| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản chợ tết miền Tây

Thứ Tư 15/01/2020 , 09:00 (GMT+7)

Chừng sau 20 tháng Chạp, chợ tết ở miền Tây bắt đầu rộn ràng, hoa quả ra phố, đơm đầy các gian hàng.

Khô cá lù đù một nắng của cơ sở Tiến Hải chuẩn bị hàng ra chợ tết. Ảnh: .

Tết năm nay hàng bán tết ra chợ tuy không thiếu, nhưng giá bán đắt đỏ hơn gấp đôi ba lần nếu muốn mua hàng đặc sản.
 

Thiếu nguyên liệu, giá tăng

Nhiều xóm làng nghề lo nguồn hàng đón chợ tết phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước một hai tháng, lên kế hoạch thu mua, dự trữ sẵn sàng để được giá bán ổn định, giữ chân các mối khách đặt hàng. Tuy vậy, hầu như mọi kế hoạch bị đảo lộn không như dự tính.

Từ mấy năm gần đây, cơ sở làm khô hải sản bán tết Tiến Hải ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh ăn nên làm ra nhờ nằm cận kề bên bờ biển Đông. Nguồn cá tôm của các đội tàu khai thác biển mang về chế biến, đóng gói bao bì sạch sẽ bán đi khắp các tỉnh trong vùng, tiêu thụ mạnh nhất ở tỉnh Trà Vinh và TP.HCM.

Tuy nhiên chuẩn bị hàng tết năm nay, ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở Tiến Hải không khỏi băn khoăn.

Ông cho biết: Năm nay sản lượng hải sản đánh bắt tự nhiên thất mùa, mất đi khoảng 50%. Một số tàu đánh cá chỗ thân quen có thể dò tìm không trúng được luồng cá. Nhưng có lẽ do thiên nhiên ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm thiết yếu như tôm khô, khô cá các loại tăng mạnh vào dịp tết.

Tôi đã thuê nhân công hết rồi, giờ không có nguyên liệu thì cũng phải trả lương. Lao động hiện nay làm cho cơ sở là 8 người, là buộc phải giảm 4 người so với năm trước. Chỉ vì thiếu nguyên liệu, cá tôm từ trước tết 2 tháng đã tăng 30-40% nên buộc cơ sở sản xuất phải nâng giá bán.

Theo dự kiến giá hàng khô đặc sản sẽ tăng 25-40% so với năm ngoái. Hiện nay giá tôm khô loại 1 là 1,5 triệu đồng/kg, tôm đất nguyên vỏ giá 900.000 đồng/kg, khô cá khoai 700.000 đồng/kg, khô cá kèo 300.000 đồng/kg, tôm tẩm gia vị từ 800.000 – 1.000.000 đồng/kg… Tôi dự trù đưa ra chợ tết 15 tấn tôm khô, khô các loại mà chưa biết có làm được không.

Qua hơn nửa năm nhiều địa phương đối phó vất vả bệnh dịch tả heo Châu Phi để giữ nguồn cung thịt heo nhất là cho ba ngày tết. Nhưng dù lo trước, lo xa, gần tết giá heo hơi tăng vọt khiến cho các cơ sở chế biến thực phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thịt heo chới với và hoàn toàn bị động.

Anh Nguyễn Trường Chinh, Cơ sở chả hoa Năm Thụy có tiếng ngon độc đáo ở Trà Vinh, thở dài: Mấy năm trước, từ trước tết một hai tháng đã có kế hoạch thu mua dự trữ nguyên liệu nhưng năm nay kho gần như trống hoác. Nguồn thịt heo nội tỉnh cũng rất ít thậm chí là không có, giá tăng cao.

Vì vậy cơ sở sản xuất chưa dám lên biểu giá với khách đặt hàng. Đành sản xuất tới đâu bán tới đó. Hiện nay giá chả tăng 10-20%. Ví như trước đây một cây chả 70.000 đồng, nay tăng lên 84.000 đ/đòn (500 gam/cây). Đó là mức giá cơ sở cố gắng giảm lãi để không biến động giá (nếu bán đúng giá thì phải 100.000 đ/cây).

Ngược về vùng đầu nguồn Châu Đốc, An Giang – nơi có chợ mắm cá nổi tiếng cả nước, với lợi thế đón nguồn nguyên liệu cá dồi dào từ mùa lũ hàng năm. Mấy năm qua lũ nhỏ, mất đi mùa lũ chợ mắm đang xoay xở nguồn nguyên liệu nhiều cách khác nhau.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng, giám đốc công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555, cho hay: Năm nay bị thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi các đơn hàng tăng khoảng 15% nhưng không dám nhận.

