| Hotline: 0983.970.780

Cựu chủ tịch MobiFone mắc sai phạm gì trong vụ án mua AVG?

Thứ Tư 11/07/2018 , 07:44 (GMT+7)

Ông Lê Nam Trà bị cho rằng đã có vi phạm nghiêm trọng, báo cáo không trung thực về dự án mua AVG với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Lê Nam Trà trước khi bị bắt.

Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220 Bộ luật Hình sự 2015) xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan.

Cùng ngày, nhà chức trách thực thi lệnh khởi tố bị can, bắt và khám nhà ông Lê Nam Trà (57 tuổi, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone) và ông Phạm Đình Trọng (48 tuổi, Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Dự án MobiFone mua cổ phần AVG được công bố hồi cuối năm 2016. Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó đề nghị Bộ Công an đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật - trái với các quy định hiện hành. Đầu tháng 3/2018, MobiFone và AVG thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng và hoàn trả lại những gì đã nhận từ đối tác.

Đầu tháng 5, MobiFone báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phía nhóm cổ đông AVG đã trả hơn 8.500 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan.

Tại kết luận ban hành ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ xác định đây là "vụ việc nghiêm trọng". Với cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, ông Trà phải chịu trách nhiệm về việc “cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật" về việc đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ  phê duyệt".

MobiFone đã đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn cho rằng tình kinh doanh của rất khả quan. Trong khi từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)...

Theo Thanh tra Chính phủ, giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá thiếu tin cậy khi xác định lên tới hơn 16.000 tỷ đồng. Và số liệu này được dùng làm căn cứ mua cổ phần, cho thấy "nguy cơ hiện hữu gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng".

"Trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Nam Trà và Tổng giám đốc, Kế toán trưởng MobiFone", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ cho rằng kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn là không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy.

Tháng 4, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bổ sung việc xử lý kết luận thanh tra việc mua AVG vào diện cần theo dõi, chỉ đạo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty MobiFone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... Ông Trà có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.

Về những sai phạm bị chỉ ra trong kết luận, ông Lê Nam Trà cho rằng MobiFone thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong dự án mua AVG. Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế, thực hiện theo chiến lược kinh doanh truyền hình của MobiFone và được Bộ Thông tin Truyền thông phê duyệt từ tháng 12/2014...

* Ông Phạm Đình Trọng từng công tác tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV, Tổng cục Đầu tư của Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Tài chính và làm công tác thư ký cho các lãnh đạo Bộ. Năm 2006, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Năm 2014, ông làm Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong việc MobiFone mua cổ phần AVG, ông Trọng có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án. 

Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, ông Trọng với vai trò là Tổ trưởng thẩm định đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG...

Trong khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, Thủ tướng chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, ông Trọng vẫn trình lãnh đạo Bộ quyết định phê duyệt Dự án; thống nhất, tham mưu để lại hai khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ...

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm