| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo sản xuất thông suốt và nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết

Thứ Hai 24/01/2022 , 15:02 (GMT+7)

Các đơn vị của Bộ NN-PTNT triển khai các giải pháp nhằm duy trì sản xuất nông nghiệp thông suốt, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho dịp Tết.

Giá hiều vật tư nông nghiệp "hạ sốt"

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện tình hình sâu bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt, do đó gần như không có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Theo ghi nhận của các đơn vị chuyên môn, giá thuốc bảo vệ thực vật đã giảm khoảng 15% so với lúc cao điểm. Giá các sản phẩm phân bón cũng đã chững lại và một số loại đã giảm.

Giá phân bón hiện đã chững lại, trong đó một số sản phẩm đã giảm giá. Lượng phân bón tồn kho khá nhiều. Ảnh: NNVN.

Giá phân bón hiện đã chững lại, trong đó một số sản phẩm đã giảm giá. Lượng phân bón tồn kho khá nhiều. Ảnh: NNVN.

Đặc biệt, giá các loại phân bón sản xuất trong nước có tốc độ giảm nhanh hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Lượng phân bón tồn kho cũng khá nhiều nên các doanh nghiệp trong nước đang tìm cách để xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, nhờ bảo vệ sản xuất tốt nên những năm qua, ngành trồng trọt đã đẩy được năng suất và sản lượng trong bối cảnh diện tích canh tác ngày càng giảm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng dần chuyển đổi sang tư duy kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm chất lượng.

Hiện nay, sản lượng phân bón hữu cơ trong nước đã đạt 2,6 triệu tấn, tới đây cần nâng lên khoảng 3 triệu tấn bởi dư địa phát triển còn rất lớn. Theo báo cáo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 155 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, trong đó trồng trọt khoảng 88 triệu tấn; chăn nuôi khoảng 65 triệu tấn và thuỷ sản hơn 1 triệu tấn. Nếu áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ khai thác được tối đa hiệu quả kinh tế từ nguồn phế phụ phẩm này.

Kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, năm 2021, các loại dịch bệnh trên vật nuôi và thuỷ sản được kiểm soát tốt, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh. Chỉ có bệnh dịch tả lợn Châu Phi là chưa có vacxin, nên vẫn xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ tại 33 tỉnh, thành phố do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học.

Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã cơ bản được khống chế. Ảnh: NNVN.

Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã cơ bản được khống chế. Ảnh: NNVN.

“Hiện chúng ta có đủ dự trữ vacxin chất lượng tốt, đảm bảo phòng chống dịch bệnh trước và sau Tết như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và viêm da nổi cục. Tuy nhiên vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao”, ông Long nói.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống thú y đang giám sát đối với các dịch bệnh nguy hiểm tại 33 tỉnh, thành phố. Đây là điều kiện quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay, cả nước có trên 2.600 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Đây là điều kiện quan trọng vừa đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong dịp Tết Nguyên đán, ngành thú y sẽ tập trung kiểm soát giết mổ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Long chia sẻ, năm 2022, bên cạnh việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vacxin để phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong nước, Cục Thú y sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị về phòng, chống dịch bệnh ngay trong quý I năm 2022, qua đó quán triệt triển khai các chương trình, đề án của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để tránh bị động.

Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu sản phẩm động vật và thuỷ sản.

“Trong năm tới, chúng tôi tiếp tục đàm phán để mở cửa các thị trường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, nhất là sản phẩm của các chuỗi lớn như C.P để xuất sang Nhật Bản”, ông Long cho biết.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ NN-PTNT sẽ sớm tổ chức hội nghị để xốc lại công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ NN-PTNT sẽ sớm tổ chức hội nghị để xốc lại công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: NNVN.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, dịch tai xanh mấy năm nay không có, nhưng ngành thú y vẫn phải giám sát chặt. Thứ hai, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được khống chế, nhưng trong năm qua vẫn có khoảng 300.000 con lợn bị ảnh hưởng. Dịch cúm gia cầm cũng gây thiệt hại cho khoảng 420.000 con.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ 434 cơ sở giết mổ tập trung và 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần cũng như mùa lễ hội đầu năm 2022.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kim ngạch xuất khẩu thức ăn và sản phẩm chăn nuôi năm 2021 đạt hơn 1,5 tỷ USD, trong đó thức ăn chăn nuôi là 1,2 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi gần 400 triệu USD.

Thời gian qua, chúng ta cũng đã tháo gỡ được “nút thắt” hàng rào kỹ thuật và xuất khẩu thịt gà đi nhiều thị trường; thịt lợn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cũng tăng trưởng nhanh. Để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần quản lý chặt chẽ thuốc thú y và vacxin phòng bệnh trên vật nuôi. Bởi trên thị trường đã xuất hiện tình tình trạng mua bán một số loại thuốc, vacxin thú y chưa qua kiểm nghiệm, kiểm định, được nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm và vệ sinh ATTP

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Để chuẩn bị nguồn cung lương thực, thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, Cục đã làm việc với Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để thống nhất các nội dung, giải pháp đảm bảo cung cầu các mặt hàng lúa gạo, rau quả, các sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản. Đặc biệt là lồng ghép các nội dung của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài Chính để xây dựng văn bản, gửi về các địa phương lưu ý các vấn đề liên quan đến cơ cấu các mặt hàng trước Tết Nguyên đán để vừa ổn định giá cả, đảm bảo kiểm soát tốt chỉ số CPI Chính phủ giao là dưới 4%.

Công tá kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết sẽ được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Ảnh: Thanh Nga.

Công tá kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết sẽ được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Ảnh: Thanh Nga.

Cũng theo ông Toản: “Giá một số mặt hàng thiết yếu có tăng, nhưng chỉ là tăng cục bộ. Ví dụ, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Gạo xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 398 – 402 USD/tấn), cao hơn so với gạo Thái Lan khoảng 5 USD/tấn, đó là tín hiệu đáng mừng. Trong đó, chúng ta vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu gạo quan trọng như Philippine (lớn nhất), thị trường Châu Phi và nhóm Indonesia – Malaysia...”. Bên cạnh đó, thịt lợn vẫn giữ được trong khung dự kiến.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản chia sẻ: Đã thành thông lệ, Bộ NN-PTNT rất chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân 2022.

Hai nhóm nhiệm vụ chính của kế hoạch là thông tin truyền thông và hướng dẫn tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và doanh nghiệp. Thứ hai là công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành để kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.

“Đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết, trước đó đã triển khai kiểm tra tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. HCM. Qua đó, nhắc nhở đơn vị quản lý và điều hành chợ đầu mối nông, thuỷ hải sản phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài TP. HCM, đoàn kiểm tra liên ngành cũng kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội", ông Tiệp thông tin.

Xem thêm
Chuỗi chăn nuôi gà '3 chung' Gò Công

TIỀN GIANG Các thành viên của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cùng nhau chăn nuôi gà theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.

Đến tận nhà tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo

CẦN THƠ Dại là loại bệnh rất nguy hiểm xuất hiện trên các loại vật nuôi như chó, mèo và có thể truyền nhiễm sang người gây nguy hại đến tính mạng.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.