| Hotline: 0983.970.780

Cứu lúa, đẩy nhanh gieo sạ lại sau mưa lũ

Thứ Năm 23/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Do ảnh hưởng bão số 9, hơn 6.000 ha lúa đông xuân của Bình Định bị ngập úng, nhiều diện tích phải gieo sạ lại.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, do ảnh hưởng bão số 9, nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh này mới gieo sạ bị ngập úng. Sau khi nước rút, thời tiết thuận lợi nên nông dân đang tiến hành sạ dặm, riêng những diện tích bị trôi giống bà con cũng đang tiến hành làm đất gieo sạ lại.

Do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn Bình Định có đến 6.086 ha lúa vụ đông xuân mới gieo sạ bị ngập úng, hiện vẫn còn nhiều diện tích còn bị ngập.

Đến ngày 22/12, nhiều diện tích lúa đông xuân vừa gieo sạ ở xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định) nước vẫn còn ngập lút đọt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến ngày 22/12, nhiều diện tích lúa đông xuân vừa gieo sạ ở xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định) nước vẫn còn ngập lút đọt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo đó, huyện Phù Mỹ bị ngập 475 ha, trong đó có 365,3 ha phải gieo sạ lại; Thị xã Hoài Nhơn bị ngập 1.900 ha, diện tích phải gieo sạ lại là 521ha; Thị xã An Nhơn bị ngập 693 ha, diện tích phải gieo sạ lại là 210 ha; huyện Tuy Phước bị ngập 1.430 ha; huyện Hoài Ân bị ngập hơn 446 ha; huyện Phù Cát bị ngập 961 ha; huyện Tây Sơn bị ngập 61,5 ha và Thành phố Quy Nhơn bị ngập úng 120 ha.

“Nhiều địa phương còn bị ngập nên số diện tích lúa đông xuân mới gieo sạ bị hư hỏng phải gieo sạ lại chưa có con số thống kê chính thức. Hiện các huyện, thị xã, thành phố đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại những diện tích bị ngập, diện tích bị thiệt hại phải rà soát đến thôn nên chưa có con số thống kê chính xác”, ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định cho hay.

Ngày 22/12, đi qua xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định), chúng tôi thấy nhiều diện tích lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 mới gieo sạ nước còn ngập lút đọt, nông dân cấp tập ra đồng bơm nước từ ruộng ra để cứu lúa. Theo ông Vương Hữu Thiệu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cát Hưng, tính đến nay, nông dân xã Cát Hưng đã gieo sạ khoảng 350 ha lúa đông xuân. Trước khi bão số 9 xảy ra, trên địa bàn xã đã có mưa kéo dài, lúa vừa gieo sạ xong gặp ngay ảnh hưởng của cơn bão số 9 gây mưa to, trên toàn xã đã có 80 ha ruộng bị ngập.

Nông dân xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định) phải bơm nước từ ruộng ra để cứu lúa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định) phải bơm nước từ ruộng ra để cứu lúa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hiện nay nước chưa rút hết, địa hình đồng ruộng xã Cát Hưng như lòng chảo, nước rút chậm từ trên xuống dưới chứ không rút được một lúc như các địa phương khác. Do đó, tranh thủ thời tiết nắng ráo, hiện nay nước rút tới đâu bà con làm đất gieo sạ lại tới đó. Hiện trong kho HTX đã sẵn sàng 4 tấn lúa do UBND xã xuất ngân sách địa phương mua để cung ứng cho nông dân gieo sạ ở những vùng ruộng trũng và những diện tích bị hư hỏng giống trong đợt ngập vừa qua”, ông Thiệu cho hay.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, đối với những diện tích lúa đông xuân phải gieo sạ lại, Sở đã có phương án chủ động nguồn giống để gieo sạ lại. Giống lúa đảm bảo chất lượng để gieo sạ lại hiện không khan hiếm, thị trường vẫn đảm bảo nguồn cung, sau lũ các doanh nghiệp cũng đã đưa về Bình Định lượng giống lớn để sẵn sàng cung ứng cho nông dân. Thêm vào đó, các HTX nông nghiệp và nông dân cũng đã chuẩn bị lượng giống dự phòng.

Đến ngày 22/12, nhiều cánh đồng ở xã Cát  Chánh (huyện Phù Cát, Bình Định) nước vẫn còn ngập trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến ngày 22/12, nhiều cánh đồng ở xã Cát  Chánh (huyện Phù Cát, Bình Định) nước vẫn còn ngập trắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo bà Trân, địa phương có nhiều diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 mới gieo sạ bị ngập úng nhiều nhất là huyện Tuy Phước, tập trung tại các xã ven đê như Đông như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa. Tuy nhiên các địa phương này đã gieo sạ từ ngày 10/11 nên hiện lúa đã đóng chông, đợt này lũ xuống nhanh nhưng cũng rút nhanh nên diện tích bị hư hại phải gieo sạ lại không đáng kể.

“Trên chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm, ngành nông nghiệp Bình Định cơ cấu các loại giống Q5, TBR1, ĐV108, Khang dân đột biến. Giống lúa bổ sung được cơ cấu cho chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm còn có các giống ĐB6, Thiên ưu 8, BC15, TBR45, TBR225, VTNA2, Bắc Thịnh, An Sinh 1399, NA6, Đài Thơm 8, Hà Phát 3, VNR10, BĐR27, ĐT100.

Tất cả những giống lúa kể trên đều là giống phổ thông nên không thiếu nguồn cung. Do đó, những nông dân có ruộng bị lũ làm hư hỏng giống trong đợt này không phải sử dụng giống kém chất lượng để gieo sạ lại”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.