Trước đó, trưa 19/11, bố mẹ vắng nhà, em Y.T.N. (11 tuổi) tự nấu thịt cóc cho mình và em gái 5 tuổi cùng ăn dẫn tới việc ngộ độc thịt cóc.
Ăn xong, cả 2 anh em có biểu hiện khó thở, tím tái và được người thân phát hiện, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Qua điều trị, người anh không qua khỏi vào tối cùng ngày, còn người em gái đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
"Có thể lúc làm thịt cóc các cháu sơ chế không kỹ nên dẫn đến vụ việc đau lòng trên. Hiện, chính quyền đang kêu gọi để hỗ trợ gia đình nạn nhân lo hậu sự và điều trị nạn nhân cấp cứu ở bệnh viện", vị lãnh đạo xã Ea Knuếc chia sẻ.
Theo lãnh đạo xã, gia đình của các nạn nhân đều rất khó khăn nên đã được địa phương và đơn vị hảo tâm hỗ trợ công tác mai táng.
Các chuyên gia khuyến cáo, thịt cóc, đặc biệt là trứng cóc chứa độc tố rất mạnh. Vì vậy, người dân không nên sử dụng thịt cóc làm thực phẩm, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trường hợp không may ăn nhầm hoặc phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm. Đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loài động vật, thực vật có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,... để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc.