| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo thị trường lao động vận hành bình thường trong đại dịch

Thứ Ba 07/09/2021 , 08:56 (GMT+7)

Hệ thống các Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐTBXH đã chủ động và thích ứng kết nối cung cầu lao động, đảm bảo thị trường lao động vận hành bình thường trong đại dịch.

Gần 13 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ).

Hệ thống các Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐTBXH đã chủ động kết nối cung cầu lao động bằng hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa.

Hệ thống các Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐTBXH đã chủ động kết nối cung cầu lao động bằng hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Đáng chú ý, sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao.

Tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực thực hiện khảo sát 4.140 doanh nghiệp, với tổng số 332.301 người lao động (NLĐ). Kết quả, 125.277 NLĐ bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc… Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, 7 tháng năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 80.600 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp nhận gần 342.000 lượt người thông báo việc làm hàng tháng.

Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Trong quý II/2021, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 28.364 người, tăng 15.938 người so với quý I/2021. Lượng lao động thất nghiệp có sự gia tăng do đây là thời điểm lao động chuyển đổi công việc nhưng gặp phải tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp tạm thời giảm số lượng tuyển dụng, lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thành phố có gần 35.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có hơn 33.000 người đã có quyết định hưởng.

Thúc đẩy việc làm thời Covid-19

Thời gian qua, hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến thực tế đã được triển khai đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để các Trung tâm DVVL thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Để hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp, nhiều trung tâm DVVL đã chủ động kết nối việc làm cả trong và ngoài địa phương.

Phiên giao dịch việc làm online ngày 22/7 của 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động.

Phiên giao dịch việc làm online ngày 22/7 của 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động.

Tháng 7 vừa qua, 11 trung tâm DVVL của các địa phương: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề: điện tử, may mặc, sản xuất nhựa… 

Trong phiên giao dịch việc làm này, Hải Dương và Thái Nguyên là 2 tỉnh có nhiều lao động tham gia phỏng vấn online đi các tỉnh khác. Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên là các địa phương được nhiều lao động lựa chọn phỏng vấn để đến làm việc. Kết quả đã có 91 lao động trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm; có 73 lao động được hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp.

Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến như trên cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tuyến riêng biệt tại từng địa phương đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, dần hình thành sự liên thông thị trường giữa các địa phương giúp người lao động tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

Linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người lao động

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, hệ thống các trung tâm DVVL đã kịp thời có những giải pháp hỗ trợ NLĐ trong giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời  tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, các trung tâm DVVL đã bố trí thêm nhân lực, mở thêm các quầy tiếp nhận giải quyết hồ sơ, hướng dẫn NLĐ tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo công tác nhanh chóng, hiệu quả, giảm ùn tắc. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đối với NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để thông tin tuyên truyền và hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ, phù hợp với các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; thí điểm ứng dụng tải app qua điện thoại để NLĐ có thể đăng ký ngày, giờ nộp hồ sơ tại nhà từ trước để không mất công chờ đợi, xếp hàng.

Tại Trung tâm DVVL Hà Nội, trường hợp NLĐ gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện được hướng dẫn gửi theo địa chỉ 15 điểm tiếp nhận và hỗ trợ về thành phần thủ tục hồ sơ qua điện thoại, email, mạng xã hội... Đối với hồ sơ nhận được sau khi kiểm tra thành phần và điều kiện hưởng nếu đủ điều kiện, Trung tâm sẽ in giấy biên nhận và gửi qua email, zalo, bưu điện... cho người nộp (hướng dẫn bổ sung thành phần đối với các hồ sơ sai thông tin, thiếu điều kiện). Trường hợp NLĐ đề nghị được thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo hình thức gián tiếp qua email cũng sẽ được Trung tâm hướng dẫn thực hiện.

Tại TP.HCM, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm DVVL TP đã thông báo tạm dừng tiếp nhận trực tiếp các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 10/5/2021. Đồng thời, hướng dẫn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, thông báo có việc làm (chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp)… gửi theo đường bưu điện bằng thư đảm bảo đến các điểm tiếp nhận.

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm đã hướng dẫn để NLĐ ở tại nhà hay đang ở trong các khu phong tỏa vẫn có thể hoàn thiện thủ tục trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm. Trong trường hợp NLĐ đến thời hạn cuối của 3 tháng (kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc) nhưng đang ở khu phong tỏa có thể liên hệ đường dây nóng của Trung tâm để được xử lý linh động. Trung tâm sẽ hoàn thiện hồ sơ giúp NLĐ nhận trợ cấp kịp thời. Đại diện Trung tâm DVVL TP cho hay.

Hiện tại 15 sàn giao dịch vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Hiện tại 15 sàn giao dịch vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chuyển sang hoạt động trực tuyến.

Cùng với Hà Nội và TP.HCM, Trung tâm DVVL các tỉnh, thành như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Bình,  Đà Nẵng… đều tạm dừng giao dịch trực tiếp về việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ tiếp nhận qua hình thức thư đảm bảo qua dịch vụ bưu chính công ích, thư điện tử đối với các trường hợp: nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; trả quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trường hợp lao động nhận quyết định); thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng; thông báo về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp... 

Để người lao động và doanh nghiệp được đảm bảo quyền lợi và được hỗ trợ tốt nhất, trong thời gian tới, hệ thống trung tâm DVVL của ngành LĐ-TB&XH vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của NLĐ, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ y tế. Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm giải quyết thủ tục TCTN và mọi quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.