| Hotline: 0983.970.780

Đánh giá tiềm năng, triển vọng cây dược liệu ở Quảng Trị

Thứ Ba 28/12/2021 , 08:30 (GMT+7)

Nhà khoa học khuyến nghị Quảng Trị và các địa phương của tỉnh cần tập trung phát triển một số cây dược liệu bản địa như cây chè vằng, cây tràm gió...

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cùng đoàn tư vấn khảo sát tiềm năng cây dược liệu do PGS.TS Trần Văn Ơn, cố vấn quốc gia Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu làm trưởng đoàn vừa có chuyến khảo sát các vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể về phát triển cây dược liệu, các sản phẩm OCOP về dược liệu của tỉnh Quảng Trị

Đoàn tư vấn khảo sát cây dược liệu tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Đoàn tư vấn khảo sát cây dược liệu tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Đoàn đã tiến hành khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và lấy mẫu đánh giá hàm lượng tinh dầu trên cây quế trồng tự nhiên tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ. Đoàn cũng khảo sát các điểm trồng và chưng cất tinh dầu tràm gió, tràm năm gân; vùng trồng cây chè vằng và các cơ sở chế biến cao chè vằng; vùng trồng nguyên liệu quế tập trung tại huyện Cam Lộ.

Sau khi khảo sát thực tế, PGS.TS Trần Văn Ơn khuyến nghị ngành nông nghiệp Quảng Trị và các địa phương trong tỉnh thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách phát triển, tập trung vào một số cây dược liệu bản địa như cây chè vằng, cây tràm gió. Từ đó, xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực thông qua việc nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật; hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các câu chuyện sản phẩm để nâng tầm thương hiệu.

PGS.TS Trần Văn Ơn cũng đề xuất nghiên cứu thêm các tác dụng của cây chè vằng để có hướng phát triển sản phẩm không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đối với cây quế, PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, huyện Cam Lộ ngoài diện tích trồng theo liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (VINASAMEX), cần trồng thử nghiệm thêm các giống quế Trà My, quế Thanh Hóa để đánh giá sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hàm lượng tinh dầu.

Thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển cây dược liệu, toàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển được khoảng 100 ha trồng cây dược liệu chủ lực như đinh lăng, sâm Bố Chính, ngưu tất, sinh đinh, trạch tả, nghệ, cao chè vằng, cà gai leo, an xoa… Mới đây, lô dược liệu an xoa thành phẩm đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đã được xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ.

Xem thêm
Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.