Ông Phu ở xã Quốc Thái (An Phú, An Giang), có diện tích nuôi và sản lượng cá mà một thành viên chuỗi là ông Nguyễn Văn Tấn nhận xét là “không có ông Phu thì không có chuỗi liên kết Tafishco”.
Phương án xử lý nợ Tafishco vừa được tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang thông qua, ông Nguyễn Văn Phu dư nợ Agribank An Giang 20.426 triệu đồng và bị Tafishco nợ tiền cá 24.053 triệu đồng. Nhưng trong số tiền cá bị nợ, chỉ 4.900 triệu đồng thuộc chuỗi, còn lại 19.153 triệu đồng ngoài chuỗi.
Nguyên tắc ưu tiên xử lý nợ chuỗi liên kết trước, nên khoản tiền cá trong chuỗi bị Tafishco nợ được cấn trừ với nợ Agribank An Giang; ông Phu còn nợ ngân hàng 15.526 triệu đồng và bị Tafishco nợ tiền cá ngoài chuỗi 19.153 triệu đồng.
Ông Phu kêu cứu là toàn bộ hoạt động nuôi cá của ông thực hiện theo chuỗi, từ giữa năm 2014 cho đến ngày vợ chồng bà chủ Tafishco biến mất vào cuối tháng 10/2016. Đó là, nhận thức ăn nuôi cá và ghi nợ ở Agribank An Giang, sau đó cá bán cho Tafishco chế biến xuất khẩu lấy tiền hoàn nợ. Ông không nuôi cá ngoài chuỗi.
Trung tâm chuỗi liên kết của Tafishco xác nhận, từ ngày 6/1/2016 đến 10/8/2016, ông Phu nhận thức ăn nuôi cá 58 lần, số lượng 2.353.981 kg, thành tiền gần 24.265 triệu đồng. Toàn bộ cá nuôi theo thức ăn này đều bán cho Tafishco. Vào ngày 7/12/2016, đại diện Tafishco là Phó TGĐ Hoàng Hữu Thành ký văn bản xác nhận nợ cá của ông Phu là 24.053 triệu đồng. Cụ thể, ông Phu đã giao cá cho Tafishco hơn 28.663 triệu đồng và Tafishco mới trả 4.610 triệu đồng.
“Nay xác định trong số nợ tiền cá của Tafishco chỉ có 4.900 triệu đồng thuộc chuỗi, còn lại 19.153 triệu đồng ngoài chuỗi thì oan ức cho tôi quá”, ông Phu kêu lên. Tường trình của ông Phu gửi tổ xử lý nợ kể rằng, vào tháng 6/2016, hạn mức vay 25 tỷ của ông để lấy thức ăn nuôi cá đã hết, trong lúc tiền cá vẫn bị Tafishco nợ (quy định chuỗi cho phép Tafishco nợ thêm 3 tháng để chế biến xuất khẩu). Không còn hạn mức vay để lấy thức ăn tiếp tục nuôi cá mà nếu không còn ông Phu thì chuỗi liên kết cũng tan rã nên bà chủ Tafishco mới “lách quy định”.
Theo đó, cá của ông Phu giao cho Tafishco được tách ra một hợp đồng khác, để Tafishco trả sớm một ít tiền cho ông Phu hoàn nợ ở Agribank An Giang, tiếp tục lấy thức ăn nuôi cá. Đến khi, vợ chồng bà chủ Tafishco biến mất, chuỗi đổ vỡ thì ông Phu “mắc kẹt”.
Đại diện tổ xứ lý nợ Tafishco cho biết, hồ sơ do ông Phu và Tafishco cung cấp, bước đầu thấy trình bày của ông Phu là có cơ sở nên đang xem xét.