Vớt rác, tránh ách tắc dòng chảy, phục vụ tốt sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng. |
Từ đó, có kế hoạch vừa đảm bảo an toàn hồ đập nhưng vẫn chủ động tích trữ nước sẵn sàng cho sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020.
Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, trái với một số địa phương, lượng nước tích trữ từ các hồ đập của Thái Nguyên đã đạt công suất thiết kế và không lo thiếu nước sản xuất đông xuân.
Đầu tư nguồn lực sửa chữa, nâng cấp
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 1.271 công trình thủy lợi đầu mối, với 251 hồ chứa nước, 752 đập dâng, 267 trạm bơm tưới, 1 trạm bơm tiêu.
Trong đó, UBND tỉnh Thái Nguyên phân cấp quản lý, vận hành khai thác như sau: Công ty TNHH một thành viên (MTV) Khai thác thủy lợi Thái Nguyên trực tiếp quản lý khai thác 82 công trình, gồm 40 hồ chứa, 37 đập dâng, 1 trạm bơm tiêu, 4 trạm bơm tưới; UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý 1.189 công trình bao gồm 211 hồ chứa, 715 đập dâng, 263 trạm bơm tưới (UBND cấp huyện giao cho UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, vận hành khai thác).
Hiện tại các công trình đập, hồ chứa thủy lợi đã góp phần đảm bảo phục vụ nước tưới, tiêu cho 103.249,7ha đất nông nghiệp, trong đó tưới cho 101.694,7ha, tiêu cho 1.555,0ha. Bên cạnh đó còn có nhiệm vụ phân lũ, cắt, giảm, điều tiết lũ cho vùng hạ du, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và du lịch, đồng thời góp phần cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên có vai trò chính cung cấp nước cho 70% diện tích cây trồng toàn tỉnh. Ông Nguyễn Công Thịnh (Chủ tịch HĐTV công ty) cho biết, phần lớn các công trình thủy lợi của Thái Nguyên đều được xây dựng từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước. Trải qua hơn 50 năm vận hành khai thác, nhiều công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ, chủ yếu ở các hạng mục chính như đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, các thiết bị cơ khí,...
Chính vì vậy, những năm gần đây, hệ thống công trình được đầu tư mạnh mẽ bằng cả vốn ngân sách Nhà nước và vốn thủy lợi phí của công ty. Hàng loạt công trình được xây mới, cải tạo, nâng cấp nhằm nâng cao khả năng tiêu tự chảy của hệ thống. Nhiều tuyến kênh và công trình đầu mối được kiên cố hóa, chủ yếu tập trung ở một số công trình lớn như các hồ Núi Cốc, Suối Lạnh, Bảo Linh, Quán Chẽ, Phú Xuyên, Gò Miếu, Trại Gạo.
Ngoài ra, một số công trình được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hồ đập, gia cố kênh mương, như sửa chữa nâng cấp hồ Đồng Xiền, xã Yên Lạc (Phú Lương); đập thủy lợi Nghinh Tác, xã Phương Giao (Võ Nhai); hồ chứa nước Đèo Bụt, xã Phượng Tiến (Định Hóa); cải tạo, sửa chữa kênh Gò Miếu (Đại Từ); cải tạo sửa chữa các tuyến kênh đập Khe Dạt và các hồ chứa huyện Phú Lương; đập Líp, xã Minh Đức (Phổ Yên); sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và kiên cố hóa kênh mương các loại.
Vớt rác, tránh ách tắc dòng chảy, phục vụ tốt sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng. |
Công ty cũng đã chỉ đạo các xí nghiệp, trạm khai thác thủy lợi ở các địa phương quản lý công trình an toàn, dành nguồn nước phục vụ sản xuất, chủ động điều tiết, tích nước trong các hồ chứa, quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm, không để thất thoát và lãng phí nguồn nước.
Chủ động tích nước
Ông Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho biết, từ giữa và cuối mùa mưa bão hàng năm, công ty đã chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng tất cả các hạng mục công trình, đặc biệt chú ý kiểm tra các hạng mục, như đập chính, các đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước, thiết bị cơ khí và các điểm trọng yếu khác trên kênh đảm bảo vận hành an toàn cấp nước tưới cho cho vụ đông xuân.
Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời và báo cáo ngay những hạng mục công trình bị hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn công trình và việc dẫn nước phục vụ sản xuất để công ty có kế hoạch sửa chữa kịp thời.
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tục chủ động tích trữ nước, theo dõi, quản lý và bảo vệ chặt chẽ nguồn nước hiện có, chống rò rỉ thất thoát nước, việc sử dụng nước phải tiết kiệm ngay từ đầu vụ. Xây dựng lịch đóng mở nước cho từng công trình phù hợp với lịch gieo cấy và quy trình chăm sóc của từng địa phương, đồng thời xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, kế hoạch cấp nước luân phiên cho từng tuyến kênh.
Đối với các công trình đập dâng, các đơn vị trực tiếp quản lý tham mưu cho các phòng chuyên môn huyện, xã chỉ đạo bà con nông dân lấy nước sớm để tận dụng dòng chảy tự nhiên. Công tác dẫn nước đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí, các hồ chứa chỉ được tháo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cây vụ đông không tháo nước phục vụ bất kỳ mục đích nào khác.
Đối với các khu vực ở cuối kênh xa nguồn nước để chủ động sản xuất, đề nghị các địa phương (huyện, xã, HTX, tổ đội thủy nông) chỉ đạo tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, phát cây dọn cỏ, củng cố bờ vùng, bờ thửa đảm bảo chủ động lấy nước, khai thác hiệu quả các đợt xả nước hồ.
Hiện nay, mực nước hồ Núi Cốc đã đảm bảo tích đủ ở cao độ 46,2 mét. Tuy nhiên, vì là công trình đại thủy nông được vận hành theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nên lịch đóng mở nước phải được sự chỉ đạo chặt chẽ của công ty. |
Sẵn sàng phục vụ vụ đông xuân
Theo kế hoạch, vụ đông năm 2019, Thái Nguyên có hơn 11.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, riêng cây ngô chiếm 4.600 ha. Vụ xuân 2020, diện tích lúa của Thái Nguyên dự kiến gieo cấy 30.000 ha. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất và cơ cấu cây trồng của từng địa phương, việc tích nước đến nay đã được thực hiện đảm bảo theo yêu cầu sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hằng là cán bộ cụm đầu mối hồ Núi Cốc cho biết, để đảm bảo việc phục vụ sản xuất, đơn vị thường xuyên kiểm tra các vi phạm về xả thải ra hồ chứa, kênh mương... đảm bảo an ninh nguồn nước, tránh gây ô nhiễm và nguy hiểm đến an toàn hệ thống công trình thủy lợi.
Kịp thời báo cáo cơ quan liên quan để xử lý đối tượng vi phạm; tăng cường nhân lực vớt rác tại các điểm nóng do đơn vị mình quản lý để giảm thiểu tối đa lượng rác trên công trình, tránh ách tắc dòng chảy, tràn kênh, gây sự cố vỡ bờ kênh và gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động đến các xóm, tổ dân phố để người dân không xả chất thải sinh hoạt và đặc biệt là xác súc vật chết, vỏ chai lọ, vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật, chất gây ô nhiễm khác... xuống đầu nguồn nước, xuống kênh.
Kiểm tra an toàn vận hành điều tiết nước tại công trình thủy lợi hồ Núi Cốc. Ảnh: Đào Thanh. |
Về phía các địa phương, ông Hoàng Văn Dũng (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khả năng tích trữ và đảm bảo nước tưới của các công trình thủy lợi hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước sinh thủy trên các sông, suối, lượng mưa của các tháng trong năm, độ che phủ rừng đầu thượng nguồn các sông suối.
Nếu không sử dụng nguồn nước dự trữ một cách hợp lý thì tình trạng thiếu nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân là khó tránh khỏi, nhất là khi theo quy luật tự nhiên, thời điểm từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa ít, thời tiết hanh khô, độ ẩm không khí thấp khiến nguồn nước bị can kiệt nhanh chóng… Đặc biệt, trong mùa mưa bão vừa qua, hệ thống kênh mương, hồ chứa, đập dâng bị hư hỏng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước cho sản xuất vụ đông xuân.
Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các địa phương kiểm tra phần kênh mương do địa phương quản lý. Tham mưu với UBND huyện, xã chỉ đạo tổ đội thủy nông tổ chức nạo vét kênh mương, phát dọn, tu bổ sửa chữa kênh mương nội đồng để đảm bảo tuyến kênh được thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, nêu rõ những đoạn kênh cần nạo vét, duy tu, sửa chữa. Tập trung phát dọn duy tu những hạng mục công trình đầu mối, thiết bị cơ khí, nạo vét khơi thông bồi lắng vật cản trước cửa cống lấy nước, bể hút, bể xả, hệ thống kênh mương, tu bổ những vị trí xung yếu, kiểm tra các thiết bị động cơ máy bơm đảm bảo tốt việc cấp nước tưới cho sản xuất. Có thể nói, với cách chỉ đạo tổng thể, chuyên nghiệp, việc tích nước đã đảm bảo tính chủ động thủy lợi để tỉnh Thái Nguyên đạt được hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 tới đây. |