| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/11/2019 , 09:48 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:48 - 04/11/2019

Đại biểu 'cấp trên' và đại biểu 'cấp dưới'

Ngày 1/11/2019, báo điện tử “Dân Trí” dẫn lời phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tại phiên thảo luận tổ về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, khiến nhiều cử tri cả nước bàng hoàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Xin trích nguyên văn: "Tôi đã chứng kiến khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công thương. Ngay lập tức trưa đó bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu đó gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào tình trạng đó rất ấm ức. Những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả giám sát của Quốc hội “ (hết trích).

Chắc chắn bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp không nói bừa. Bà đã nắm được đích xác, và hẳn là đã suy nghĩ rất nhiều trước khi phát ngôn.

“Những chuyện đó không phải hiếm”. Câu nói của bà đã phơi bày một thực trạng rất đau lòng vẫn tồn tại trong Quốc hội ta lâu nay. Bất cứ một địa phương nào cũng có 2 nhóm đại biểu Quốc hội.

Nhóm 1 là những người được Trung ương giới thiệu về ứng cử. Nhóm 2 là những người đang công tác tại địa phương.

Trong nhóm 2 này, bao giờ cũng có ông Chủ tịch tỉnh và ông Bí thư Tỉnh ủy. Ở các bộ, ngành khác cũng vậy. Ngoài ông bộ trưởng còn có những người đang công tác trong bộ trở thành đại biểu Quốc hội. Về nguyên tắc, các đại biểu đều bình đẳng với nhau, đều đại diện cho cử tri, đều có trách nhiệm nói lên tiếng nói và nguyện vọng của cử trí.

Không ai là cấp trên cấp dưới của nhau, vì vậy không đại biểu nào được quyền chỉ đạo hay phê bình ý kiến của đại biểu này, đại biểu nọ trong nghị trường. Trong nghị trường, chỉ được quyền tranh luận chứ không được quyền phê bình, chỉ đạo. Thế nhưng những đại biểu đang công tác ở địa phương thuộc nhóm 2, đều là cấp dưới của ông Chủ tịch và ông Bí thư Tỉnh ủy. Và thế là tự nhiên sinh ra những đại biểu “kém thế” như lời bà chủ nhiệm vừa nói ở trên. 

Những đại biểu “kém thế” này, liệu có dám nói tại nghị trường về những điều cấp trên mình không ưa hay không ? Liệu có dám nêu những yếu kém của địa phương mình hay chất vấn bộ trưởng bộ mình không?

Ở nhiều nước khác, nghị sỹ của họ không bao giờ là người trong chính quyền. Tất cả là nghị sỹ chuyên nghiệp. Vì vậy, họ chẳng bị ràng buộc vì cái gì cả. Họ chỉ toàn tâm toàn ý vào việc lập pháp và giám sát. Và khi nói trên nghị trường, họ chẳng phải dè chừng ai. Đằng sau họ là cử tri, và họ chỉ vì cử tri, vì những người đã bỏ lá phiếu bầu cho họ vì tin tưởng họ.