| Hotline: 0983.970.780

Đàm Liên và 2.000 đêm với ông già cõng vợ

Thứ Hai 08/10/2007 , 21:35 (GMT+7)

"Khi bắt đầu có vai, NSND Ngọc Phương nói, vai này chỉ có Đàm Liên là đảm nhận được. Tôi nghĩ ông ấy nói xỏ tôi vì tôi lấy chồng già (nhạc sỹ Vĩnh An hơn Đàm Liên gần 20 tuổi). Tôi nhận vai diễn này như có giông tố trong lòng vậy, bao nhiêu nghi ngờ và buồn tủi"...

Đây là câu chuyện của người được mệnh danh là Bà hoàng của sân khấu tuồng, người đã đi vào kỉ lục VN với mấy ngàn đêm khóc cười với vai diễn để đời Ông già cõng vợ đi xem hội.

Vai diễn đầy nước mắt... 

Tôi bắt đầu với tuồng từ cái gien của ông ngoại. Ông cụ có gánh hát Bầu Leo, mẹ tôi là đào Cúc. Khi tập kết ra Bắc, mẹ không theo nghiệp của ông ngoại nữa. Tôi được gửi học ở trường học sinh miền Nam. Ban đầu tôi không nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên tuồng; xem tuồng tôi thường nói “trời, sao tuồng hét to thế, sao vẽ mặt sợ thế”.  
 
Thế rồi, cuộc đời tôi rẽ sang tuồng một cách tự nhiên như số mệnh. Năm 14 tuổi, tôi có may mắn diễn vai Trưng Trắc cho Bác xem và chính vai đó mà sau này khi đưa tôi đi tham quan khu vườn của Bác, đồng chí Vũ Kỳ đã nói đùa: “Cô Trưng Trắc của Bác Hồ”. Vai diễn này tôi cũng đã từng nhiều lần diễn cho cố tổng bí thư Lê Duẩn.
 
Vai Bà Huyện trong Nghêu, Sò Ốc, Hến cũng là một thành công của tôi. Tuy nhiên, vai diễn để lại nhiều ấn tượng cho công chúng lại là Ông già cõng vợ đi xem hội. Vai diễn ấy đắp lên cho tôi một sự sống, sự nổi tiếng và trăn trở với nghề. Gần đây, cuốn Chuyện lạ Việt Nam cũng đưa sự kiện về mấy ngàn đêm diễn vai này của tôi.
 
 
Quả thật, đây cũng là vai diễn đầy máu và nước mắt. Hai chân tôi đi mòn biết bao sân khấu với vai này.
 
Khi bắt đầu có vai, NSND Ngọc Phương có nói, vai này chỉ có Đàm Liên là đảm nhận được. Tôi cho rằng, ông ấy nói xỏ mình vì tôi lấy chồng già (nhạc sỹ Vĩnh An hơn Đàm Liên gần 20 tuổi). Tôi đã khóc rất nhiều và quyết không nhận vai. Chồng tôi động viên rằng chắc không phải như vậy vì người ta thấy em có khả năng thôi.
 
Tôi nhận vai diễn này như có giông tố trong lòng vậy, bao nhiêu nghi ngờ và buồn tủi. Nhưng khi đã nhận vai rồi, tôi tập rất hăng say, vì chưa có ai diễn vai này nên phải tự mày mò sáng tạo. Trong vai, có hai giọng, ông già và cô gái, làm thế nào để thể hiện đây? Tôi học tiếng ông già qua tiếng cười ồm ồm của chồng.
 
Nhưng làm sao thể hiện được các động tác cho tốt. Vậy là khi mẹ tôi sang nhà chơi, tôi bảo mẹ đứng lên ghế và cõng thử. Lúc đó, mẹ tôi cũng mập lắm nên cõng cứ tụt xuống, tụt xuống tôi lại sốc lên và đôi chân thì run run. Tôi mừng quá, có cách diễn đây rồi. Tôi nghĩ ra rằng mình phải chia người thành hai phần, nửa người trên là cô gái, nửa người dưới là ông già...
 
... và những chuyến đi cô đơn
 
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn khổ lắm. Chồng tôi không được đi sáng tác nhiều. Không thể sống bằng đồng lương, tôi vươn ra ngoài, hồi đó tôi còn đang rất nổi với Ông già cõng vợ đi xem hội, Bà huyện đánh ghen trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Mỗi lần đi diễn đâu đó tôi phải nói dối rất gở, rất độc là cháu ở trong Nam ra mổ hoặc người nhà mất, lấy cớ để được đi.  
 
Tôi tự đến với khán giả, tự tìm khán giả, lập nên một nhóm bung ra đi diễn khắp nơi, tới các câu lạc bộ để biểu diễn. Đễn nỗi mẹ tôi đã bị kiểm điểm vì con gái cứ mượn phục trang của nhà hát. Nhưng tôi vẫn đi vì nghĩ mình không làm gì sai cả.  
 
Đàm Liên và vai diễn để đời Ông già cõng vợ đi xem hội.

Riêng Ông già cõng vợ đi xem hội hơn hai ngàn đêm nhưng nhà hát đâu có biết rằng, một ngày tôi diễn tới 4 tăng. Tôi đi liên hồi đến mức những người xung quanh nói: trời ơi, cứ diễn như thế này thì chết.
 
Rồi có lần bầu sô còn đến tận nhà chở đống trang phục của tôi đi trước để tôi rơi vào thế "đã rồi" mà nhận sô đó. Diễn với chèo, diễn tạp kỹ, chỗ nào mời là tôi có mặt. NSND Trần Hiếu có lần đi diễn cùng cũng đứng trong cánh gà giới thiệu tiết mục hộ tôi.
 
Năm 1979, tôi cùng 5 người của chèo, kịch câm đi diễn tại Lạng Sơn, đông bạt ngàn người. Rồi đi ra đảo, trên một chiếc thuyền bé tưởng như lật ngay được. Tôi đâu phải chỉ đến với những chỗ sung sướng. Đó là điều để khán giả nhớ đến tên một Đàm Liên.  

Đã có lúc, có người hỏi tôi, nếu trở lại tuổi 18, có theo tuồng nữa không? Tôi trả lời, nếu câu hỏi này được đặt ra vài chục năm trước, có lẽ tôi sẽ trả lời không. Nhưng vào thời điểm này thì ngược lại vì tuồng đã ăn vào máu thịt tôi rồi. Tôi đã trả lời bằng con tim nóng hổi của mình như vậy.

Nghệ sĩ nhân dân Đàm Liên, tên thật là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại tỉnh Phú Yên. Là nghệ sĩ đoàn Tuồng dân ca khu 5 (1958), Nghệ sĩ nhà hát tuồng Việt Nam (1975). Chức vụ từng làm: Uỷ viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Sân khấu (1984 – 1989); Uỷ viên Ban chấp hành UNESCO Việt Nam (1996); Đoàn trưởng Đoàn tạp kỹ UNESCO; Trưởng đoàn bảo tồn, nghiên cứu & phát huy văn hoá dân tộc. Trong sự nghiệp, bà đã được trao 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp; Huy chương vàng “Tiếng cười đầu tiên”; Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Bà từng biểu diễn ở nhiều nước như Nga, Bun-ga-ri, Ba-lan, Ý, Đức, Pháp, Hà-lan, Tây Ban Nha, Ai-cập, Thái Lan, Ấn Độ v.v…

"Chồng tôi già nhưng hay lắm"

Cuộc sống của tôi là sự nỗ lực vươn lên và may mắn là con đường tình thì đầy hoa thơm.

Tôi trân trọng những tháng ngày hạnh phúc bên chồng dù cuộc sống có nhiều khó khăn khi anh ấy còn sống. Hồi đi Đức diễn, có mấy người đàn ông rất mê tôi cứ bảo để cõng tôi ra diễn, rồi theo đuổi tôi nói bỏ chồng ở lại. Nhưng làm sao tôi bỏ được chồng con, quê hương.

Chồng tôi già nhưng hay lắm, trẻ làm sao bằng được dù người ta cứ trêu, cõng chồng đi chơi kìa.

Tôi chỉ có một cô con gái duy nhất học guitar ở nhạc viện. Tôi nói con gái theo tuồng, nó trả lời, có hát cũng không thể bằng mẹ, vậy thì theo tuồng làm gì.

Rồi cứ tưởng con gái theo nghiệp nhạc của cha. Vậy mà không, nó rẽ sang một con đường khác, không khắc khoải với nghệ thuật nữa. Có lẽ thế cũng là điều may.

Giờ đây, tôi sống một mình trong căn nhà rộng với đầy đủ tiện nghi. Nhưng người bạn đời trăm năm đầu gối tay ấp đã bỏ tôi đi từ năm 94. Con gái duy nhất theo chồng vào Vũng Tàu sinh sống. Tôi sống trong sự khao khát, người xưa như một cái bóng lớn, bóng đi đến đến đâu thì tôi đi đến đấy, đi đến rồi bóng lại biến mất. Tôi cứ rượt theo. Điều ấy làm cho tôi luôn trẻ trung, khao khát.

Sau đêm diễn về nhà, tôi vẫn thấy xung quanh là những người bạn, người chồng của mình. Tôi không bị hẫng hụt vì bên cạnh tôi là rất nhiều con người chung sống, sẻ chia với tôi, bạn bè, học trò, nhiều lắm…

Theo VTC

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.