Bành Tân chụp ảnh cùng một UAV của XAG. (Ảnh: SCMP). |
“Tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu từ rất xa và tôi nghĩ phương tiện bay không người lái (UAV) có thể hữu ích”, Bành, 37 tuổi, nói với SCMP. Anh là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành XAG, một trong những công ty sản xuất UAV nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc. “Ít nhất thì UAV cũng giúp người nông dân không phải tiếp xúc nhiều với hóa chất”.
Biện pháp này còn hiệu quả về mặt chi phí, yếu tố quan trọng đáng cân nhắc đối với ngành nông nghiệp đang khan hiếm lao động tại Trung Quốc. Nhìn chung, với cùng một công việc phun thuốc, UAV cần thời gian ít hơn 30 lần so với con người. Địa hình càng hiểm trở, UAV càng có lợi thế.
Sau chuyến đi, Bành tập trung vào sản xuất UAV dùng trong công nghiệp thay vì dòng thiết bị thường được sử dụng để quay video. Quyết định này đã đúng khi nhu cầu phun thuốc trừ sâu và phân bón tăng mạnh trong khi lao động nông nghiệp lại giảm. Thanh niên thà làm việc trong nhà máy hoặc bồi bàn, giúp việc trong những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, hơn là làm việc quần quật trên đồng.
Cha mẹ Bành từng chuyển từ vùng ngoại ô về thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc. Bành được sinh ra và lớn lên tại đây. Anh tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Đại học Tây An, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, sau đó làm việc tại Microsoft hai năm rồi khởi nghiệp, lập công ty chế tạo UAV năm 2007. Bành đổi tên công ty thành XAG hồi năm ngoái.
XAG ước tính chiếm hơn nửa doanh số bán UAV nông nghiệp tại Trung Quốc, phục vụ hơn 1,2 triệu nông dân. XAG đang có 27.000 UAV hoạt động, phần lớn được bán cho các công ty cung cấp dịch vụ phun thuốc trừ sâu.
Công ty có lợi nhuận hơn 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) trong năm 2018, Bành chia sẻ nhưng không nêu cụ thể.
Thúc đẩy năng suất nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc với mục đích giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Bắc Kinh đặt mục tiêu tự sản xuất 90% thiết bị nông nghiệp vào năm 2020. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch công nghiệp chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Cạnh tranh trong lĩnh vực UAV nông nghiệp dự kiến sắp trở nên gay gắt. DJI, nhà sản xuất UAV thương mại lớn nhất thế giới, cũng đang hướng đến mở rộng sang lĩnh vực này.
DJI, trụ sở Thâm Quyến, coi các dòng UAV mới nhất, bao gồm Mavic 2 và Agras MG-1, phù hợp để nhắm thẳng vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn nửa thị trường UAV trị giá 9 tỷ USD trên thế giới. “Một trong những lĩnh vực quan trọng đối với doanh nghiệp là UAV nông nghiệp”, Bill Chen, giám đốc quan hệ doanh nghiệp tại DJI, nói hồi tháng 1. “Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, chúng ta phải tìm các cách thức công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng”.
Để chiếm ưu thế cạnh tranh, Bành đang tìm kiếm các thị trường UAV nông nghiệp ngoài Trung Quốc. XAG hiện có mặt tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng những thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu. Tương tự như chuyến đi ở Tân Cương, Bành gần đây đã chọn Mỹ để khảo sát và có những hiểu biết ban đầu về thị trường này.
Tháng 3, Bành tới Los Angeles cùng với Justin Gong, đồng sáng lập XAG, thuê ôtô rồi đi từ Thung lũng Napal, bang California, qua các bang Nevada, Utah và Wyoming. Họ dừng lại tại thành phố Kansas và St Louis ở bang Missouri trước khi tới New York. Trong chuyến đi dài 8 ngày, họ đã thăm các nông dân và cho họ xem video về UAV của XAG.
Địa hình càng phức tạp, UAV càng có lợi thế trong việc phun thuốc trừ sâu. (Ảnh: SCMP). |
Bành cho biết một số nông dân đã quan tâm và hỏi họ có thể mua hoặc sửa chữa những UAV đó ở đâu. Một nông dân mời họ tới trang trại để giúp ông ấy trả lời câu hỏi liệu UAV có thể giúp giám sát cây trồng và tiết kiệm nước hay không. “Công nghệ tuyệt vời sẽ giúp người dân toàn cầu hưởng lợi bất kể hai bên có cạnh tranh gay gắt thế nào đi nữa”, Bành trả lời khi được hỏi họ có đề cập đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không. Hiện nay, Mỹ chỉ là thị trường nhỏ đối với XAG. Trung Quốc vẫn là nơi mang lại 90% doanh thu cho công ty.
Ngoài UAV, Bành còn muốn phát triển các công nghệ nông nghiệp khác. XAG đang thử nghiệm máy kéo không người lái, robot hái quả và thu hoạch lá trà, dự kiến công bố sản phẩm vào năm 2021. Mục tiêu cuối cùng là định hình lại nông nghiệp thành nghề được tôn trọng như y học hay kỹ thuật, theo Bành.
Thu nhập thường niên bình quân của một nông dân Trung Quốc là 14.617 nhân dân tệ (2.443 USD), chỉ bằng 37% so với thu nhập của một người ở thành phố, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết. Bành thừa nhận sẽ cần thời gian để Trung Quốc có thể xóa bỏ sự kỳ thị với việc là nông dân. “So với các thị trường nước ngoài như Mỹ và Nhật Bản, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp tại Trung Quốc đang bị tụt lại khá xa”, Bành nói. “Tại Mỹ, nông dân có cuộc sống tốt hơn so với ở Trung Quốc, theo quan sát của tôi”.
“Trang trại của họ được quản lý hiệu quả với các thiết bị công nghệ. Nông dân tại đây dường như tận hưởng cuộc sống hơn”.