Điều này đã hé lộ phần nào điều nhà chức trách Trung Quốc mô tả là tương lai tự động hóa trong ngành nông nghiệp khổng lồ của nước này.
Hình ảnh trên diễn ra vào mùa thu năm 2018 trong cuộc thử nghiệm thiết bị nông nghiệp không người lái của Trung Quốc ở thị xã Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô. Bắc Kinh đang thúc giục các doanh nghiệp trong vòng 7 năm phát triển những cỗ máy tự động hoàn toàn có thể gieo trồng, bón phân và thu hoạch ba loại cây trồng chủ lực gồm lúa, lúa mỳ, ngô.
Máy kéo tự động thử nghiệm trên cánh đồng ở thị xã Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 29/10/2018. Ảnh: Reuters. |
Tự động hóa là vấn đề then chốt trong ngành nông nghiệp Trung Quốc bởi nước này phải đối mặt tình trạng lực lượng lao động tại nông thôn ngày càng già trong khi có rất ít người trẻ tuổi sẵn sàng chịu khổ để canh tác.
Những quốc gia như Australia và Mỹ cũng đang có biện pháp tương tự để giải quyết áp lực từ nhân khẩu học. Trung Quốc đối mặt nguy cơ cao hơn do quy mô ngành nông nghiệp lớn hơn.
“Tự động hóa nông nghiệp là con đường hướng đến tương lai và nhu cầu tại đây rất lớn”, Cheng Yue, tổng giám đốc hãng sản xuất máy kéo Changzhou Dongfeng CVT, nói với Reuters. Đây là đơn vị cung cấp những phương tiện tự động dùng trong cuộc thử nghiệm ở Hưng Hóa.
Tuy nhiên, chặng đường tới tự động hóa của Trung Quốc còn dài và có nhiều trở ngại như chi phí cao, địa hình quốc gia không đồng đều và nhiều nông trại có quy mô nhỏ.
“Tôi đã nghe về máy kéo không người lái. Tôi không nghĩ chúng có tính thực tiễn, đặc biệt là những cỗ máy lớn”, Li Guoyong, nông dân trồng lúa mỳ tại tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, cho biết. Hầu hết các nông trại ở khu vực Li sống chỉ rộng vài hecta.
Để đạt mục tiêu trong tham vọng 7 năm này, Bắc Kinh đã và đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm công nghệ địa phương trên cả nước do Liên minh Ứng dụng Công nghiệp Telematics (TIAA) tổ chức.
Thành viên của TIAA gồm công ty sản xuất máy kéo quốc doanh YTO, nhà sản xuất thiết bị định hướng Hwa Creat cùng công ty công nghệ và khoa học công nghiệp nặng Zoomlion – đơn vị từng phối hợp với Đại học Giang tô để phát triển máy gặt đập liên hợp thử nghiệm ở Hưng Hóa.
Các cuộc thử nghiệm tiếp theo dự kiến diễn ra tại tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, và vùng đồi ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay.
Trung Quốc hiện đã đạt nhiều tiến bộ trong tự động hóa. YTO phát triển máy kéo không người lái đầu tiên vào năm 2017 và hướng tới sớm sản xuất hàng loạt, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, theo Lei Jun, giám đốc điều hành trung tâm công nghệ của công ty. Lei từ chối nêu mốc thời gian cụ thể.
Công ty công nghiệp Lovol Heavy Industry hồi tháng 4 ký hợp đồng với Baidu để ứng dụng hệ thống lái tự động Apollo vào máy nông nghiệp của hãng.
“Trung Quốc sẽ leo rất nhanh lên chiếc thang công nghệ tự động, chủ yếu bởi các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận hệ thống vệ tinh định vị bản địa, giúp họ có lợi thế trước các đối thủ quốc tế”, Alexious Lee, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại công ty môi giới CLSA, Hong Kong, nhận định.
Ông muốn nhắc tới hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu do Trung Quốc phát triển – đối thủ của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.
Bắc Kinh cũng đưa máy nông nghiệp vào chiến dịch “Made in China 2025”, đồng nghĩa phần lớn thiết bị nông nghiệp của Trung Quốc sẽ được sản xuất trong nước vào thời điểm đó.
Công nghệ bán tự động đã khá phổ biến trên trang trại tại nhiều nơi như Mỹ nhưng chưa có nơi nào sản xuất hàng loạt máy kéo, máy gặt đập liên hợp tự động hoàn toàn.
Nhiều nông trại ở Trung Quốc vẫn quá nhỏ để sử dụng máy kéo thông thường. Chuyển sang dùng máy kéo không người lái có thể tốn kém gấp 4 lần, khoảng 90.000 USD, khoản tiền nằm ngoài tầm với trong ngắn hạn đối với nhiều người.
Hơn 90% số nông trại ở Trung Quốc rộng chưa đến 1 hecta trong khi tại Mỹ, hơn 90% số nông trại rộng hơn 5 hecta.
Dù vậy, giới phân tích và các quan chức trong ngành cho biết trong tương lai, các nông trại có xu hướng rộng lên nhờ những cải cách về quyền sử dụng đất đang được triển khai, cho phép nông dân thuê thêm diện tích.
Hệ thống cảm biến trên máy móc, giúp theo dõi tình trạng cây trồng, cũng cần đợc cải thiện để nó có thể điều chỉnh nhanh hơn trong các điều kiện khác nhau, theo Wei Xinhua, phó giám đốc trường kỹ thuật thiết bị nông nghiệp, Đại học Giang Tô.
Ngành công nghiệp máy nông nghiệp trị giá 60 tỷ USD của Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng lớn do dư thừa và biên lợi nhuận thấp do chính sách trợ giá trong nhiều năm liền dẫn đến sản xuất quá nhiều máy kéo chất lượng thấp.
Giới phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để xác định lĩnh vực máy nông nghiệp tự động trị giá bao nhiêu.
Máy nông nghiệp tự động còn hữu ích trong thu thập dữ liệu chi tiết như lượng phân bón hoặc nguồn lực khác sử dụng trong quá trình canh tác. Điều này mở ra tiềm năng giúp nông dân hướng đến nhóm khách hàng chuộng sản phẩm chất lượng hơn – những người muốn có nhiều thông tin trên nhãn mác.
“Ví dụ như gạo. Tôi muốn biết chính xác cách chúng được trồng, lượng phân bón hoặc thuốc trừ sâu được sử dụng”, Cheng nói.