Hiện nay công ty lo giữ các mối làm ăn lâu năm, cố gắng giữ giá, có khi chịu thiệt một chút để giữ uy tín với khách hàng. Mới đây có đối tác ở Mỹ đặt mua hàng, nhưng không dám ký hợp đồng chủ yếu là lo thiếu nguồn nguyên liệu.

Hiện nay hàng của công ty Bà Giáo Khỏe 55555 xuất khẩu chiếm 60-80%. Tết năm nay, sản lượng dự kiến là 50-60 tấn khô, bột mắm, nhưng chưa biết có thực hiện được không.
 

Đặc sản ngon đắt hàng

Hàng đặc sản từ các địa phương phần nhiều có nguồn nguyên liệu từ nông - thủy sản được chế biến đặc trưng, có xuất xứ rõ ràng của một địa phương hay một vùng nào đó. Lẽ thường người dân địa phương thường rất tự hào về sản phẩm đặc sản của địa phương mình. Như dân làng nghề ở Trà Vinh nói tôm khô Trà Vinh là nhất. Người Cà Mau cũng bảo rằng khô Cà Mau ngon nhất.

Ông Dương Tiến Hải dẫn giải: Giá tôm khô còn phụ thuộc vào loại tôm, chất lượng tôm nguyên liệu, có phẩm màu không, chế biến thủ công hay không… Vì vậy không thể so bì với giá tôm bán hàng la ngoài chợ.

Cơ sở Tiến Hải có sản phẩm tôm khô và khô cá khoai là bán chạy nhất. Điều kiện sản xuất cũng đổi thay, giảm dần các công đoạn tay chân. Cơ sở trang bị đầy đủ thiết bị sản xuất như: nồi hơi, nồi luộc tôm, thùng sấy, kho lạnh, máy đóng gói, nhà xưởng; áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được năng lượng, không làm ô nhiễm môi trường.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm bánh kẹo đặc sản của địa phương. Ảnh: .

Ở Trà Vinh tết năm nay bán bánh tét Trà Cuôn, bánh chưng bán qua Mỹ. Bà Nguyễn Diễm Phúc, cơ sở bánh tét Hai Lý, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết: Bên cạnh thị trường trong nước, tết năm nay Hai Lý xuất được 3 đơn hàng tới Cali (Mỹ), với loại bánh tét, bánh chưng nhân đậu, nếp, chuối, vị mặn…, bánh được cấp đông bảo quản trong 6 tháng. Tín hiệu phản hồi từ khách hàng báo về rất tốt nên cơ sở sản xuất chuẩn bị cho các đơn hàng tiếp theo.

Lo hàng tết gần kề, cơ sở làm ra 1.000 bánh/ngày. Tuy nhiên nhiều thứ nguyên liệu đang tăng: Lá chuối, dây buộc, thịt, đậu cho tới nếp đều tăng nên hiện thời giá bánh tăng thêm 5.000-10.000 đồng/bánh so với ngày thường.

Vào các siêu thị hay các sạp hàng tạp hóa ở các chợ truyền thống, hàng đậu phộng (lạc) rang tuy không hề thiếu nhưng giá rụch rịch tăng là do khâu nguyên liệu quanh vùng thiếu hụt.

Anh Đinh Công Minh Thông, giám đốc Cty Đinh Gia Foods, Bình Thủy, Cần Thơ, nói: Năm nay vùng trồng đậu phộng ở quanh khu vực lân cận không có đủ cho nên công ty phải tìm lên Đăk Lăk hay Tây Ninh mới mua có hàng. Giá theo chi phí vận chuyển đội lên đôi chút. Nhưng sản phẩm cạnh tranh nhau là công nghệ chế biến, bảo quản tốt sẽ giúp tạo giá trị gia tăng cho hàng đặc sản.

Chị Thanh Trúc, nhân viên bán hàng Satra, Cần Thơ, nói: Cửa hàng vừa có thêm quầy hàng đặc sản giới thiệu và bán hàng Việt. Bên cạnh hàng đặc sản từ các tỉnh miền Tây còn có đặc sản từ Đà Lạt và một số địa phương vùng miền khác như: Quà lưu niệm, mật ong, rượu, cà phê, thực phẩm đóng hộp… Giá cả tùy theo nhà cung cấp, cửa hàng bán đúng theo giá niêm yết, giá cạnh tranh. Nhưng trong giỏ quà tết đang tăng dần nhiều sản phẩm đặc sản. Chứng tỏ hàng ngon luôn có chỗ tốt.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất