| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau những mùa màng bội thu

Thứ Năm 20/10/2011 , 10:08 (GMT+7)

Việc lạm dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp tại Trung Quốc đã đạt tới mức báo động đỏ. Dưới đây là báo cáo điều tra mới nhất được thực hiện tại hai tỉnh Vân Nam và Sơn Đông.

* Mỗi năm, nông dân Trung Quốc sử dụng 1,7 triệu tấn thuốc BVTV, 51 triệu tấn phân bón

Phân bón và hóa chất được dự trữ tại một nhà vườn ở vùng Shouguang

Việc lạm dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp tại Trung Quốc đã đạt tới mức báo động đỏ khiến người tiêu dùng hết sức quan ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Dưới đây là báo cáo điều tra mới nhất được thực hiện tại hai tỉnh Vân Nam và Sơn Đông.

Sợ rau nhà mình

Đang có một thực tế dường như rất khó tin là chính những người nông dân ngày càng không muốn tiếp xúc nhiều với các loại rau quả mà họ làm ra hàng ngày để vận chuyển đến những nơi tiêu thụ. Tiêu biểu là tại vựa rau 100 ha được trồng trong nhà lưới hẳn hoi ở Xundian, cách thành phố Côn Minh (Vân Nam) chừng 50km thì các chủ nhân cũng chẳng dám ăn rau của mình làm ra.

Chính ông nông dân He Chengliang ở đây cũng khẳng định: “Hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng và phân bón được sử dụng thoải mái vì buộc phải làm vậy mới mong nhanh được thu hoạch mà cây rau cũng mỡ màng, bắt mắt hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Còn rau xanh hàng ngày của các gia đình thì đã trồng ở một nơi khác không sử dụng bất cứ một loại hóa chất tăng trưởng nào”.

Xu hướng này đang ngày càng phổ biến ở khắp nơi không chỉ bởi nông dân muốn sử dụng chúng để quản lý dịch bệnh, côn trùng gây hại và kích thích tăng trưởng mà vì lợi nhuận trên đồng ruộng. Bất chấp chính quyền từng đưa ra nhiều giải pháp răn đe, kiềm chế thậm chí là ban hành cả lệnh cấm hoặc giới hạn mức độ sử dụng các hóa chất có độ độc hại cao và khuyến khích mở rộng các mô hình nông nghiệp thực hành tốt.

Ông nông dân họ He, 54 tuổi từng trồng rau trên 30 năm ở tỉnh Vân Nam cho hay, hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn đã không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy phân bón cho rau nữa vì nguồn này không đủ lại còn không tiện và rẻ so với sử dụng phân bón hóa học. “Nếu vẫn trồng rau theo lối truyền thống sẽ đội chi phí canh tác và khó đáp ứng được nhu cầu thị trường của các đô thị nên nếu không xài hóa chất thì người tiêu dùng sẽ không có rau ăn”.

Kết quả điều tra do nhà nghiên cứu Jiang Gaoming thuộc Viện Cây trồng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết, trên phạm vi toàn quốc nhu cầu sử dụng các loại thuốc trừ sâu đã tăng từ 700.000 tấn vào năm 1990 lên tới 1,7 triệu tấn (tương đương 30 kg/ha) vào năm 2008. Như vậy, tính trung bình việc sử dụng thuốc trừ sâu trên mỗi ha tại Trung Quốc hiện đang cao hơn từ ba đến năm lần so với các quốc gia khác. Và hiện hàng năm cả nước này có xấp xỉ 90 triệu ha đất canh tác bị ô nhiễm hóa chất.

Trước đó tạp chí Caijing cũng công bố mức độ sử dụng phân hóa học trên cả nước vào năm 1950 mới chỉ là khoảng 10.000 tấn nhưng đến năm 2007, con số này đã nhảy vọt lên mức 51 triệu tấn. Hồi tháng bby vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Wei Chao'an phát biểu tại hội nghị toàn quốc về tỷ lệ tiêu thụ phân hóa học trong ngành nông nghiệp của nước này chiếm 35% thị phần thế giới, tương đương cả hai nước Mỹ và Ấn Độ cộng lại.

"Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề hóc búa từ vấn nạn lạm dụng hóa chất. Nó không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn tổn thương đến hệ sinh thái lâu dài", ông Jiang Gaoming nói.

Ngành kinh doanh béo bở

Theo tập đoàn nghiên cứu kinh doanh quốc tế Freedonia Group, doanh số mặt hàng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp thế giới đã đạt mức 45 tỷ USD vào năm 2009 và dự kiến sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2014 tới. Trung Quốc tiếp tục trở thành “nhân tố lớn nhất” ở cả hai vế là nhà sản xuất và nhà tiêu thụ.

Tính đến năm 2009, quốc gia này đã làm ra trên 2 triệu tấn hóa chất thực vật và xuất khẩu 800.000 tấn. Trong khi đó các loại thuốc trừ sâu hữu cơ đã từng được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia từ những năm 1940 và đang tạo ra một chỗ đứng bền vững trong nền nông nghiệp hiện đại nhưng lại rất khó “tiếp nhận” tại Trung Quốc.

Bà Liu Xiulian, 54 tuổi, làm đại lý bán thuốc trừ sâu và phân hóa học tại thành phố Zibo, tỉnh Sơn Đông cho hay, từ năm 1996 đến nay, gia đình bà chỉ dám ăn rau được trồng trên mảnh vườn 20 m2 của gia đình. Bà Liu cũng tiết lộ việc kinh doanh của mình tốt cả bốn mùa trong năm nhưng “bận rộn” nhất là từ tháng 5 đến tháng 8. Ngoài ra bà còn được các hãng thuốc hỗ trợ đủ thứ phụ trợ nhằm bán hàng được nhiều hơn.

Mặc dù từ năm 1997, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành danh mục cấm sử dụng các loại hóa chất có độc tố cao trong sản xuất đối với nhiều loại thực vật để điều trị dịch hại. Tuy nhiên trên nhiều loại cây trồng như rau xanh, dưa hấu, chè và cây hương liệu để sản xuất thuốc bắc vẫn được phép sử dụng. Bộ này cũng buộc các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón hóa chất phải đăng ký sản phẩm trước khi tung ra thị trường nhưng tính đến cuối năm ngoái, thị trường cả nước vẫn còn tới 14.000 nhãn hàng các loại được sản xuất từ 600 cơ sở. Và dự kiến trong vòng 5 năm tới sẽ tiếp tục cấp phép thêm 7.000 sản phẩm hóa chất nông nghiệp mới.

+ Môi trường lĩnh đủ

Tại nhà lưới trồng dưa chuột của hộ ông Fan Jiude, những bao túi ni-lon nhỏ đựng hóa chất tăng trưởng bị vứt bừa bãi. Trên hướng dẫn sử dụng có in dòng chữ “pha loãng với tỷ lệ 1 thuốc : 15 nước” nhưng ông Fan tiết lộ chỉ dùng có 10 phần nước cho dưa chóng được thu hoạch.

Theo chuyên gia Jiang Gaoming, vấn đề hiện nay là ở “khoảng cách” giữa nhà nước và nông dân. Trong khi chính quyền cứ ra sức kêu gọi chấn chỉnh và tăng cường các biện pháp đối với thực trạng nhưng kết quả trên thực tế vẫn thụt lùi.

+ Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng và Thanh tra nông sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ông Pan Canping cho biết: "Tôi không nghĩ rằng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp lại đáng sợ như mọi người vẫn tưởng. Tại sao không tính đến lợi ích mỗi khi dịch bệnh bùng phát, có thể ảnh hưởng năng suất tới 60% cây trồng trên phạm vi toàn quốc. Chính hóa chất đã giúp chúng ta bảo vệ được 58 triệu tấn ngũ cốc; 1,5 tấn bông vải; 50 triệu tấn rau và 6 triệu tấn trái cây mỗi năm".

Vùng Shouguang thuộc tỉnh Sơn Đông được ví như “thủ phủ rau” của Trung Quốc, nơi rau chiếm tới 60% diện tích đất nông nghiệp, ước tính mỗi năm cung cấp cho thị trường 4 triệu tấn rau xanh các loại. Địa phương này cũng đi đầu trong các chương trình thực hành nông nghiệp an toàn nhưng một chiến dịch thanh kiểm tra mức độ tồn dư hóa chất mới đây vẫn cho thấy còn trên 50% sản phẩm được kiểm tra vượt tiêu chuẩn cho phép do nông dân phun bón quá gần với thời điểm thu hoạch.

Tuy nhiên ông Fan Quande, đại diện hành chính vùng Shouguang cho biết, ở đây rau được kiểm nghiệm mức độ an toàn hàng ngày để giữ thương hiệu. Nếu nhà chức trách phát hiện các hộ lạm dụng thuốc có tồn dư hóa chất độc hại trong rau thì toàn bộ hệ thống nhà lưới sẽ bị phá dỡ và thậm chí người vi phạm còn bị bắt giữ. Trên thực tế thì vùng này đã từng có 10 nhà lưới bị phá hủy và 6 nông dân bị phạt tù từ 2 đến 3 năm trong thời gian qua.

Ông Fan, nông dân trồng rau thâm niên 25 năm cũng từng nếm mùi rủi ro khi bị “trúng độc” bất tỉnh nhân sự ngay trong nhà lưới của mình dù chỉ dùng tay gạt mồ hôi trong khi đánh thuốc. Nếu không kịp phát hiện và đưa vào bệnh viện điều trị 3 ngày thì có lẽ ông đã mất mạng.

Thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, số ca nhiễm độc thuốc trừ sâu trong thời gian gần đây liên tục tăng ở các vùng nông thôn. Chỉ tính trong năm 2000, cả nước có tới trên 17.000 ca, trong đó có hơn 1.000 người thiệt mạng và 25% số ca bị nhiễm độc ngay trong khi sản xuất.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm