| Hotline: 0983.970.780

Đa lợi ích từ công nghệ CPF bảo quản hải sản trên tàu cá

Thứ Hai 26/12/2022 , 22:44 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Công nghệ này có hiệu quả bảo quản tốt, tăng chất lượng hải sản, giảm chi phí đi biển nhờ giảm được hao hụt đá, đồng thời giúp kéo dài thời gian mỗi chuyến biển.

Nhằm hiện đại hóa các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như tàu khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ CPF (Composite - Polyurethane Foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ.

Mô hình triển khai tại tàu mang số hiệu QT - 90929, chủ tàu là anh Lê Văn Tuấn ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí để xây dựng 2 hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, vật liệu composite với thể tích 20 m2/hầm. Đây là công nghệ mới, dùng nhựa tổng hợp dạng bọt cứng, được tạo thành từ hai loại chất lỏng chính bao gồm Polyol và hỗn hợp chất polymethylene, polyphynyl, Isocyanate.

Ông Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải), giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm tàu cá áp dụng công nghệ bảo quản mới trên tàu cá.

Ông Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm tàu cá áp dụng công nghệ bảo quản mới. Ảnh: Việt Toàn.

Vật liệu PU có hệ số truyền nhiệt thấp hơn so với các vật liệu truyền thống như xốp mịn, tấm mút, cùng với đó là khó bắt lửa; có cấu tạo bọt xốp nhỏ, kín, nhẹ và cường độ chịu nén cao và ít thấm nước; có độ bám mạnh vào các vật liệu khác như kim loại, gỗ, thủy tinh. Khi thi công, hầm bảo quản được phun vật liệu PU trực tiếp vào từng vị trí nên đáp ứng được mọi hình dạng, không hạn chế độ dày, hạn chế được lỗ rỗng trong các mối nối, tạo được kết cấu vững chắc, nâng cao độ bền cho hầm bảo quản và tàu cá. Ngoài ra, việc thi công dễ dàng và thời gian thi công được rút ngắn.

Mô hình áp dụng công nghệ mang tính vượt trội, sử dụng vật liệu mới PU đạt tiêu chuẩn độ lạnh trải đều, thời gian bảo quản lâu hơn so với phương pháp cổ truyền 7 - 10 ngày nên đủ thời gian khai thác dài ngày trên biển, không trầy cá, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Chủ tàu cá Lê Văn Tuấn cho biết trong chuyến đi biển đầu tiên, sau khi cải hoán hầm tàu xong thì số ngày ra khơi bám biển được kéo dài hơn. Lượng đá hao hụt sau nhiều ngày bám biển chỉ 25%, ít hơn nhiều so với lúc trước sử dụng hầm truyền thống với lượng đá hao hụt từ 40 - 45%/chuyến biển. Sản lượng cá thu được nhiều hơn với 100 tấn cá, tổng doanh thu 500 triệu đồng và lợi nhuận mang lại 300 triệu đồng.

Qua quá trình đưa vào hoạt động, cho thấy bảo quản đá rất tốt, tiết kiệm chi phí đá, mang lại hiệu quả sản phẩm cá tươi. Trước đây mỗi chuyến đi biển mất 1.500 cây đá, giờ giảm được 400 đến 500 cây đá. Khi chưa áp dụng hầm PU thì chỉ tầm 6 đến 7 ngày là hết đá, tàu phải về bờ, bữa nay có hầm PU nên chuyến biển kéo dài được 15 đến 17 ngày, tăng doanh thu cho mỗi chuyến đi biển. Giá thu mua sản phẩm cũng cao hơn so với sản phẩm của các tàu khác từ 5.000 - 10.000 đồng/kg”, anh Tuấn cho biết thêm.

Empty

Công nghệ mới giúp ngư dân giảm tổn thất sản phẩm, giảm chi phí đi biển. Ảnh: Việt Toàn.

Bà Hoàng Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho hay, mô hình triển khai tại địa phương đã cho thấy hiệu quả cao, nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho ngư dân. Thời gian tới, địa phương mong muốn Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường công tác hỗ trợ thêm các mô hình và nhân rộng cho các ngư dân...

Phương pháp bảo quản mới của mô hình có tính năng giữ nhiệt tốt, tăng thời gian bảo quản sản phẩm trên tàu, nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt được của đội tàu khai thác hải sản xa bờ, góp phần đẩy mạnh nghề khai thác hải sản xa bờ, tăng thời gian bám biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác tham quan các mô hình đang thực hiện tại tỉnh Quảng Trị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã mở một loạt các mô hình sản xuất để phát triển sinh kế cho nông dân Quảng Trị.

Theo ông Thanh, Quảng Trị là địa phương triển khai khá đầy đủ các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất, từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt đến nuôi trồng thủy sản, khai thác. "Qua tham quan các mô hình, chúng tôi thấy bà con nông dân rất hào hứng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với Sở NN-PTNT Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục mở các diễn đàn giúp cho bà con tiếp cận được các quy trình công nghệ và tiếp tục mở các lớp đào tạo huấn luyện để giúp bà con nhận thức được đầy đủ giá trị của các quy trình công nghệ này đưa vào thực tế sản xuất...", ông Lê Quốc Thanh nói.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.