| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến các siêu cường và cục diện mới

Chủ Nhật 31/08/2014 , 15:22 (GMT+7)

Cho đến khi cuộc khủng hoảng Ukraina tìm ra lối thoát, bản đồ địa chính trị toàn cầu có thể đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. 

Những đám cháy ở Donetsk, Luhansk…và các thành phố khác ở miền đông Ukraina liệu có thể trở thành ngòi nổ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn giữa các siêu cường thế giới?

Vì sao Nga không thể khoanh tay đứng nhìn?

Tiến trình chính trị của Ukraina giai đoạn hậu Xô-viết luôn chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ với Nga. Moscow bằng nhiều cách thức khác nhau, cả công khai và âm thầm, luôn lái để Kiev không vận động theo quỹ đạo của phương Tây và Mỹ.

Trong một thời gian dài, khí đốt trở thành công cụ để Nga đàm phán với Ukraina các vấn đề giữa đôi bên. Moscow cũng sử dụng nhiều đòn bẩy về chính trị, kinh tế, quyền lực mềm, không ngoài mục tiêu giữa Ukraina trong tầm ảnh hưởng.

Về địa lý, Ukraina như một tấm chắn giữa Nga và với phương Tây. Điều này giải thích tại sao Moscow thường phản ứng giận dữ trước sự lôi kéo của Liên minh châu Âu (EU) và NATO đối với Ukraina.

Nga một mực cáo buộc NATO uy hiếp an ninh biên giới khi tìm cách đưa Ukraina vào liên minh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng lên tiếng cáo buộc, Mỹ và NATO lấy Ukraina làm bàn đạp để tăng cường sự hiện diện quân đội ở biên giới Nga.

binh-si-ukrine-nghi-ngoi-o-mien-dong102131645
Binh sĩ Ukraina đang nghỉ ngơi

Chiến thắng của quân đội Kiev ở miền đông có thể sẽ là mốc mới đánh dấu việc Ukraina thoát ly hoàn toàn khỏi Nga để chuyển sang châu Âu. Việc đầu tiên khi lên nắm quyền của Tổng thống Petro Poroshenko là ký thoả thuận thương mại với EU, một quyết định từng bị Nga phản đối và không được thực hiện dưới thời ông Yanukovich.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, đây là lý do Nga trước đó hậu thuẫn cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovich, bất chấp việc Moscow ý thức được những bê bối của chính phủ ông này. Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu đầu tiên về Ukraina sau khi ông Yanukovich bị lật đổ cũng gián tiếp thừa nhận sự bất lực trong điều hành đất nước của một chính phủ tràn lan tham nhũng ở Ukraina.

Gần như ngay sau khi ông Yanukovich phải tháo chạy và một chính phủ thân phương Tây được lập nên, Nga đã có phản ứng. Moscow với chiến lược sử dụng “những người xanh lá nhỏ bé”- từ được NATO ám chỉ các binh sĩ trong trang phục không quân hiệu của Nga, đã kiểm soát Crimea, tiến tới sáp nhập bán đảo này thông qua một cuộc trưng cầu dân ý được thực hiện một cách chóng vánh.

Mỹ và NATO có vẻ như đã không lường được phản ứng trên của Nga. Các tin tức sau này cho thấy, tình báo của Mỹ và phương Tây đã chậm một bước trước các động thái điều quân của Moscow.

Cho đến thời điểm hiện tại, rất ít người tin rằng Nga bằng cách hình thức khác nhau, đang không hỗ trợ cho phe ly khai miền đông Ukraina.

Mồi lửa chiến tranh?

NATO vừa qua liên tục cáo buộc Nga tăng cường lính và khí tài quân sự ở biên giới với Ukraina. Trong giai đoạn cao điểm như báo cáo của NATO, Moscow đã tập trung khoảng 45.000 lính, xe tăng, thiết giáp và trọng pháo…áp sát biên giới phía đông.

Sự căng thẳng giữa Ukraina và Nga thể hiện rõ qua những phát biểu cứng rắn giữa đôi bên, cùng các diễn biến trên chiến trường miền đông. Kiev đã phát lờ lời kêu gọi của Nga, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công vào nhiều thành phố miền đông, thủ phủ của quân ly khai.

Từ chỗ “không dại gì khơi mào chiến tranh với Nga”, Ukraina mới đây đã tuyên bố, tấn công và tiêu diệt một số xe quân sự Nga xâm nhập lãnh thổ. Đức đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraina, và đây cũng là dự báo được truyền thông đề cập đến dựa trên những diễn tiến ngày một căng thẳng giữa đôi bên.

Một điểm may mắn như phân tích của giới chuyên gia quốc tế, Ukraina hiện không thuộc khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều 5 trong hiệp ước phòng thủ chung của NATO quy định một cuộc tấn công của bên thứ 3 nhằm vào 1 quốc gia thành viên sẽ được xem là tấn công vào toàn bộ liên minh. Một cuộc chiến chắc chắn sẽ nổ ra.

qun-doi-ukrine-o-donetsk102131507
Quân đội Ukraina ở Donetsk

Ukraina không phải thành viên NATO, và khối này cũng như phương Tây hiển nhiên chưa muốn bị rơi vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga trong bối cảnh giữa đôi bên vẫn còn nhiều ràng buộc về phương diện kinh tế, chính trị.

Đứng sau cuộc chiến ở miền đông Ukraina là những siêu cường thế giới, với những toan tính lợi ích riêng. Những đám cháy ở Luhansk, Donetsk…cùng các thành phố khác ở miền đông Ukraina xa xôi có thể không thổi bùng thành một cuộc chiến quy mô toàn cầu, nhưng sẽ khiến bản độ địa-chính trị thế giới mang một diện mạo hoàn toàn mới.

EU cần Nga trong nhiều vấn đề quốc tế, từ Syria cho đến Iran, hay cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu...Nội bộ EU cũng có sự chia rẽ trong cách thức phản ứng với Nga, do quan hệ riêng của từng quốc gia đối với Moscow. Anh cứng rắn, trong khi Đức lại tỏ ra cẩn trọng.

“Phương Tây đã gần vượt qua giới hạn tự đặt ra để không đẩy mình vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Nga. Có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt Nga nhưng ngoài điều đó, tôi không thấy Mỹ muốn có thêm bước tiến khác”- Samuel Sarap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định.

Thay vì xung đột vũ trang, phương Tây và Mỹ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh khác: mở rộng các biện pháp cấm vận như từng thực hiện hồi đầu tháng 8, cô lập Moscow trên trường quốc tế, tăng cường sự hiện diện của quân đội NATO ở châu Âu và cung cấp thêm hàng viện trợ phi sát thương cho Ukraina.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã giới hạn xung đột với Nga trước ngưỡng của một cuộc xung đột vũ trang, các quyết định của Mỹ và phương Tây do cuộc khủng hoảng ở Ukraina, hay chính Mỹ cùng NATO xem Ukraina như một cái cớ để chống lại Nga theo tuyên bố của nước này, cũng đang khiến diện mạo địa- chính trị thế giới bị xoay chuyển

Siêu cường dựa lưng nhau

Không lâu sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, một quyết định bị Mỹ và phương Tây kịch liệt phản đối, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến công du Trung Quốc. Tại đây, Moscow và Bắc Kinh đã ký một loạt các thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

 Truyền thông Nga và Trung Quốc thời gian vừa qua cũng liên tục đưa tin về quan hệ hợp tác giữa đôi bên. Trung tuần tháng 8, Nga đã gửi quân tới tham gia tập trận chung cùng Trung Quốc ở khu tự trị Nội Mông.

Khi mối quan hệ với phương Tây và Mỹ trở nên căng thẳng, Nga đã lập tức quay sang Trung Quốc, nước đang nổi lên ở châu Á và toàn cầu, như một giải pháp cho sự hỗ trợ về cả chính trị và kinh tế trên trường quốc tế. Mối quan hệ này về dài hạn như dự báo của giới phân tích, không thể duy trì được lâu. Nga và Trung đều có những tham vọng riêng.

Nhưng về ngắn hạn và trung hạn, cả Moscow và Bắc Kinh đều đang tìm thấy ở phía bên kia những lợi ích riêng, đặt trong quan hệ đối đầu với phương Tây và Mỹ. Nga đang chịu sức ép lớn từ phương Tây và NATO vì cuộc khủng hoảng Ukraina, trong khi Bắc Kinh cũng đang phiền lòng vì chính sách xoay trục Mỹ thực hiện ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Chưa kể bên cạnh đấy là những tranh cãi về lãnh hải với Nhật Bản vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

(Tổng hợp)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.