| Hotline: 0983.970.780

Đa số ngư dân chưa đồng thuận di dời tàu thuyền tại cảng cá Quy Nhơn

Thứ Năm 03/11/2022 , 08:48 (GMT+7)

Bình Định đang xây dựng Đề án di dời tàu thuyền tại cảng cá Quy Nhơn đến neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi, đa số ý kiến của ngư dân không đồng thuận.

Nhiều vướng mắc

Theo ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định), sau khi nhận được Văn bản số 1464/SNN-TS ngày 14/6/2022 của Sở NN-PTNT Bình Định, về việc tham gia ý kiến nội dung Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, đưa về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), UBND thành phố Quy Nhơn đã nghiên cứu kỹ và cơ bản thống nhất nội dung dự thảo của Đề án.

Tuy nhiên, nhận thấy việc di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi có ảnh hưởng rất lớn đến nghề cá và cộng đồng ngư dân đang sinh sống; có sinh kế và thu nhập chủ yếu từ nghề biển trên địa bàn thành phố. Vì vậy,  UBND thành phố Quy Nhơn đã đề nghị các địa phương có tàu cá lấy ý kiến của toàn bộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi Đề án, kết quả cho thấy đa số kiến của ngư dân không đồng thuận.

Empty

Mỗi tàu cá neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn sử dụng ít nhất là 5 lao động nghề biển. Ảnh: V.Đ.T.

Do nhiều chủ tàu cá đang còn đánh bắt ngoài khơi xa chưa về, không thể có mặt tại buổi làm việc do chính quyền các địa phương tổ chức, nên chỉ có 871 phiếu lấy ý kiến được phát ra. Khi thu về chỉ có 738  phiếu; trong đó, có đến 687 phiếu có ý kiến không đồng ý di dời, chiếm tỷ lệ 93,1% tổng số phiếu phát ra.  Chỉ có 32 phiếu đồng ý việc di dời, chiếm tỷ lệ 4,34% và 19 phiếu không có ý kiến gì, chiếm tỷ lệ 2,57%.

Đồng thời, UBND thành phố Quy Nhơn cũng thăm dò ý kiến các hộ kinh doanh dịch vụ tại Cảng cá Quy Nhơn. Theo đó, có 18 phiếu được phát ra và thu về đủ. Kết quả có 10 phiếu đồng ý di dời, chiếm tỷ lệ 55,56% tổng số phiếu phát ra; 5 phiếu không đồng ý di dời, chiếm tỷ lệ 27,78% và 3 phiếu không có ý kiến gì, chiếm tỷ lệ 16,67%.

Cũng theo ông Dương Hiệp Hòa, qua kết quả khảo sát sơ bộ bước đầu về việc di dời tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn đến neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi cho thấy sự đồng thuận của người dân chưa cao. Nguyên nhân được xác định là do neo đậu tàu cá ở khu vực đầm Đề Gi giao thông cách xa với thành phố Quy Nhơn, khó tìm bạn thuyền đi tàu, khó quản lý tàu thuyền tại bến.

Empty

Mỗi tàu cá còn thu hút thêm khoảng 5 lao động nữa từ các dịch vụ trên bờ phục vụ cho các tàu cá. Ảnh: V.Đ.T.

“Bên cạnh đó, còn có 1 lý do khác là số tàu cá nhỏ của ngư dân cư ngụ ở thành phố Quy Nhơn có chiều dài dưới 12 mét là 783 chiếc, chiếm tỷ lệ 64,2% phân bố ở các phường, xã ngoại thành Quy Nhơn. Những tàu này chủ yếu đánh bắt ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, thời gian hoạt động chuyến biển đánh bắt ngắn, thường chỉ từ 1-2 ngày; do đó, di dời tàu cá đến neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi là chưa phù hợp”, ông Hòa cho hay.

Khu neo đậu Đề Gi sẽ quá tải

Trước những vướng mắc nói trên, UBND thành phố Quy Nhơn đề nghị cơ quan soạn thảo Đề án làm rõ nguyên tắc hỗ trợ về đất ở, diện tích mỗi lô đất ở, nhất là đối tượng được hỗ trợ và việc thu tiền sử dụng đất. Hơn nữa, việc di dời tàu thuyền cần đảm bảo phù hợp về vị trí neo đậu mới, tái định cư và ổn định cuộc sống của các hộ chủ tàu cá. Do đó, cần phải có sự tham gia của UBND huyện Phù Mỹ khi thực hiện kế hoạch di dời, để quá trình di dời tàu thuyền đảm bảo thực hiện đồng bộ.

“Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp cho những thuyền viên đi trên tàu cá bị ảnh hưởng di dời vào trong Đề án; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ kinh doanh dịch vụ tại cảng cá Quy Nhơn”, ông Dương Hiệp Hòa cho biết thêm.

Dự kiến, số lượng tàu cá đến neo đậu tại đầm Đề Gi theo Đề án là 2.000 chiếc; tuy nhiên, số lượng tàu cá hiện có 3.145 chiếc, bao gồm tàu thuyền tại huyện Phù Mỹ là 1.066 chiếc, huyện Phù Cát 860 chiếc và thành phố Quy Nhơn 1.219 chiếc; khi số tàu thuyền nói trên đều neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi sẽ trở nên quá tải.

Empty

Nếu 3.145 tàu cá của các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn được di dời hết thì khu neo đậu đầm Đề Gi sẽ quá tải. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, phải ưu tiên phương án cải tạo, nạo vét khơi thông lòng, luồng lạch cửa biển Đề Gi và vùng lòng đầm. Kết hợp xây dựng hệ thống kè, cầu tàu ven đầm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật nơi neo đậu mới phải đảm bảo tốt hơn nơi neo đậu cũ trước khi thực hiện Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn về neo đậu khu vực đầm Đề Gi.

Thực tế cho thấy, hàng năm, cảng cá Đề Gi thường bị bồi lấp luồng lạch khiến tàu cá của ngư dân ra vào khó khăn, dù từ năm 2013 tại đây đã được xây dựng bờ kè chắn sóng để ngăn cát bị sóng đẩy vào bồi lấp luồng ra vào của tàu cá.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi tàu cá của ngư dân Quy Nhơn sử dụng khoảng 5 lao động trong hoạt động đánh bắt. Bên cạnh đó, mỗi tàu cá còn thu hút khoảng 5 lao động nữa từ các dịch vụ trên bờ phục vụ cho hoạt động của tàu cá. Như vậy, mỗi tàu cá giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động; với 1.219 chiếc tàu cá của ngư dân Quy Nhơn sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 12.190 lao động.

Empty

Dù tại tại đầm Đề Gi đã được xây dựng bờ kè chắn sóng nhưng hàng năm vẫn bị cát  bồi lấp luồng lạch tàu cá ra vào cảng. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm vào đó, mỗi năm có khoảng 40.000 tấn hải sản các loại thông qua cảng cá Quy Nhơn, tính đơn giá bình quân 40.000đ/kg hải sản, mỗi năm giá trị hải sản thông qua cảng cá Quy Nhơn là 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để làm ra 40.000 tấn hải sản ấy, phải cần đến 100.000 tấn hàng hóa phục vụ cho những chuyến đánh bắt như xăng dầu, đá lạnh, lương thực; chỉ tính bình quân đơn giá thấp nhất là 15.000đ/kg, vị chi là 1.500 tỷ đồng nữa. Như vậy, mỗi năm giá trị hàng hóa 2 chiều thông qua Cảng cá Quy Nhơn là không dưới 3.000 tỷ đồng.

“Đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi là việc lớn, ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập của hàng ngàn lao động nghề biển và các dịch vụ phục vụ cho hoạt động đánh bắt của các tàu cá. Do đó, chúng tôi phải làm thật thận trọng, có thể chậm nhưng không thể để xảy ra sai sót”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sinh học

Để công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.