| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo sập bẫy tín dụng đen: [Bài 2] Cầm cố đất, bán điều non trả nợ

Thứ Ba 24/09/2019 , 08:44 (GMT+7)

Mỗi năm lại có vài chục gia đình đồng bào DTTS ở các xã biên giới thuộc huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước từ nghèo thành trắng tay sau khi “dính” vào tín dụng đen.

Một “kịch bản” chung cho tất cả, là vay lãi nặng, chỉ một thời gian ngắn, hết khả năng trả, phải cầm cố đất, hoặc bán điều bông.
 

Từ nghèo thành... trắng tay!

Trước đây, gia đình bà Thị Pang ở thôn Bù Nga, có 6 sào đất vườn, toàn bộ nguồn sinh kế của gia đình trông vào mảnh vườn này. Năm 2010, do cần tiền mua sắm và trả nợ nên gia đình bà đã bán hết đất. Từ đó đến nay, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo “bền vững” vì không có đất sản xuất và việc làm ổn định.

11-12-09_nh_2
Nhiều gia đình từ chủ vườn điều trở thành người nhặt điều thuê sau khi phải cầm cố, bán vườn điều cho chủ nợ.

Hiện tài sản gia đình ngoài căn nhà lợp tôn rộng 50m2 thì không có gì đáng giá. Bà có 8 người con, trong đó 6 người đã lập gia đình ra ở riêng, còn 2 con gái đang ở chung với mẹ. Các con của bà chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ học đi làm thuê kiếm sống. Bà Thị Pang thường xuyên đau ốm, bệnh tật nhưng vẫn phải đi làm lo ăn từng ngày.

Tương tự, gia đình bà Thị Hơ (1948, thôn Bù La, xã Bù Gia Mập) từng khá giả khi có đến 6 ha điều đang thu hoạch. Chẳng may chồng bà đổ bệnh, phải vay mượn tiền chữa trị, vay riết không có tiền trả, bà bán 3 ha lấy tiền trang trải. Nhưng rồi khó khăn vẫn không chịu buông tha, bà lại bấm bụng bán điều bông (điều non) toàn bộ diện tích còn lại với số tiền 30 triệu đồng/năm, thời hạn 5 năm. Nhưng mới được 1 năm, bà đã phải nhượng lại toàn bộ diện tích đất để lấy tiền chữa bệnh cho chồng và trả nợ. Từ đó đến nay, bà Thị Hơ thuộc hộ nghèo và phải ở nhờ nhà con gái.

Tại các xã thuộc huyện Bù Đăng, tình trạng vay lãi nặng, bán điều non, cầm cố, bán đất cũng nhan nhản khắp nơi.

Chỉ tay ra vườn điều sau nhà, ông Điểu Riên ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng, nói như mếu: “Hết gạo ăn, hết tiền mua gạo luôn, thì phải vay thôi. Mà ai cũng nghèo, chẳng có tiền giúp cho mình vay đâu. Người ta mang tiền đến cho mình vay, bảo giúp mình, lãi ít, nên vay 10 triệu. Rồi nó đến nó bảo tiền lãi, tiền vay tổng cộng 30 triệu rồi, làm sao trả đây? Thế là nó bảo không có tiền thì bán điều bông cho nó, nợ 30 triệu thì phải bán trong 10 năm mới đủ”.

Theo tìm hiểu, diện tích điều mà ông Điểu Riên bán trong 10 năm cho chủ nợ là gần 2 ha. Tính ra, mỗi năm trừ 3 triệu. Một loạt hộ khác ở gần nhà ông Điểu Riên cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Một lãnh đạo xã Đường 10 phân tích: “Nếu đã vay tín dụng đen, lãi suất cao thì khó thoát ra lắm. Mất đất, bán điều non chỉ là một sớm một chiều mà thôi. Vì bà con vay tiền không phải để đầu tư sản xuất, mà vay để chi phí, tiêu dùng. Nên tiêu hết tiền thì thôi, làm gì có nguồn mà trả? Không có gì để bán ngoài đất, trên đất cũng chỉ duy nhất cây điều cho thu nhập, nên năm sau, tình trạng túng thiếu lặp lại, buộc lòng phải bán điều bông, và chuyện bán đứt vườn điều cũng dễ hiểu. Việc ngăn chặn bà con dính vào tín dụng đen rất khó, vì chủ nợ và người dân họ giao dịch âm thầm, đến khi vỡ lở ra thì hậu quả đã rất nặng nề, khó giải quyết”.

11-12-09_nh_1_1
Ông Điểu H., thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập: “Tôi vay 270 triệu, giờ lên 700 triệu rồi, không trả nổi, mấy người xăm mình đến nhà đòi hoài”.

Tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, theo thống kê sơ bộ của UBND xã, có ít nhất 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người M’nông và S’tiêng) bán điều non, tổng diện tích hơn 110 ha, thu số tiền hơn 7,2 tỉ đồng. Hầu hết được bán trong thời gian từ 2 - 6 năm, cá biệt có hộ bán thời hạn 17 - 20 năm. Điển hình như hộ anh Đ.T. ở thôn Sơn Tùng, bán 3 ha, thời hạn 17 năm, giá 90 triệu đồng, hộ anh Đ.M.B bán gần 6 ha và anh Đ.Q. bán 2,2 ha cùng thời hạn 20 năm với giá 400 triệu đồng.

