| Hotline: 0983.970.780

Đầm Hà thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Ba 17/08/2021 , 11:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Với mục tiêu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Với hơn 21 km bờ biển, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500 ha, mặt biển hơn 12.000 ha, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) xác định phát triển thuỷ sản là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao. 

Tiêu biểu là khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao Việt Úc Quảng Ninh tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà do Tập đoàn Việt Úc làm chủ đầu tư có quy mô gần 170 ha, bao gồm: Khu sản xuất tôm giống; khu sản xuất tôm bố mẹ; khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính; khu trình diễn các quy trình nuôi; khu thu hút và lan tỏa các công nghệ cao trong ngành tôm và thủy sản.

Tập đoàn Việt Úc phấn đấu trong năm 2022 nâng công suất sản xuất tôm giống lên 2 tỷ con. Ảnh: Tiến Thành.

Tập đoàn Việt Úc phấn đấu trong năm 2022 nâng công suất sản xuất tôm giống lên 2 tỷ con. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2020, 24 trại giống của Tập đoàn Việt Úc sản xuất 650 triệu con tôm giống, trong đó 70% cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong năm 2021, các trại giống sẽ sản xuất 1 tỷ con giống. Tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã cung cấp trên 700 triệu con giống cho thị trường các tỉnh phía Bắc.

Việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như chủ động sản xuất cung cấp con giống thủy sản nuôi sẽ tạo cơ hội lớn giúp Đầm Hà mở rộng quy mô vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế từ các mô hình này và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bên cạnh đó, trong sản xuất lâm sản, huyện chú trọng đầu tư vào vùng trồng quế tại 2 xã là Quảng An và Quảng Lâm. Quy mô vùng trồng quế tập trung đã nhân rộng được hơn 2.000 ha. Hiện nay, vùng trồng quế không chỉ sản xuất lấy vỏ xuất khẩu mà còn được huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu chiết xuất từ cành và lá cây quế để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế. Cùng với đó, huyện định hướng xây dựng vùng trồng quế tập trung sớm được công nhận trồng theo quy trình hữu cơ.

Đối với chăn nuôi, huyện thúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao do Công ty TNHH Thái Bình Dương đầu tư tại xã Dực Yên (quy mô 90.000 con lợn thương phẩm/năm; 2.600 con lợn nái/năm). Bên cạnh đó, tỉnh đã chính thức đồng ý cho Tập đoàn TH lập quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến sữa và trang trại bò sữa công nghệ cao, quy mô 300 ha.

Gà bản Đầm Hà là sản phẩm OCOP đạt 4 sao ngay từ lần đầu tiên đăng ký. Ảnh: Tiến Thành

Gà bản Đầm Hà là sản phẩm OCOP đạt 4 sao ngay từ lần đầu tiên đăng ký. Ảnh: Tiến Thành

Ngoài ra, huyện Đầm Hà cũng tập trung hỗ trợ HTX Hiền Tuyền (xã Quảng Tân) phát triển thương hiệu gà bản, xây dựng nhãn hiệu tập thể (sản xuất giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo quy mô 80.000 - 100.000 con giống/năm).

Các vùng sản xuất rau an toàn, tiêu biểu như trồng dưa lưới trong nhà kính của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (xã Quảng Tân) và mô hình trồng dưa lưới kết hợp cây măng tây tại xã Đại Bình; phát triển cây ăn quả có múi như cam, bưởi cũng được hỗ trợ mở rộng quy mô hơn trước.

Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, huyện đang đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cung cấp nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài tập trung quy hoạch, huyện ưu tiên quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện sẽ được địa phương hỗ trợ tối đa về các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết nối hạ tầng.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.