| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức nông sản miền Tây Quảng Trị: (Bài 5) Nuôi dê thu nhập khỏe re

Thứ Sáu 11/09/2020 , 07:30 (GMT+7)

Chi phí đầu tư thấp, nguồn thức dồi dào, thị trường tiêu thụ ổn định… là những thuận lợi cho nông dân vùng gò đồi Quảng Trị chọn con dê để phát triển kinh tế.

Nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào là điều kiện để người dân vùng gò đồi phát triển kinh tế bằng dê. Ảnh: Công Điền.

Nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào là điều kiện để người dân vùng gò đồi phát triển kinh tế bằng dê. Ảnh: Công Điền.

Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế ở vùng gò đồi, nhiều nông dân vùng gò đồi huyện Cam Lộ nuôi dê cho thu nhập khá.

Nhàn như nuôi dê

Đến trang trại của anh gia đình ông Bùi Văn Tiến ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị, trước mắt chúng tôi là một đàn dê mập mạp, khoảng 40 con. Ông Tiến cho biết: Từ 2 năm nay, ngoài trồng rừng, cao su, để nâng cao thu nhập, ông còn đầu tư chuồng trại để nuôi dê.

Ban đầu do còn hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm nuôi nên ông Tiến chỉ nuôi 8 con dê cái sinh sản. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh, sau gần 2 năm, từ 8 nái sinh sản nay đàn dê của ông Tiến tăng lên trên 40 con.

“Dê là loại vật thích đi, nên cần phải có diện tích rộng để chăn thả tự nhiên. Sáng lùa đàn dê ra đồng, chiều chỉ việc đi tìm về. Thức ăn cho dê chủ yêu là cỏ, lá thì có sẵn ngoài tự nhiên. Từ khi chuyển sang nuôi loài vật kêu be be này, cảm giác mình như được trẻ ra, thời gian cũng thảnh thơi hơn nhiều”, Ông Tiến chia sẻ.

Nuôi dê ở vùng gò đồi vừa nhàn, vừa cho thu nhập cao. Ảnh: Công Điền.

Nuôi dê ở vùng gò đồi vừa nhàn, vừa cho thu nhập cao. Ảnh: Công Điền.

Rời nhà ông Tiến, chúng tôi ghé thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Huế ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Từ xa đã nghe tiếng kêu be be quen thuộc của loài chỉ thích ăn cỏ, lá này. Vừa cho dê ăn, ông Huế vừa trò chuyện. Trước đây gia đình ông chủ yếu nuôi bò chăn thả rông. Tuy nhiên nguồn thức ăn tự nhiên cho bò ngày càng khan hiếm khi tổng đàn của loại vật nuôi này ở địa phương tăng lên nhanh chóng.

Vài năm gần đây, nhận thấy vùng gò đồi nơi ông sinh sống có nhiều thuận lợi với chăn nuôi dê hơn, nhất là nguồn thức ăn phong phú. Từ đó, ông đã bán đàn bò của gia đình để chuyên nuôi dê nhốt chuồng. “Hằng ngày, chỉ cần vài giờ đi cắt lá cây là đủ cho đàn dê hơn 20 con ăn cả ngày. Trong khi đó, dê thịt hiện nay tiêu thụ rất dễ vì nhu cầu thị trường khá lớn. Ngoài ra dê có chu kì sinh sản khá nhanh nên đạt lợi nhuận khá cao. Mỗi năm thu nhập chỉ từ nuôi dê của gia đình tôi đã hơn 50 triệu đồng, chưa kể các nguồn khác”, ông Huế phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính thông tin, các mô hình nuôi dê ở xã Cam Chính đều mang lại hiệu quả cao hơn so với các vật nuôi khác. Chỉ tính riêng ở địa phương đã có trên 15 mô hình nuôi dê của hội viên nông dân, mỗi đàn từ 15- 20 con. Nhờ chăn nuôi dê mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo và có gia đình đã bứt phá vươn lên hộ khá giàu.

Thu nhập cao 

Huyện Cam Lộ là địa phương có địa hình gò đồi bán sơn địa, nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Đặc biệt là nguồn thức ăn tự nhiên cho nuôi dê rất phong phú. Vì vậy, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở địa phương này chuyển hướng sang chăn nuôi dê. Hiện nay, có hai hình thức nuôi được người dân áp dụng đó là nuôi nhốt chuồng và nuôi bán chăn thả.

 

Nhiều nông dân cho biết, dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, chỉ cần chú trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ. Thời gian sinh trưởng nhanh, dê từ khi sinh ra cho đến 4 tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt thị trường đầu ra rất ổn định, nếu bán dê thịt thì trung bình 140.000-150.000 đồng/kg, còn dê giống có giá cao hơn. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, các loại lá sẵn có trên đồi, so với nuôi trâu bò thì nuôi dê cần lượng thức ăn ít hơn.

Nuôi dê là hướng đi mới trong khai thác tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi của Cam Lộ được chính quyền địa phương rất khuyến khích. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn còn nuôi theo tính tự phát, việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư con giống nên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Ông Phạm Viết Thanh,Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho biết, hiện nông dân chủ yếu nuôi giống dê địa phương, không thay đổi đực giống nên tình trạng phối giống cận huyết xảy ra nhiều, dẫn đến dê chậm phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh.

“Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tại các xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi để giúp người dân nâng cao thu nhập”, ông Phạm Viết Thanh.

Theo ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, đến nay trên địa bàn các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ có gần 100 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi dê, với số lượng trên 2.000 con. Trong đó, hộ nuôi quy mô lớn từ 40- 50 con, hộ nuôi ít từ 10-15 con.

Với lợi thế của một địa phương vùng gò đồi, ngoài phát triển chăn nuôi bò thâm canh thì việc nhân rộng mô hình nuôi dê là hướng đi mới, phù hợp. Qua đó giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, chuyển đổi kinh tế theo hướng đa cây, đa con để nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm