Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Dương Hùng Oai (sinh năm 1956) ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bị cụt mất một cánh tay phải, với tỷ lệ thương tật 45%. Lúc bấy giờ, cuộc sống của thương binh hạng 3/4 như ông Oai hết sức khó khăn. Nhưng với bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng nguồn trợ cấp thương binh hằng tháng, cộng với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, ông Oai lao vào làm ăn, tăng gia sản xuất.
Qua nhiều năm miệt mài làm ăn, đến nay, kinh tế gia đình ông Oai cơ bản ổn định. Ông tận dụng gần 2 công đất trống quanh nhà trồng dừa, xoài, mít, mía, khoai mì… Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập 70 triệu đồng. Ông Oai đã xây dựng được căn nhà khang trang gần nửa tỷ đồng...
Còn ông Phan Văn Tịnh (sinh năm 1954) ở xã Phú Ninh, huyện Tam Nông sau khi xuất ngũ năm 1975 trở về quê không có đất sản xuất, không nghề nghiệp nên vợ chồng ông phải làm thuê vất vả để kiếm sống. Gần 10 năm lao động miệt mài, vợ chồng ông tích cóp được chút lưng vốn, mua được 10 công đất ruộng để sản xuất lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Đến năm 2005, ông Tịnh mạnh dạn vay 12 triệu đồng vốn ngân hàng đầu tư xây chuồng và mua 2 con bò cái thả vào chuồng nuôi.
Ông Tịnh quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu bằng mô hình nuôi bò lai Sind. Từ 2 con bò cái nuôi ban đầu, đến nay, ông Tịnh đã tăng đàn bò lên tới 32 con các loại. Trung bình mỗi năm, ông thu nhập từ 250 đến trên 300 triệu đồng.
Huyện Tam Nông hiện có 277 thương binh. Trong đó, có 123 thương binh là hội viên Hội Cựu chiến binh các xã/thị trấn. Đa số các hộ thương binh đều có ý chí phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi. Trong số 123 thương binh là hội viên Hội Cựu chiến binh huyện, đã có 46 hộ giàu, 44 hộ khá và 33 hộ có mức sống trung bình, không còn hộ thương binh nghèo.