| Hotline: 0983.970.780

Dân đổ xô trồng sầu riêng khi giá bán tăng, rủi ro tiềm ẩn

Thứ Năm 15/06/2017 , 08:15 (GMT+7)

Qua tìm hiểu ở một số chủ vườn và chủ vựa cây giống sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy, do nhu cầu thị trường tăng cao, nguồn cung không đủ cầu, đã đẩy giá sầu riêng lên cao. Giá cao khiến người dân lại đổ xô trồng sầu riêng.

Hai giống sầu riêng đang được trồng phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước là giống sầu riêng Thái (Monthong) và Ri6.

22-02-24_nh-1
Ông Vũ Văn Nàm (huyện Chơn Thành, Bình Phước) vui mừng với những trái sầu riêng “ngọt” của gia đình trong mùa vụ năm nay

Năm nay giá cây giống tăng gấp 2 lần so với năm ngoái và gấp 4 lần so với 3 năm trước đây, nhưng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, loại giống sầu riêng ghép 2 năm tuổi có giá từ 120.000 - 130.000 đồng/cây, thậm chí có nơi bán với giá 140.000 đồng/cây, tăng 60.000 đồng/cây so với năm 2016. Đối với giống sầu riêng ghép gần 1 năm tuổi có giá từ 45.000 - 50.000 đồng/cây, tăng 25.000 đồng/cây so với năm 2016.

Là một chủ cơ sở giống, trước nhu cầu lớn của thị trường về giá sầu riêng năm nay, anh Đặng Ngọc Tuân (xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước) chia sẻ: “Từ đầu mùa đến nay bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi xuất bán cho người dân từ 800 đến hơn 1.000 cây giống sầu riêng. Cơ sở tiếp tục mua giống để cung ứng cho thị trường, bởi nhu cầu trồng trong năm nay sẽ tiếp tục tăng”.

Ông Trương Văn Đảo, hiện đang có 8ha sầu riêng với 20 năm kinh nghiệm trồng được mệnh danh là “Vua sầu riêng” của Bình Phước cho biết, sầu riêng từ khi trồng đúng quy trình, sau 3 - 4 năm tuổi cho thu hoạch, 5 - 7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Năm 2017, trung bình 1ha sầu riêng có thể đạt 15 - 20 tấn quả/năm. Với giá cả vẫn giữ cao như hiện nay, người trồng sầu riêng trừ chi phí cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Do giá trái sầu riêng năm nay tăng cao khiến người dân đua nhau mua giống để trồng chuyển đổi dần hoặc trồng xen trong các vườn điều già cỗi, vườn cà phê thất thu… Nhu cầu quá lớn so với những vựa giống trên địa bàn tỉnh hiện có, giá cây giống tăng cao là tất yếu.

22-02-24_nh-2
Ông Trương Văn Đảo chia sẻ về sự thay đổi giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước mùa vụ năm nay

Anh Trần Văn Ánh (ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cũng đang tất bật mua cây giống sầu riêng để trồng xen hơn 1ha điều già cỗi chia sẻ: “Để có giống sầu riêng tôi phải xuống các tỉnh miền Tây tìm mua thêm nhưng vẫn phải chờ, vì các tỉnh này cũng khan hiếm do ảnh hưởng của tình hình ngập mặn”. 

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) có gần 2ha cà phê già cỗi đã hơn 10 năm tuổi, năng suất thấp nên ông chuyển sang trồng xen cây sầu riêng. Mặc dù giá giống sầu riêng quá cao nhưng ông Hưng vẫn đầu tư trồng. Ông tính rằng, nếu chuyển đổi 2ha cà phê sang trồng chuyên canh sầu riêng, chỉ sau 3 năm khu vườn của ông có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tăng dần qua các năm sau.

Giá sầu riêng tăng cao về trái ăn lẫn giống cây trồng là niềm vui mừng của người trồng sầu riêng. Nhưng người dân đua nhau mua giống để trồng một cách ồ ạt, sau 3 - 4 năm nữa chưa chắc họ được hái quả ngọt, nếu giá cả xuống thấp...

Ông Vũ Văn Nàm (ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước) cho biết: Vào thời điểm hiện nay, sầu riêng đang bước vào giai đoạn chính vụ, thương lái mua tại vườn với sầu riêng chín là 60 ngàn đồng/kg và sầu riêng già sống 40 ngàn đồng/kg. Giá này gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Còn giá sầu riêng đang được bán ngoài thị trường có giá từ 70 - 80 ngàn đồng/kg.

Giá tăng cao do sầu riêng và nhiều loại trái cây ở ĐBSCL mất mùa do biến đổi khí hậu.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất