| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cạnh tranh muộn

Thứ Sáu 20/12/2013 , 08:31 (GMT+7)

Dù có nhiều nỗ lực nhằm tăng diện tích ca cao trong những năm qua, nhưng chưa có chỗ đứng vững thì cuối năm 2012 đến giữa 2013 diện tích cây trồng này đã tụt giảm đáng kể. Vì sao?

Dù có nhiều nỗ lực nhằm tăng diện tích ca cao trong những năm qua, nhưng chưa có chỗ đứng vững thì cuối năm 2012 đến giữa 2013  diện tích cây trồng này đã tụt giảm đáng kể. Vì sao?

>> Cây không dành cho người lười

"Điệp khúc chặt - trồng"

Có mặt tại Bến Tre trong thập niên 1960, từ 1985 - 1990 cây ca cao đã được mở rộng diện tích lên khoảng 300 ha tại một số đơn vị nông trường quốc doanh trong tỉnh. Tuy nhiên do hạn chế về kỹ thuật, trồng bằng hạt, lại chưa hình thành thị trường chế biến và XK nên mãi từ 2008 trở lại đây, cây ca cao mới thực sự có sự phát triển đáng kể ở tỉnh này.

Để thúc đẩy mở rộng diện tích cây ca cao, Bến Tre cũng đã có quy hoạch nâng diện tích ca cao lên khoảng 15 nghìn ha vào năm 2015. Cùng với đó, nhiều chính sách về tổ chức hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giá giống cũng đã được tiến hành. Từ chỗ chỉ hỗ trợ 40% giá trị cây giống, đến năm 2012, tỉnh này hỗ trợ hẳn 100% giá trị cây giống cho nông dân trồng mới...

Nhờ đó đến năm 2012, diện tích ca cao của Bến Tre đã mở rộng lên khoảng hơn 10 nghìn ha, trong đó chủ yếu được trồng xen trong vườn dừa. Tuy nhiên, kế hoạch nâng diện tích ca cao tỉnh này lên 15 nghìn ha vào năm 2015 có thể sẽ khó đạt mục tiêu, bởi từ cuối năm 2012 đến nay, diện tích ca cao đột ngột giảm mạnh, khoảng hơn 2.000 ha, khiến tổng diện tích ca cao toàn tỉnh chỉ còn hơn 7.500 ha.


Sơ chế ca cao hạt khô tại NM của Cty THNN Puratos Grand-Plase Việt Nam

Ông Trần Anh Tuấn, PCT UBND tỉnh Bến Tre phân tích: Bên cạnh thiệt thòi vì là cây trồng đến sau, dù chỉ là cây trồng xen dừa nhưng hiện ca cao cũng chịu sự cạnh tranh hết sức quyết liệt với các loại cây trồng khác như chanh, nhãn, quất... Cuộc cạnh tranh đó ngày càng gay gắt do diện tích đất vườn trung bình tại Bến Tre chỉ khoảng 3.000 m2/hộ, gây sức ép nặng nề nâng cao giá trị/diện tích.

Trong đó, đặc biệt giai đoạn cuối 2012 đến giữa năm 2013, trong khi giá ca cao tại Bến Tre có giảm nhẹ xuống còn 45 nghìn đồng/kg hạt khô, đồng thời giá bưởi da xanh đột tăng có lúc tới 60 nghìn đồng/quả. Điều này đã khiến rất nhiều nông dân ồ ạt chặt bỏ ca cao sang trồng bưởi da xanh, nhiều nhất là ở các diện tích không được chăm sóc, năng suất thấp. Cùng với đó, một số diện tích ca cao trồng ở vùng gần biển (như huyện Bình Đại) bị chết mặn (ước tính khoảng 500 ha) do dân lấy nước nuôi thủy sản.

Tại tỉnh Đắk Lắk, mặc dù ca cao đã được tỉnh này đưa vào quy hoạch là một trong 7 loại cây trồng chính, với diện tích quy hoạch đến năm 2015 khoảng 6.000 ha, tuy nhiên đến nay diện tích ca cao toàn tỉnh mới chỉ đạt 2.000 ha. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đắk Lắk, do thời điểm quy hoạch phát triển cây ca cao, giá cà phê lúc đó rất tệ hại nên rất nhiều Cty cà phê trên địa bàn tỉnh “hứa non hứa già” là sẽ chuyển ít nhất 2.000 ha cà phê kém giá trị sang trồng ca cao. Thế nhưng sau đó, khi giá cà phê tăng trở lại, họ liền từ bỏ ý định trồng ca cao.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Thích thì do ca cao chỉ mới phát triển ở Tây Nguyên từ 3 - 5 năm trở lại đây nên hầu như không còn đất để trồng, chỉ còn tận dụng ở các diện tích cà phê không thể tái canh, năng suất thấp hoặc các diện tích đất đai kém màu mỡ, trồng xen ở các diện tích điều già cỗi.


