil là ở bò già 17 năm tuổi và được phát hiện trong quá trình kiểm soát ở các bang Minas Gerais và Mato Grosso. Tuy nhiên, trên hệ thống báo cáo dịch bệnh của OIE (WAHIS) chưa có thông tin về các ca bệnh này.

Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu bò sống từ Brazil vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của OIE, pháp luật về Thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu bò sống từ Brazil vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của OIE, pháp luật về Thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Căn cứ quy định của OIE về bệnh Bò điên trong thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và sản phẩm từ trâu bò, hiện nay Brazil vẫn đang xuất khẩu trâu bò sống để làm giống, trâu bò sống để giết mổ làm thực phẩm và thịt bò đông lạnh sang các nước trên thế giới. Hiện tại, Brazil là nước xuất khẩu trâu bò sống lớn thứ năm và thịt bò lớn nhất thế giới.

Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt bò đông lạnh lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 23% lượng thịt bò của cả thế giới). Thịt bò Brazil đã và đang được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, các nước Châu Âu, Liên minh kinh tế Á Âu, các nước khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kong, Thái Lan, Singapore, Philipines… Trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Brazil.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Brazil đã chủ động tạm ngừng xuất khẩu thịt bò đông lạnh sang Trung Quốc với lý do: Cơ quan có thẩm quyền của Brazil và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thịt bò đông lạnh từ Brazil sang Trung Quốc, theo đó Brazil sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc khi phát hiện ca bệnh Bò điên “không điển hình” tại nước xuất khẩu.

Ngoài ra, Brazil đã và đang xuất khẩu trâu bò sống để làm giống sang các nước: Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Paragoay, Bolivia, Benin, Angola, Senegal, Ả rập Xê út, Venezuela, Congo,...

Bên cạnh đó, Brazil đã và đang xuất khẩu trâu bò sống để giết mổ làm thực phẩm sang các nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Hong Kong, Lebanon, Ai Cập, Irac, Jordan, Bolivia, Angola, Paragoay, Venezuela,...

Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu bò sống từ Brazil vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của OIE, pháp luật về Thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.