Binh sĩ Triều Tiên (Ảnh: Reuters) |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 12 năm ngoái đã thông qua vòng trừng phạt mới với Triều Tiên, theo đó yêu cầu hạn chế xuất khẩu dầu cho quốc gia Đông Bắc Á này để đáp trả việc Bình Nhưỡng liên tục thử hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cảnh báo tình thế nguy hiểm nếu thế giới cắt giảm tiếp nguồn cung dầu cho Triều Tiên. "Nếu chấm dứt hoàn toàn cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho Triều Tiên, điều đó có nghĩa là cấm vận hoàn toàn Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ coi đó là một lời tuyên chiến mà hậu quả hết sức khôn lường".
Ngoài các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên. Washington trong khi đó cũng kêu gọi các đồng minh gia tăng sức ép với Triều Tiên qua các lệnh trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên hồi cuối tháng 12/2017 đã lên tiếng phản bác các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng: "Mỹ hoàn toàn hoảng sợ trước những thành tựu của chúng tôi để trở thành cường quốc hạt nhân nên ngày càng hành động điên cuồng, áp đặt lệnh trừng phạt mạnh nhất và gây áp lực cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi phản đối những biện pháp trừng phạt mới đây của LHQ. Đây là sự xâm phạm chủ quyền, hành động chiến tranh do Mỹ cùng đồng minh kích ngòi nhằm phá hoại ổn định và hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Tất cả quốc gia bỏ phiếu ủng hộ biện pháp trừng phạt sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả".
Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ phục vụ mục đích phòng vệ, không vi phạm luật pháp quốc tế.