Ca cao tại Tây Nguyên đều sơ chế tại hộ gia đình do chưa có NM

“Mỗi cây ca cao trồng xen điều đầu tư tốt có thể cho năng suất 4kg hạt khô/cây/năm. Tuy nhiên do đa số người trồng ca cao hầu hết là dân nghèo, thiếu đầu tư khiến năng suất chưa đạt như mong đợi, khiến tiếng tăm về hiệu quả cây trồng này chưa cao, diện tích mở rộng chậm”, ông Thích lí giải.

Tiềm năng lớn

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song triển vọng phát triển ca cao ở Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn được đánh giá có cơ hội lớn. Ông Huỳnh Quốc Thích đánh giá: Xét về lợi thế cạnh tranh, rõ ràng cà phê hiện vẫn là cây trồng số một tại Tây Nguyên, tuy nhiên ca cao vẫn có chỗ đứng nhất định khi có khả năng thích nghi rất tốt với trồng xen với điều, hoặc mở rộng diện tích trồng thuần tại các vùng tái canh cà phê, điều không thành công, các vùng đất cằn cỗi...

Đặc biệt, do điều kiện nước tưới cho cà phê ngày càng khó khăn, thì lợi thế của ca cao sẽ càng được khẳng định ở khoảng 30 nghìn ha cà phê và điều trồng ở các vùng đất dốc, xấu. Tuy nhiên, kỳ vọng này khó có khả năng đột phá trước năm 2015, mà có thể tới 2020 mới thành hiện thực.

Ông Hồ Sỹ Bình (thành viên HTX ca cao huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Gia đình có 1,5 ha điều, trước đây chỉ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha. Năm 2009 bắt đầu trồng xen ca cao vào các vườn điều già cỗi, đến nay  đã cho thu hoạch bói với sản lượng 1 kg/cây/năm. Mặc dù trồng xen ca cao vào vườn điều phải tăng đầu tư chút ít, nhưng cái được lớn hơn nhiều khi thu nhập đã tăng lên hơn gấp đôi (70 triệu đồng/ha/năm). Dự tính khi ca cao đẫy sức, cho thu hoạch 2 kg hạt khô/cây/năm, tổng giá trị vườn trồng xen sẽ còn lớn hơn nhiều.


Đo độ ẩm ca cao tại kho thu mua của Cty TNHH Cargill Việt Nam ở Đắk Lắk

Tại Bến Tre, tỉnh này đã xác định ca cao là một cây trồng xen chủ lực trên diện tích trồng dừa. Toàn tỉnh hiện có 60 nghìn ha dừa, trong đó khoảng 20 nghìn ha có thể trồng xen ca cao nên tiềm năng còn rất lớn. Trước đây, riêng dừa chỉ trung bình khoảng từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, với năng suất ca cao trồng xen dừa chỉ cần đạt 8 tạ hạt khô/ha/năm, các vườn dừa trồng xen ca cao hiện cho thu nhập tăng gấp đôi (khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm).

Ông Ma Văn Khổng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đánh giá: So với nhiều loại cây trồng khác, giá ca cao có lúc lên xuống nhưng ít biến động sâu. Với tốc độ tăng nhu cầu ca cao trên thế giới từ 5 - 7% năm như hiện nay, giá sẽ tiếp tục tăng mạnh.

“Giữa năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 80 ha đăng ký trồng mới ca cao, cắt đứt đà tụt giảm diện tích. Đây là tín hiệu cho thấy nông dân sẽ quay lại trồng ca cao theo hướng bền vững. Bến Tre cũng đã có chính sách chỉ hỗ trợ 100% giá giống cho nông dân nào có tâm huyết, đã trồng xong ca cao thì mới hỗ trợ, tránh tình trạng mở rộng diện tích bừa bãi, không hiệu quả”, ông Khổng cho hay.

Theo đánh giá của Cty TNHH Cargill Việt Nam – đơn vị hiện thu mua phần lớn sản lượng ca cao của VN trước khi XK sang các Cty chế biến, SX socola và sản phẩm socola lớn tại Malayxia, hiện sản lượng ca cao của VN mới chỉ đạt khoảng 4.000 tấn hạt khô/năm. Trong khi để xây dựng một NM chế biến ca cao, tối thiểu phải có sản lượng 10 nghìn tấn/năm.

Vì vậy, mặc dù ca cao VN hiện có tới 95% là sản phẩm ca cao lên men, kích cỡ hạt đạt trung bình 80 - 100 hạt/lượng, được xếp vào loại ca cao có chất lượng cao nhất thế giới, tuy nhiên hiện mới chỉ có một NM sơ chế ca cao tại Bến Tre (Cty THNH Puratos Grand-Plase Việt Nam) mới khánh thành NM sơ chế hạt khô có công suất 1.000 tấn hạt khô/năm tại huyện Châu Thành.

Cũng theo Cty Cargirll, hiện châu Á đang phải NK mỗi năm trên 500 nghìn tấn ca cao hạt khô từ Nam Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, các đối tác SX sản phẩm ca cao lớn trên thế giới đã xác định VN là nơi SX nguyên liệu ca cao chính để cung cấp cho thị trường ca cao lên men, chất lượng cao của châu Á.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm