Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, số hộ dân thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An nằm ngoài đê bao phải di dời là 11.760 hộ, riêng tỉnh Đồng Tháp các hộ đều nằm trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ nên đảm bảo an toàn. Lũ làm ảnh hưởng đến hơn 5.200 học sinh trong việc đi đến trường. Hiện chỉ còn tỉnh Kiên Giang có diện tích lúa HT chưa thu hoạch và có khả năng bị ảnh hưởng do lũ. Các tỉnh có 161.200 ha lúa TĐ đã xuống giống có thể bị ảnh hưởng lũ chính vụ, trong đó Đồng Tháp 74.145 ha.
Năm nay lũ khu vực ĐBSCL chưa gây thiệt hại về người |
Đến nay, lũ khu vực ĐBSCL chưa gây thiệt hại về người. Về tài sản, lũ gây thiệt hại trên 1.790 ha lúa HT và hơn 1.160 ha lúa TĐ, có 177 ha hoa màu của Đồng Tháp bị thiệt hại. Ngoài ra, lũ còn gây ra sạt lở bờ sông.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài việc vận động và hỗ trợ 105 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, tỉnh còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 nhằm đảm bảo mặt bằng bố trí dân cư khi mùa lũ; duy trì 469 chốt cứu hộ, cứu nạn, với gần 3.000 thành viên, tổ chức được 25 nhóm trẻ cộng đồng, coi giữ 640 cháu tạo điều kiện cho gia đình yên tâm hoạt động SX.
Mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có kiến nghị đến Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 địa phương để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm; xây dựng lát mái bê tông 2 bên ta luy và xây dựng các công trình thoát lũ trên tuyến đường tuần tra biên giới nhằm giảm xói lở, điều tiết nước lũ và bảo vệ công trình đã đầu tư; lập đoàn khảo sát tình hình lũ lụt ở ĐBSCL, xây dựng phương án, chương trình kiểm soát lũ hiệu quả...
Các huyện ở An Giang tiếp giáp với biên giới Campuchia, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh và dâng cao làm đe dọa hàng ngàn diện tích SX nông nghiệp. Theo Đài thủy tượng thủy văn An Giang, vào giữa tháng 9 vừa qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức xấp xỉ báo động 3; hạ lưu sông tại khu vực huyện Chợ Mới và thành phố Long Xuyên lên mức trên báo động 3 từ 0,10 - 0,20m, sau đó tình hình lũ còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở những vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, đến thời điểm này, diện tích lúa HT 2018 của tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong. Điều đáng lo là hiện toàn tỉnh đã xuống giống được 110.944 ha lúa TĐ (vụ 3), trong đó có 8.728 ha (ở huyện Tri Tôn 8.432 ha và TP Long Xuyên 350ha) không nằm trong kế hoạch SX (ở ngoài vùng đê bao).
Mới đây, tại chuyến khảo sát vùng lũ ở ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Nhờ sự chủ động và đối phó với mùa lũ năm nay của các địa phương như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… có thể nói là đạt kết quả khá tốt, không xảy ra thiệt hại về người, SX nông nghiệp tuy có thiệt hại nhưng không quá lớn.
Lũ ĐBSCL cao nhưng không ảnh hưởng đến SX và đời sống của người dân quá lớn |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những điểm khác biệt, phức tạp của lũ năm 2018 ở khu vực ĐBSCL so với các năm trước và đề nghị các tỉnh phải hết sức chú ý, không chủ quan, nhất là dự báo mực nước lũ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm.
Mỗi tỉnh phải chuẩn bị kịch bản riêng ứng phó với lũ lớn, tập trung thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, củng cố đê bao bảo vệ lúa thu đông.
Bên cạnh đó quan tâm đến vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, tổ chức SX vụ đông xuân sắp tới phải chủ động lịch thời vụ, cơ cấu giống, biện pháp thâm canh phù hợp.