| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng của rừng và bài toán sinh kế: Bài học ở tỉnh Đăk Lăk

Thứ Ba 18/04/2023 , 09:24 (GMT+7)

Tỉnh Đăk Lăk từng là điểm nóng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13, tất cả đã thay đổi.

Ổn định đời sống người dân, phát triển sinh kế cũng là giải pháp bảo vệ phát triển rừng ở Đăk Lăk. Ảnh: Hoàng Anh.

Ổn định đời sống người dân, phát triển sinh kế cũng là giải pháp bảo vệ phát triển rừng ở Đăk Lăk. Ảnh: Hoàng Anh.

Rừng là tài nguyên nhưng cũng phải là tư liệu sản xuất

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Đình Trung từng nói, Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung mấy chục năm qua đón hàng triệu hộ đồng bào từ khắp mọi miền cả nước đến sinh sống, lập nghiệp. Đa phần là đồng bào khó khăn đến từ những vùng đất khó khăn, đến Tây Nguyên và có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã làm giàu, song tình trạng người dân đến Tây Nguyên tự phát vẫn tiếp diễn.

Để ổn định sản xuất, đời sống cho hàng triệu đồng bào đó, ngoài sự quan tâm của hệ thống chính trị địa phương, sự nỗ lực của bà con thì cái giá phải trả là rất lớn. Vấn đề suy thoái rừng, đất đai, môi trường... Theo thống kê vẫn còn khoảng 18.000 hộ dân tương ứng với 67 dự án cần được đầu tự sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống.

Đó cũng là thực tiễn khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đăk Lăk từng rất phức tạp. Bằng chứng là những con con số thống kê khủng khiếp. Năm 2014 kết quả điều tra, kiểm kê rừng diện tích rừng tự nhiên ở Đăk Lăk biến động giảm hơn 86.239 ha. Từ năm 2011 - 2016 lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý 9.987 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với công tác trồng rừng,đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch do việc huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác phát triển rừng khó khăn; việc thực hiện Đề án đổi mới các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp rất chậm do không lựa chọn được đối tác để chuyển đổi thành Công ty TNHH 2 thành viên và rất nhiều trình tự, thủ tục liên quan về vấn đề tài sản sở hữu nhà nước, con người trong doanh nghiệp…

Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Đình Trung chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Quý

Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Đình Trung chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Quý

Thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, tỉnh Đăk Lăk đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Xác định bảo vệ, phát triển rừng là trách nhiệm của toàn xã hội, tỉnh Đắk Lắk không chỉ triệt để đối với những vụ xâm phạm rừng mà còn bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững. Bảo vệ và phát triển rừng vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết, trong đó phải chú trọng vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng.

Kết quả, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. So với giai đoạn 5 năm trước, số vụ vi phạm giảm 3.485 vụ. Trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk trồng được 12.405 ha. Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Đăk Lăk đã thu hơn 517 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng để chi trả quản lý, bảo vệ rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh cũng đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng số tiền hơn 488 tỷ đồng. Những nguồn kinh phí rất quan trọng đó đã góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng và khoán quản lý bảo vệ rừng, ổn định đời sống của người dân sống gần rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương.

Đặc biệt chủ trương, chính sách gắn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với vấn đề di dân, tỉnh Đăk Lăk đã quy hoạch 17 dự án với tổng diện tích 7.145 ha đất cần để giải quyết cho các dự án bố trí ổn định dân di cư. Trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện 21 dự án với hơn 5.314 hộ dân với nhu cầu quỹ đất khoảng 35.397 ha.

Định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tới, tỉnh Đăk Lăk xác định rõ quan điểm rừng vừa là tài nguyên, tư liệu sản xuất, là tài sản, nguồn lực vừa là yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái; giảm thiểu thiên tai và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chia sẻ, Tỉnh ủy Đăk Lăk đã chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng và triển khai xây dựng đề xuất Dự án “Giảm thiểu phát thải tại khu vực Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu của Chương trình REDD+ quốc gia Việt Nam”, hiện tại đang chỉnh sửa, điều chỉnh theo ý kiến thẩm định của các bộ, ngành trung ương.

Tỉnh Đăk Lăk kiến nghị nhiều chính sách cải tạo rừng nghèo kiệt để phát triển kinh tế. Ảnh: Hoàng Anh. 

Tỉnh Đăk Lăk kiến nghị nhiều chính sách cải tạo rừng nghèo kiệt để phát triển kinh tế. Ảnh: Hoàng Anh. 

Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Đăk Lăk nhiệm kỳ 2020-2025, Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 tỉnh Đăk Lăk đặt mục tiêu bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, trồng rừng 9.085 ha, độ che phủ rừng phấn đấu từ 38-42%, sản lượng khai thác gỗ đạt từ 350.000- 400.000 m3/năm, diện tích rừng tự nhiên được xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững 395.000 ha, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 5.000 ha rừng trồng sản xuất…

Để hiện thực được những mục tiêu nêu trên, tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Trung ương sớm tham mưu xây dựng và ban hành “Cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu/ha, trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha, trở lên để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng.

Rừng khộp ở Đăk Lăk. Ảnh: Minh Quý

Rừng khộp ở Đăk Lăk. Ảnh: Minh Quý

Tỉnh Đăk Lăk cũng đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ cho phép triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Đăk Lăk; triển khai Đề án thí điểm mô hình vườn rừng, kết hợp bảo tồn dược liệu quý tại Đăk Lăk…

Thay đổi ở Yok Don

Với diện tích hơn 115.545ha, Yok Don là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất nước, nơi duy nhất bảo tồn rừng khộp với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Với cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm khoảng 50.000 người, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên đã có thời điểm ở Yok Don đã  phát hiện và xử lý hơn 1.400 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Vậy nhưng hôm nay, đến Yok Don dễ dàng nhận thấy, sứ mệnh quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là của chung cả cộng đồng.

Giao khoán rừng cộng đồng buôn làng trở thành cuộc cách mạng ở Yok Don. Ảnh: Hoàng Anh.

Giao khoán rừng cộng đồng buôn làng trở thành cuộc cách mạng ở Yok Don. Ảnh: Hoàng Anh.

17.500 ha rừng ở Yok Don đã được giao khoán cho 19 thôn, buôn vùng đệm với hơn 2.300 hộ dân nhận giao khoán thuộc hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp. Rừng vừa là tài nguyên quốc gia vừa là sinh kế mang lại nguồn thu nhập bền vững, trở thành máu thịt của buôn làng.

Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các hộ tham gia mô hình giao khoán theo lịch phân công sẽ tham gia cùng lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Don tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học…

Mỗi buôn sẽ luân phiên phụ trách một tuần, chia thành từng tốp, từng tổ đi tuần tra với lực lượng kiểm lâm. Nhờ những chuyến tuần rừng như thế giúp họ kịp thời phát hiện và báo cho lực lượng chức năng các hoạt động xâm hại rừng; tham gia các hoạt động phòng, chống cháy rừng như phát dọn thảm thực vật, tạo đường băng cản lửa...

Dù còn nhiều vất vả nhưng bù lại, cuộc sống đồng bào dần ổn định, họ có thêm thu nhập từ việc tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tính từ năm 2019 đến năm 2022, Vườn quốc gia Yok Don đã chi trả gần 17,5 tỷ đồng cho 19 cộng đồng thôn, buôn.

Ông Y Tê, Bí thư Buôn Drăng Pốk, xã Krông Ana. Ảnh: Minh Quý

Ông Y Tê, Bí thư Buôn Drăng Pốk, xã Krông Ana. Ảnh: Minh Quý

Ông Y Tê, Bí thư Buôn Drăng Pốk, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn chia sẻ: Nhận thức của bà con trong buôn về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã khác trước rất nhiều. Một phần là nhờ quan tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh ở khu vực biên giới này, mặt khác là nhờ hình thức giao khoán, đồng bào trực tiếp tham gia bảo vệ và được hưởng lợi từ rừng, có nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống nên ý thức bà con đã được nâng lên rất nhiều.

Lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Don cũng phấn khởi bày tỏ, với diện tích nằm trên địa giới hành chính 7 xã thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, sứ mệnh bảo vệ và phát triển rừng bây giờ không chỉ của riêng lực lượng bảo vệ rừng hưởng lương mà còn là của cộng đồng hàng vạn hộ dân. Mặc dù mức thu nhập 2,5 triệu đồng/hộ/năm vẫn còn thấp nhưng có thể coi đây là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.