Một lãnh đạo xã Thọ Sơn cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bán điều non và bán rẫy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do bà con không biết tính toán làm kinh tế. Ban đầu một vài hộ vay tiền chi phí, tiêu xài. Hàng xóm thấy vậy, lân la hỏi thăm, nghe vay tiền dễ, cũng muốn có tiền xài, thế là làm theo. Nhiều trường hợp bị dụ vay tiền sắm sửa, mua xe, nhưng không có kiến thức, cuối cùng mua phải xe cũ, kém chất lượng”, vị này cho biết.
 

Chiêu trò lách luật

Những năm gần đây, tình trạng tranh chấp hợp đồng thầu khoán vườn điều, vay tài sản trên địa bàn xã Bù Gia Mập diễn ra phức tạp. Năm 2017, ông Điểu Len ở thôn Bù Rên và ông Điểu Truan, ở thôn Bù Nga đã sang nhượng vườn điều của gia đình để trả nợ. Trong khi diện tích này đã cho người khác thuê từ năm 2014, thời hạn 10 năm. Đầu năm 2019, giữa bên nhận chuyển nhượng và bên thầu xảy ra tranh chấp căng thẳng.

Ông Điểu Beo ở thôn Bù Nga, thế chấp 3 ha điều của gia đình để vay bà Thị Nhung ở cùng thôn, số tiền 170 triệu đồng, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/tháng (mỗi tháng trả 850 ngàn đồng lãi). Trong khi diện tích này ông Beo đã cho người khác thầu từ trước. Đến hạn, ông Beo không có tiền trả nợ nên bà Nh. vào vườn điều canh tác và đã xảy ra tranh chấp với người thầu vườn. Vụ việc được đưa ra UBND xã nhưng không thành nên UBND xã hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa.

11-12-09_nh_6
Sổ đỏ, giấy tờ cá nhân của người dân cầm cho chủ nợ bị cơ quan công an thu hồi sau khi xác dịnh dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi.
Năm 2017, ông Điểu Mách ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, cầm cố sổ đỏ khu đất 5,8 ha để vay ngân hàng 700 triệu đồng. Đến hạn trả nợ nhưng không có tiền trả, ông Mách vay nóng 750 triệu đồng. Sau khi trả nợ, ông xin vay lại nhưng không được. Ông Mách được con gái là chị Thị Nhung, giới thiệu vay 1,5 tỷ đồng của ông Lê Văn T. ở TP Đồng Xoài. Tài sản thế chấp là sổ đỏ 5,8 ha đất. Tuy nhiên, ông Mách chỉ nhận được 250 triệu đồng trong tổng số tiền vay. Hỏi ra mới biết, do con gái ông là Thị Nhung thiếu nợ một người ở Phước Long, nên đã bị cấn trừ!

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Bù Gia Mập, tính đến đầu tháng 8/2019, chỉ riêng xã Bù Gia Mập đã có 156 hộ cầm cố hơn 284 ha đất với số tiền gần 24 tỉ đồng, 45 hộ sang nhượng 72,9 ha đất, 19 hộ bán điều non trên diện tích 25,5 ha, hơn 100 hộ vay tín dụng đen hơn 12 tỉ đồng. 

Bình quân mỗi năm có khoảng 15 vụ tranh chấp liên quan đến vay nặng lãi. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã giải quyết 5 vụ tranh chấp.

Điều đáng mừng là khi nhận đơn, UBND xã đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã và cấp ủy, ban điều hành thôn xác minh, lập tổ hòa giải. Và kết quả là gần 70% số vụ hòa giải thành công.

Ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, trên thực tế rất nhiều hộ dân đã cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi bằng nhiều hình thức.

“Nguyên nhân khiến tình trạng vay nặng lãi không những không giảm mà trái lại, là do mấy năm nay giá nông sản xuống thấp, một số cây trồng mất mùa, người dân không có tiền để trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, đồng bào DTTS có thói quen mỗi khi nhà có cưới hỏi, ma chay, lễ tết, cúng kiếng… là làm tiệc lớn, nên dù không có cũng đi vay.

Trong khi đó, nhận thức của đồng bào chưa cao, các đối tượng chuyên cho vay lợi dụng điều này, đến dụ dỗ người dân vay tiền với cách tính lãi ngày, trả góp, khi không có tiền trả thì "siết" đất. Việc cầm cố đất, bán điều non, bán đất chủ yếu là thỏa thuận miệng hoặc viết giấy tay, không hề có công chứng, nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Ngoài ra, còn có tình trạng các chủ nợ cho vay lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường ghi số tiền lớn hơn số thực nhận và lãi suất chỉ nói miệng chứ không ghi trong giấy để lách luật.

“Các đối tượng cho vay nặng lãi bất chấp thủ đoạn, lợi dụng đồng bào thiếu hiểu biết, dễ tin, dụ dỗ họ vay lãi cao, rồi dụ họ cầm cố, bán đất, bán điều non. Chính quyền địa phương không thể biết hết mọi chuyện xảy ra hàng ngày, trong từng gia đình, trong khi các đối tượng cho vay dùng chiêu trò để lách luật, nên khi phát hiện ra, rất khó xử lý”, ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.