| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo sập bẫy tín dụng đen: [Bài 1] 'Bẫy' lãi ngày

Thứ Hai 23/09/2019 , 09:31 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, tín dụng đen đã “tung hoành” ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, đẩy hàng trăm gia đình nghèo đến chỗ trắng tay, nợ nần chồng chất. Chính quyền biết, nhưng khó quản, vì nhiều nguyên do.

11-12-11_nh_5
Hầu hết những người dính bẫy tín dụng đen đều thuộc thành phần cực nghèo (Ảnh chụp ngôi nhà anh Điểu Gu, thôn Bù, xã Bù Gia Mập).

Đủ chiêu trò

Xã Bù Gia Mập, huyện biên giới Bù Gia Mập, có hơn 70% là đồng bào DTTS, ít hiểu biết, dễ tin và không giỏi tính toán. Thu nhập chính nhờ mấy cây nông sản dài ngày như cao su, điều, tiêu, cà phê... Mấy năm nay, cao su, tiêu rớt giá thê thảm, điều mất mùa, đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi có dịp tung hoành.

Đón khách vào căn nhà nhỏ xíu, cũ mốc ở thôn Bù Nga, ông Điểu Phăn, 50 tuổi, nói: “Nhờ nhà báo nói giúp, vợ chồng tôi vay người ta có 160 triệu, mà giờ thành 1,6 tỷ rồi, không trả nổi đâu. Người ta đến đòi hoài mà không trả được. Lãi cao quá”.

Hỏi ra mới biết, cách đây 3 năm, ông Điểu Phăn vay 160 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày của bà Thị Nhung ở cùng thôn. Tính ra lãi suất 12%/tháng, và 144%/năm. Thời gian đầu, cứ mỗi 10 ngày, bà Nhung thu tiền lãi 1 lần, một thời gian sau, vợ chồng ông không còn khả năng trả lãi.

Vậy là số lãi này được cộng dồn vào tiền gốc. Đến nay, số tiền gốc ông Điểu Phăn nợ bà Nhung đã lên đến 1,6 tỷ đồng. “Bà ấy bảo vay 1 triệu trả lãi có 4 ngàn đồng 1 ngày thôi, ít lắm. Lúc cộng lại tổng số tiền lãi hàng tháng mới nhiều”, ông Điểu Phăn nói.

Một trường hợp khác phải vay với lãi suất lên tới 15%/tháng (5.000 đồng/1 triệu/ngày) là chị Thị Lợi, ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Do cần tiền đầu tư vườn điều và chi phí sinh hoạt trong gia đình, chị vay của bà Thị Nhung 50 triệu, đến hạn trả gốc, chị không trả có tiền trả nên tiếp tục vay của bà Nhung để trả nợ trước. Đến nay, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi chị phải trả cho bà Nhung lên đến 790 triệu đồng.

Chị Lợi thật thà cho biết, chị không hiểu cách tính lãi, chỉ nghe nói lãi ngày có mấy ngàn đồng 1 triệu thôi nên cứ nghĩ ít. “Bà ấy giới thiệu thì vay thôi, cả thôn mình đều vay của bà ấy mà. Bà gặp tôi, nói chị ơi em có chỗ này vay tiền, ai cần tiền làm việc riêng trong gia đình thì em giới thiệu vay, nếu không có trả gốc thì trả lãi cũng không sao. Nó nói như thế thì vay, cứ 10 ngày nó cộng lãi, trả một lần. Bây giờ không có tiền trả, người ta lấy mất rẫy thì chết đói”, chị Lợi nói.

Đi một vòng quanh các thôn trong xã Bù Gia Mập, sơ sơ đã có hơn chục người vay tiền của bà Thị Nhung. Vay từ 60 triệu đến 270 triệu, nay số nợ cộng cả lãi ít nhất như gia đình ông Điểu Blur, vay 60 triệu, nay thành 250 triệu đồng, chị Thị Chơi, ở thôn Bù Rên, tròn 1 tỷ đồng, hay chị Thị Veng, ở thôn Đắk Á, vay 160 triệu, nay cộng cả lãi đã lên tới 929 triệu đồng, ông Điểu Hoi, vay 270 triệu, nay thành 748 triệu…

11-12-11_nh_6
Danh sách các hộ vay tiền lãi suất cao

Tuy nhiên, theo UBND huyện Bù Gia Mập, bà Thị Nhung, người cho các hộ dân trong xã vay tiền, cũng đang là một nạn nhân. Cụ thể, số vốn bà Nhung cho vay cũng được bà đi vay của người khác, rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Nhưng người dân vay rồi không có khả năng trả, khiến bà Nhung chưa kịp “hưởng” bao nhiêu lãi vay, đã bị chủ nợ đòi ráo riết  

Vay "đứng", vay trả góp

Đi dọc các tuyến đường liên ấp, liên xã thuộc các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng của tỉnh Bình Phước, đâu đâu cũng bắt gặp những tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp dán khắp nơi, từ cột điện, gốc cây, đến các bức tường công trình công cộng, bến xe…với thông tin vô cùng hấp dẫn về hạn mức cho vay, thời gian giải ngân và thủ tục dễ dàng, nhanh gọn...

Theo đó, người vay tiền không cần thế chấp tài sản, không cần chứng minh thu nhập, chỉ với 1 chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu là có thể được vay tiền... 

Chị Thị Hoa, ở xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, có hoàn cảnh khó khăn, không có đất canh tác, chồng chị đi làm thợ hồ, chị ở nhà trông con nhỏ, lúc rảnh rỗi ai thuê gì làm nấy. Tháng 12/2018, con chị bệnh nặng phải nằm viện, chị không biết chạy đâu ra tiền, nên liều gọi vào số điện thoại tờ rơi quảng cáo cho vay dán trên cột điện.

 Sau đó, có 2 thanh niên tìm đến nhà chị, ngó nghiêng qua chỗ ở, hỏi vài câu rồi gật đầu cho chị vay 5 triệu, mỗi ngày phải góp cả tiền gốc và lãi là 20 ngàn đồng, trong 30 ngày. Ngoài ra, chị còn phải trả thêm 5% tổng tiền vay mà các đối tượng cho vay giải thích là phí dịch vụ (xăng xe, tiền nước, tiền công, phí làm hồ sơ vay).

Tương tự, một loạt “con mồi” khác dính bẫy vay “ưu đãi” với lãi suất cắt cổ bằng hình thức trả góp hàng ngày như bà Hai ở xã Thiện Hưng, ông Điểu Tuấn, bà Thị Hằng, ở xã Hưng Phước…“Tôi vay 5 triệu đồng, mỗi ngày phải trả 250 ngàn đồng cả gốc lẫn lãi, thời hạn vay 24 ngày. Hôm đầu tiên nó nói phải đóng thêm 5% phí dịch vụ nữa”, bà Hằng cho biết.

11-12-11_nh_3
Những tờ quảng cáo vay trả góp dán khắp nơi.

Sau khi nắm, công an tỉnh Bình Phước phối hợp Công an huyện Bù Đốp vào cuộc điều tra, phát hiện 1 nhóm gồm 4 đối tượng thường xuyên cho vay lãi nặng tại địa bàn huyện Bù Đốp và lân cận, gồm: Lê Văn Thuận, Phạm Minh Quế, Trần Văn Hoan, và Nguyễn Văn Giang, (đều sinh từ năm 1992 đến 1995, và cùng quê Ninh Bình).

Theo một điều tra viên công an huyện Bù Đốp, các đối tượng sau khi tìm hiểu và nắm chắc “con mồi”, chấp thuận cho vay bằng hình thức “trả góp”. Theo đó, tổng số tiền vay sẽ chia đều cho số ngày vay cộng lãi và trả hàng ngày cả gốc lẫn lãi. Thời hạn cho vay từ 20 - 41 ngày.

Ngoài ra khách hàng phải chịu 5% tổng số tiền vay cho cái gọi là phí dịch vụ, gồm xăng xe, tiền nước, tiền công, phí làm hồ sơ vay. Khi đưa tiền cho khách, nhóm đối tượng này sẽ thu trước 1 ngày góp đầu tiên và tiền phí. Theo cách tính này, mức lãi suất các đối tượng này đưa ra là khoảng 20%/tháng, tức 240%/năm!

Một hình thức cho vay khác là vay tiền đứng, tức chỉ phải trả tiền lãi hàng ngày, còn tiền gốc khi đến hạn mới trả đầy đủ. Với hình thức này, khách được vay trong thời hạn 2 - 15 ngày. Nếu người vay 1 triệu đồng thì hàng ngày sẽ trả lãi 15 ngàn đồng. Khách hàng cũng phải trả thêm 5% phí dịch vụ.

Khi đưa tiền cho khách, nhóm đối tượng này sẽ thu trước 1 ngày lãi đầu tiên và tiền phí. Nếu hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà người vay chưa trả tiền gốc thì nhóm đối tượng sẽ làm hợp đồng mới, đóng lãi và đóng phí tương tự lần vay đầu tiên (đáo hạn). Lúc này, lãi tương đương 540%/năm!

Xã Bù Gia Mập có 1.597 hộ, trong đó 73% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2018, xã còn 243 hộ nghèo. Năm 2018, toàn xã có 105 hộ cầm cố gần 167ha đất để vay tổng số tiền gần 17 tỷ đồng; 9 hộ bán đất, diện tích 10ha, số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; 14 hộ bán điều non, diện tích 24ha, số tiền 2,13 tỷ đồng; 25 hộ vay nặng lãi.

Theo lãnh đạo xã Bù Gia Mập, số liệu đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Thực tế, vay nặng lãi diễn biến rất phức tạp, còn rất nhiều hộ âm thầm cầm cố, sang nhượng đất, vay tiền mà chính quyền chưa biết. Khi cán bộ xã đến điều tra, thống kê thì họ giấu kín nhưng lúc xảy ra tranh chấp, mới nhờ xã đứng ra giải quyết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.