| Hotline: 0983.970.780

Đại gia súc, cây mắc ca là cú hích tăng trưởng của Điện Biên

Thứ Năm 07/10/2021 , 15:56 (GMT+7)

Ba cốt lõi trong phát triển nông nghiệp của Điện Biên là lúa gạo chất lượng cao; phát triển cây mắc ca, dược liệu dưới tán rừng; đại gia súc.

Tiếp tục lịch trình công tác kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Miền núi phía Bắc, ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với tỉnh Điện Biên.

Đại gia súc là lợi thế

Tại khu đất 17ha được tỉnh giao quản lý, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên đang đầu tư nhiều hạng mục nghiên cứu, sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các giống đại gia súc mới như trâu, bò.

“Để từng bước tự chủ tài chính, cán bộ, người lao động của Trung tâm đã tự góp tiền để tuyển chọn và nhập hơn 30 con trâu cái sinh sản, đồng thời lai tạo thông qua thụ tinh nhân tạo với các giống trâu sông, trâu đồng bằng để cung ứng giống chất lượng cao”, ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên chia sẻ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm khu chọn tạo, sản xuất giống trâu, bò của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm khu chọn tạo, sản xuất giống trâu, bò của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài đàn trâu cái sinh sản, tại Trung tâm cũng đang nuôi đàn bò cái nền để khảo nghiệm, phối tinh các giống bò tầm vóc lớn như BBB..., dự kiến năm sau, những con giống đầu tiên sẽ ra đời.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những đổi mới trong định hướng phát triển của Trung tâm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Các trung tâm khuyến nông, đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ buộc phải tự chủ, không có con đường nào khác.

Nhà nước đã giao cho Trung tâm quản lý quỹ đất lớn, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ và trả lương cho hơn 40 cán bộ, người lao động. Vậy không có lý do gì chúng ta không tự chủ được".

Ông lấy ví dụ, doanh nghiệp phải thuê đất để sản xuất kinh doanh, họ đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng làm ăn vẫn có lãi. Để làm được như vậy, họ phải làm ngày làm đêm, tăng năng suất lao động. Trong khi đó, cán bộ trung tâm thường chỉ làm 8 tiếng một ngày, như vậy rất khó cạnh tranh.

Nói về tiềm năng phát triển của chăn nuôi đại gia súc của Điện Biên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm nghìn con bò từ Úc về nuôi vỗ béo. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu thịt bò từ nhiều quốc gia để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, dư địa chăn nuôi trâu, bò còn rất lớn vì sản lượng trong nước chưa cao.

Đàn trâu cái nền tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Đàn trâu cái nền tại Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

“Lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm cần xuống Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì hoặc một số HTX chăn nuôi đại gia súc ở Phú Thọ, họ làm rất bài bản, từ vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi ý.

Về khó khăn trong quá trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp, ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tiếp cận các ngân hàng để vay vốn, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong diện tích được tỉnh giao, tuy nhiên, các ngân hàng đều từ chối bởi muốn vay vốn thì phải có tài sản thế chấp”.

Khảo sát địa bàn huyện Điện Biên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, lợi thế của địa phương là nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, lại gần thị trường Trung Quốc nên thịt bò, trâu không đủ để bán.

Do đó, cần đào tạo, tập huấn để người dân dự trữ rơm rạ, ủ chua thức ăn để dự trữ trong mùa đông, không để vật nuôi chết đói, chết rét. Bên cạnh đó, cần phòng bệnh tốt đối với dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM), viêm da nổi cục trên bò. 

Mô hình nuôi vỗ béo trâu bò mỗi năm xuất bán khoảng 100 con tại một hộ dân ở thôn 10, xã San Mứn, huyện Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình nuôi vỗ béo trâu bò mỗi năm xuất bán khoảng 100 con tại một hộ dân ở thôn 10, xã San Mứn, huyện Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Hiện nay, tổng đàn trâu của tỉnh Điện Biên là hơn 131.000 con, tổng đàn bò hơn 87.000 con. Điện Biên đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ bà con đầu tư mở rộng quy mô đàn.

Tại Điện Biên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đến thăm khu chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của hộ ông Nguyễn Kim Dụng tại thôn 10, xã San Mứn, huyện Điện Biên. Để chủ động nguồn thức ăn, ông Dụng thuê 2ha trồng ngô và cỏ, đồng thời mua rơm, thân cây ngô mỗi vụ thu hoạch để ủ chua, dự trữ. Bình quân mỗi năm gia đình ông Dụng xuất bán khoảng 100 con trâu, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét, hỗ trợ tỉnh trong việc nuôi giữ và cung ứng giống gốc với lợn đen bản địa, trâu nội (trâu ngố), gà xương đen, giống thuỷ sản tại Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi thuộc chương trình giống gốc của Bộ NN-PTNT để cung cấp con giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí mua vacxin LMLM để tiêm cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh năm 2022 với kinh phí khoảng 6,7 tỷ đồng (356.000 liều vacxin type O tiêm 80% tổng đàn). Đồng thời sớm ban hành định mức hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi...

Tăng cường tính liên kết với doanh nghiệp

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTTN cho biết: Do việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Điện Biên có điều kiện khác biệt, nên tỉnh lựa chọn hướng đi khác.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Điện Biên ngày 7/10. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Điện Biên ngày 7/10. Ảnh: Minh Phúc.

Hai năm qua, các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào 6 dự án phát triển cây mắc ca đã được tỉnh cấp chứng chỉ đầu tư với diện tích khoảng 24.000ha. Đây là lợi thế của tỉnh trong khai thác đất dốc, đất nương rẫy.

Các dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút được lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo cơ hội để các hộ dân thành lập tổ hợp tác, HTX, liên kết với DN trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Tập đoàn TH cũng đang triển khai dự án trồng mắc ca, bởi đây là một trong những sản phẩm trong giỏ hàng của DN.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn quả tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên để bắt nhịp, đón đầu ra từ các nhà máy chế biến của Tập đoàn TH, Đồng Giao và Nafood.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay: “DN có bài toán kinh tế, bài toán liên kết của họ. Ví dụ, tại vùng trồng dứa 400ha ở Mường Chà, năm nào họ ký hợp đồng với người dân, HTX thì họ lên mua, còn không thì họ không mua nữa.

Điều đó cho thấy tính liên kết giữa DN và các vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ, cần phải có bước tiếp cận bài bản hơn để khi DN tham gia thì phải cam kết hỗ trợ bài bản và bao tiêu sản phẩm lâu dài”.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nêu quan điểm: "Cá nhân tôi nghĩ không sao chép cách phát triển nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc. Điện Biên tập trung 3 nội dung cốt lõi là lúa gạo chất lượng cao, sản xuất giống để làm thương hiệu; bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, phát triển cây mắc ca và cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời phát triển chăn nuôii đại gia súc. Tuy nhiên, nếu không kéo được DN vào thì vẫn chỉ là quy mô nhỏ lẻ".

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Ảnh: Minh Phúc.

Để thu hút doanh nghiệp, Điện Biên đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ cho các địa phương chưa chủ động được ngân sách để đo đạc, quy hoạch và quy chủ diện tích đất nông, lâm nghiệp. Nếu không làm được tổng thể vấn đề này thì không thể kêu gọi DN vào được.

Thứ hai, bố trí kinh phí để thực hiện Nghị định 57 về hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì các tỉnh khó khăn rất trông đợi vào chính sách này.

Thứ ba, cần phải phải sửa Luật Đất đai theo hướng DN nông nghiệp được phép tích tụ đất đai trong mức cho phép. Ở Điện Biên, sau khi tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án, DN đứng ra đền bù đất nương rẫy, giải phòng mặt bằng, sau đó bàn giao lại cho chính quyền. Sau đó, chính quyền cho DN thuê lại, do đó không khuyến khích được DN đầu tư.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Điện Biên tiếp tục tái cơ cấu ba trục sản phẩm nông nghiệp, từ cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương (sản phẩm OCOP). Ngoài nâng cao năng suất, chất lượng thì sản phẩm phải có tính bản địa, vì khi đưa ra thị trường thì nguyên tắc là bán cái người khác cần chứ không phải bán cái ta có.

Thứ hai, phải tập trung đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp từ thuỷ sản, chăn nuôi và hỗ trợ công tác thú y, khuyến nông cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Điện Biên để miền núi đuổi kịp miền xuôi. Nhưng, đầu tư phải có hiệu quả.

"Đợt này, Bộ sẽ trình Chính phủ có chương trình đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của 15.000 nhà khoa học, nâng cao hiệu quả sử dụng hàng chục nghìn ha đất.

Không thể để viện nào cũng khoe sâm Ngọc Linh, đông trùng hạ thảo, các sản phẩm nuôi cấy mô... rất hiện đại nhưng đầu ra thì lèo tèo. Ngoài tập trung phát triển chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, cần gắn với chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.