| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng nông nghiệp Trung Quốc: [Bài 1] Tăng năng suất nhờ mạng 5G

Thứ Ba 12/11/2019 , 10:45 (GMT+7)

Trung Quốc đang ráo riết tham gia vào một cuộc chạy đua cách mạng nông nghiệp với chìa khóa thành công đặt vào những đột phá về công nghệ thông tin và viễn thông.

13-33-43_nh1
Bên trong trang trại thông minh trồng cà chua ở Ô Trấn, Chiết Giang. Ảnh: South China Morning Post.

Đỏ, da cam, vàng, tím, xanh... có tổng cộng 18 loại cà chua từ khắp nơi trên thế giới tập trung bên trong nhà kính thông minh được vận hành nhờ mạng 5G tại trang trại Công viên Triển lãm Nông nghiệp Internet Ô Trấn.

Nằm ở một thị trấn nhỏ tại tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, nơi Hội nghị Internet Thế giới diễn ra hàng năm, khoảng 2.800 cây cà chua đang được xử lý với tiêu chuẩn “5 sao” bên trong nhà kính đặc biệt này, bao gồm cài đặt nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, tùy chỉnh dinh dưỡng cấp cho cây trồng thông qua các đường ống nhỏ màu đen bên cạnh hệ thống phát nhạc cho cây “nghe”. Tất cả được mang đến nhờ các cảm biến kết nối với mạng 5G do China Mobile, một trong những công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, vận hành, theo South China Morning Post.

Mỗi cây cà chua được trồng thủy canh trong một hộp bông khoáng (rockwool) có ống thông để vận chuyển nước và chất dinh dưỡng. Hàng loạt cảm biến giúp giám sát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng nước và mức phân bón rồi truyền dữ liệu qua mạng 5G theo thời gian thực, cho phép hệ thống điều khiển cài đặt chính xác các thông số nhằm tối đa hóa năng suất cây trồng.

Nhà kính còn duy trì một hệ thống kiểm soát sâu hại và dịch bệnh, có thể tiêu diệt côn trùng bằng cách phun ozone, Dong Yongze, giám đốc điều hành công ty nông nghiệp Daoji chuyên đầu tư vào các trang trại thông minh, cho biết.

“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình khám phá các ứng dụng của mạng 5G bởi hiện tại không có sẵn nhiều thiết bị 5G”, Zhao Yu, người dẫn dắt chương trình nông nghiệp thông minh tại Daoji, nói. “Mạng 5G nhanh và chính xác hơn. Với mạng 4G, hệ thống quản lý thỉnh thoảng vẫn bị đóng băng và chúng tôi phải chờ đợi để có được các phân tích, đánh giá. Mạng 5G cho chúng tôi kết quả ngay lập tức”.

Zhao thêm rằng trong quá khứ, họ cần thiết lập một bảng điều khiển riêng rẽ gần nhà kính và nó không thể truy cập qua điện thoại thông minh. Giờ đây, mọi hệ thống đều có thể được quản lý từ xa nhờ điện thoại kết nối mạng 5G.

Mật độ cây trồng cao hơn rất nhiều tại các trang trại thông minh nếu so với những nhà kính truyền thống và công nghệ mới còn giúp loại bỏ các yếu tố thời vụ. Dong cho hay sản lượng cây trồng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ở một số trường hợp. Nhân lực cũng được giảm thiểu đáng kể.

“Khả năng giảm thiểu nhân lực ở các trang trại thông minh là rất lớn”, Dong nói. “Sử dụng phương pháp truyền thống, chúng tôi có thể cần đến 10 người để quản lý những cánh đồng cà chua. Nhưng nay, chỉ cần hai người là quản lý được tới 4 nhà kính thông minh”.

Trung Quốc đang chạy đua với các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực triển khai mạng không dây 5G, mang đến tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn, giảm độ trễ, tiết kiệm năng lượng và khả năng kết nối thiết bị rộng lớn hơn. Công nghệ di động được nhìn nhận như chìa khóa giúp thống trị các lĩnh vực như tự động hóa nhà máy, robot và xe tự lái.

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc được đánh giá là công ty đi đầu trong sứ mệnh chinh phục công nghệ 5G nhưng họ đang gặp phải trở ngại vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mỹ đã đưa Huawei vào một danh sách đen vì lo ngại những tác động của công ty này đối với an ninh quốc gia.

Hồi tháng 6, Trung Quốc cấp giấy phép thương mại hóa 5G cho ba nhà khai thác mạng viễn thông hàng đầu, gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, bên cạnh gã khổng lồ mạng truyền hình cáp là China Broadcasting Network, trong bối cảnh Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu triển khai các công nghệ mới.

Ô Trấn, một trong những khu vực thí điểm, đã lắp đặt trạm phát 5G thương mại đầu tiên hồi tháng ba và nay cả thị trấn đều được phủ sóng.

Dù vậy, các nhà phân tích công nghiệp vẫn cảnh báo về một số vấn đề bên cạnh sự hứa hẹn của mạng không dây 5G. “Sẽ có vấn đề về lợi tức đầu tư khi triển khai công nghệ 5G”, Kai Cui, giám đốc nghiên cứu thuộc Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (IDC) ở Trung Quốc, đánh giá. “Các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng tương đối thấp, đồng nghĩa lợi tức đầu tư có thể trở thành thách thức lớn nhất đối với việc ứng dụng 5G trong nông nghiệp”.

13-33-43_nh2
Thiết bị trong hệ thống kiểm soát sâu hại và dịch bệnh tại trang trại thông minh ở Ô Trấn. Ảnh: South China Morning Post.

Dong cho biết để xây nhà kính thông minh rộng 32.000 m2 của mình, anh phải chi khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD), nhưng chi phí này sẽ giảm trong tương lại khi công nghệ 5G trở nên phổ biến hơn.

Các bên khác cũng đang bắt đầu tham gia vào cuộc đua phát triển trang trại thông minh. Hồi tháng 9, Huawei và nhà cung cấp viễn thông Thụy Sĩ Sunrise đã tham gia hợp tác chiến lược với viện nghiên cứu nông nghiệp Agroscope nhằm phát triển các trang trại hỗ trợ mạng 5G. Nhiều ứng dụng 5G đang được thử nghiệm tại Trang trại Tương lai ở Tanikon, Thụy Sĩ.

Công ty dịch vụ nông nghiệp Daoji đang hợp tác với hàng trăm trang trại trên khắp Trung Quốc để thử nghiệm các công nghệ nông nghiệp mới. Họ vừa ký hợp đồng với trang thương mại điện tử giao dịch thực phẩm tươi sống do Tencent hậu thuẫn Missfresh, cung cấp 6 tấn cà chua cho nền tảng này mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 5/2020.

Dù giới phân tích còn hoài nghi, Trung Quốc vẫn thể hiện rõ tham vọng xây dựng một thế giới mới dựa trên nền tảng công nghệ 5G. Các tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã thiết lập 86.000 trạm phát sóng 5G trên cả nước và con số dự kiến tăng lên 130.000 vào cuối năm nay, Chen Zhaoxiong, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết hôm 21/10 tại Hội nghị Internet Thế giới lần thứ 6.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.