Tượng Nữ thần tự do đóng cửa ngày 21/1, dự kiến mở lại vào 22/1. Ảnh: Reuters. |
"Nó chẳng ảnh hưởng gì cả, công việc và sinh hoạt của tôi vẫn bình thường", ông Phạm Huy, một người Việt sống ở Hawaii, nói về việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Chính phủ liên bang Mỹ vẫn đóng cửa vào ngày đầu tiên của tuần mới, khi Thượng viện hoãn bỏ phiếu thông qua biện pháp cho phép chính phủ tái hoạt động trong phiên họp cuối ngày 21/1. Cơ quan này bắt đầu đóng cửa từ hôm 20/1 do quốc hội không thể thông qua dự luật ngân sách cho giai đoạn tiếp theo trước hạn chót đêm 19/1. Các cơ quan không quan trọng trong chính phủ Mỹ sẽ ngừng hoạt động, Nhà Trắng, quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc vẫn hoạt động nhưng với ít nhân viên hơn.
Lưỡng đảng Mỹ đang bất đồng về một số vấn đề trong ngân sách 2018, trong đó có người nhập cư. Phe Dân chủ yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2018 bao gồm cả việc bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư không có giấy tờ, tuy nhiên phe Cộng hoà bác bỏ.
Theo ông Huy, ông không quan tâm nhiều đến vấn đề này, giống như hầu hết người dân Mỹ, vì đây là sự bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Việc đóng cửa chính phủ từng xảy ra hồi năm 2013 khi phe Cộng hòa gây áp lực với tổng thống khi đó là ông Barack Obama.
"Là một người kinh doanh, tôi chỉ quan tâm đến các chi phí, thuế và cuộc sống gia đình mình", ông Huy nói.
Đến từ bang Texas, ông Nguyễn Danh Lam, cho biết mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Việc các cơ quan không thiết yếu đóng cửa không ảnh hưởng đến người dân nhiều. Ông Lam đánh giá đây không phải là "sự cố" của Mỹ, mà là cách thức vận hành dân chủ của nước này, tạm gác lại vấn đề ngân sách khi hai đảng chưa thống nhất với nhau.
"Có thể hiểu là tiền vẫn ở trong kho, hai bên vẫn đang thảo luận về cách thức tiêu dùng thôi. Họ vẫn có thể bàn luận tiếp", ông Lam nói.
Trên phạm vi quốc tế, ông Lam nói việc chính phủ Mỹ đóng cửa không có tác động gì, vì thị trường chứng khoán, giá dầu, đồng USD không có biến động lớn.