| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức vùng ngoại ô [Bài 2]: Hái tiền từ vùng đất hoang hóa

Thứ Tư 15/11/2023 , 09:40 (GMT+7)

HÀ TĨNH Xứ Đồng Tran, Đồng Đầm, Đồng Tùng… từng hoang hóa, sình lầy nhưng nay được hồi sinh bằng những cánh đồng lúa rươi; lúa rạm, khu du lịch sinh thái và NTTS công nghệ cao.

Sen Hào Thành tỏa ngát

Thành Sen là một biểu tượng ẩn chứa nét đẹp cổ gắn liền với nhiều sự tích lịch sử không thể quên của người dân TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Chính bởi vậy, những năm gần đây các thế hệ lãnh đạo TP Hà Tĩnh luôn đau đáu làm sao để khôi phục được những vựa sen tỏa ngát hương thơm, vừa mang lại giá trị tinh thần vừa khai thác được đặc trưng, thế mạnh của các vùng ven đô, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến phát triển du lịch, nhất là tạo nên những sản phẩm đặc trưng mới từ việc trồng sen.

Những đầm sen ở xã Đồng Môn tỏa ngát hương thơm. Ảnh: Thanh Nga.

Những đầm sen ở xã Đồng Môn tỏa ngát hương thơm. Ảnh: Thanh Nga.

Sau nhiều năm tìm tòi, trăn trở, tháng 5/2021, thông qua nguồn hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, HTX Sen Hào Thành “thức dậy” xứ Đồng Tran, xã Đồng Môn bằng Dự án “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại TP Hà Tĩnh”. Từ đây, dõi theo những mùa sen thành phố, chúng tôi biết thêm những con người yêu sen, yêu từng tấc đất ngoại ô, chung khát vọng vẽ nên gương mặt mới của Thành Sen... Trong đó, anh Trần Tiến Sĩ, Giám đốc HTX Sen Hào Thành là một trong những người như vậy.

Từ một người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sau nhiều lần cùng lãnh đạo thành phố tham quan các vùng ven đô, được nghe chia sẻ về những mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là những ấp ủ với việc trồng sen, trong tâm tư, trí tuệ của anh Sĩ cũng đã “nẩy mầm” tình yêu với sen.

Nhờ dự án trồng sen, người dân TP Hà Tĩnh có việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Thanh Nga.

Nhờ dự án trồng sen, người dân TP Hà Tĩnh có việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Sĩ chia sẻ, ban đầu, anh cứ nghĩ có sẵn đất mặt nước và những người nông dân mê trồng sen rồi, việc triển khai sẽ thuận lợi nhưng khi bắt tay thực hiện mới nhìn rõ khó khăn. Sau 7 lần gieo trồng thất bại, ngày 1/7/2021 lứa sen đầu tiên đã bám rễ nảy mầm, lên xanh. Đó là kết quả của những ngày dài bám đất, bám đồng; là những đêm sâu nghiên cứu tài liệu, kỹ thuật để có thể hiểu và cải tạo được môi trường sao cho phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại sen.

 “Trước đây, người dân chủ yếu chỉ biết đến 2 sản phẩm từ sen là hoa, hạt và ở các đầm chủ yếu là sen tự mọc nhưng giờ đây, HTX đã gieo trồng thành công gần 30 giống sen; trong đó, nhiều giống sen đẹp, thơm như Lotus, bách diệp, bỉ ngạn, quan âm...

Anh Trần Tiến Sĩ, Giám đốc HTX Sen Hào Thành là người đã khai thác hết giá trị của cây sen, từ hoa, lá đến hạt, củ sen. Ảnh: Hưng Phúc.

Anh Trần Tiến Sĩ, Giám đốc HTX Sen Hào Thành là người đã khai thác hết giá trị của cây sen, từ hoa, lá đến hạt, củ sen. Ảnh: Hưng Phúc.

Từ các đầm sen này, ngày càng có nhiều sản phẩm được chế biến giúp các hộ khai thác triệt để từ gốc đến ngọn như: trà sen (bông sen tươi ướp trà, trà tâm sen, trà lá sen, gạo sen); ngó sen tươi, chua ngọt; củ sen tươi, củ sen sấy giòn, tinh bột củ sen; rượu sen (ngâm từ nhụy sen, hạt sen già); hạt sen sấy giòn... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm nữa và sẽ tập trung vào chế biến sâu, chuyển giao cho bà con đảm nhận một số công đoạn sơ chế đơn giản”, anh Trần Tiến Sĩ vừa cầm trên tay những sản phẩm chế biến từ cây sen vừa giới thiệu.

Sau hơn 2 năm vận hành, đến thời điểm này HTX Sen Hào Thành đã kết nối với 12 tổ hợp tác, phát triển diện tích trồng sen lên đạt hơn 28 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Đồng Môn với khoảng 12 ha; phường Văn Yên, Đại Nài mỗi xã khoảng 4 ha và rải rác ở các phường Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Hưng...

Xét về hiệu quả kinh tế, Giám đốc HTX Sen Hào Thành nhẩm tính, bình quân doanh thu đối với trồng sen lấy hạt đạt từ 120-150 triệu đồng/ha/năm; trồng sen lấy củ trên 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ đầu ra sản phẩm đều được HTX bao tiêu, tạo niềm tin cho bà con yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.

Sản phẩm từ sen Hào Thành được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

Sản phẩm từ sen Hào Thành được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Nga.

“Hiện sản phẩm trà sen Hào Thành đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, HTX đang tiếp tục xây dựng sản phẩm rượu sen, phấn đấu đạt chuẩn OCOP 3 sao cuối năm nay. Mục tiêu lâu dài của HTX Sen Hào Thành là chế biến sâu các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực địa phương. Từ đó, tạo lập hệ sinh thái kinh tế cộng đồng bền vững, đa giá trị, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cùng thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”, anh Sĩ nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết thêm, hiện nay, ngoài giới thiệu, bày bán sản phẩm ở 5 cửa hàng bán lẻ của hệ thống Thành Sen Mart và một số điểm kinh doanh rau, củ, quả sạch, HTX tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng các kênh bán hàng qua mạng internet nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thuần rươi, trồng lúa theo hướng hữu cơ trên ruộng hoang

Sau Đồng Tran, xứ Đồng Tùng nằm ven đê sông Phủ, phường Đại Nài trước nay chỉ sản xuất được một vụ lúa, năng suất thấp, giá trị kinh tế bà con thu về gần như “lấy công làm lãi”. Với khát vọng khai thác tối đa lợi thế đồng đất, nguồn nước sông Phủ dài 7km, TP Hà Tĩnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tích tụ, tập trung ruộng đất chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa rươi, lúa rạm, lúa cá…

Ông Nguyễn Văn Hiển là người dân đầu tiên ở TP Hà Tĩnh 'hái tiền' từ ruộng hoang nhờ chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa rươi. Ảnh: Hưng Phúc.

Ông Nguyễn Văn Hiển là người dân đầu tiên ở TP Hà Tĩnh "hái tiền" từ ruộng hoang nhờ chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa rươi. Ảnh: Hưng Phúc.

Là người đầu tiên ở TP Hà Tĩnh quây ruộng hoang để nuôi rươi kết hợp trồng lúa Nàng Xuân, ông Nguyễn Văn Hiển, phường Đại Nài từng bị nhiều người nói “đầu óc có vấn đề”.

Thời điểm đầu năm 2021, cánh đồng gần 2 ha ông Hiển thuê ở xứ Đồng Tùng chẳng ai ngó ngàng. Sau khi được sử ủng hộ, hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương, ông bắt đầu thuê máy cày xới nhuyễn đất để tạo môi trường sống cho rươi; xây cống và mương bê tông dài khoảng 3m để đóng mở nước khi thủy triều lên xuống, phục vụ hoạt động nuôi rươi.

Diện tích sản xuất lúa rươi của phường Đại Nài hiện đã tăng lên 3,5ha. Ảnh: Hưng Phúc.

Diện tích sản xuất lúa rươi của phường Đại Nài hiện đã tăng lên 3,5ha. Ảnh: Hưng Phúc.

“Vì rươi chỉ sống trong môi trường nước sạch, nên tôi tận dụng nước của sông Phủ bên cạnh ruộng. Thời gian đầu, ròng rã suốt nhiều tháng tôi cùng vợ dầm mình giữa đồng để làm cỏ, đắp bờ cao trên những thửa ruộng đã thuê, tạo thành lòng chảo để nước sông chảy vào nuôi rươi và trồng lúa, nhiều người bàn tán sau lưng nói đầu óc tôi có vấn đề. Họ lập luận vùng này không có rươi, đầu tư chỉ mất công và tốn tiền, chuốc bực vào thân”, người đàn ông 56 tuổi nhớ lại.

Đêm cuối tháng 8 âm lịch năm 2021, trời se lạnh, mưa phùn, cả gia đình ông Hiển tập trung ngoài ruộng để theo dõi thành quả. Khi mở nắp cống, soi đèn giữa ruộng thấy đàn rươi bơi nhanh theo dòng nước về cống, ông Hiển và vợ nhìn nhau xúc động, tất bật giơ lưới bắt rươi bỏ vào chậu nhựa. Vụ rươi đầu tiên, gia đình ông Hiển thu gần 40 kg rươi, bán với giá 500.000 - 600.000 đ/kg, thu được 20 triệu đồng.

Không chỉ thu lợi nhuận từ nuôi rươi, lúa sản xuất trên ruộng rươi cũng được bán với giá cao hơn lúa thông thường từ 3.000 - 4.000đ/kg. Ảnh: Hưng Phúc.

Không chỉ thu lợi nhuận từ nuôi rươi, lúa sản xuất trên ruộng rươi cũng được bán với giá cao hơn lúa thông thường từ 3.000 - 4.000đ/kg. Ảnh: Hưng Phúc.

Để đất không bị hoang hóa, sau vụ rươi đầu tiên, ông Hiển sản xuất giống lúa Nàng Xuân theo hướng hữu cơ nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Kết quả thu hoạch, trên diện tích 2 ha cho sản lượng gần 5 tấn lúa, bán với giá 10.000đ/kg, gia đình ông thu về gần 50 triệu đồng.

“Tính ra diện tích chúng tôi thuê làm lúa rươi cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trước đây làm 1 vụ lúa. Đáng mừng hơn, sản phẩm rươi và gạo làm ra không đủ để bán cho thương lái”, ông Hiển phấn khởi thông tin. Đồng thời cho biết, hiện gia đình đang thu hoạch vụ rươi thứ 3, ước năng suất cao hơn vụ rươi năm 2022.

Ông Trần Trọng Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh cho hay “Ngoài phát triển mô hình lúa rươi, lúa rạm, giữa năm 2023 địa phương đã cải tạo được vùng đất ao tù, nước đọng ở xứ Đồng Đầm, rộng gần 13ha. Hiện nay, dưới sự đảm nhận của các tổ chức đoàn thể, 50% diện tích ở xứ đồng này đã được phủ kín các mô hình đa cây, đa con như: trồng chuối, mít, dừa, cau kết hợp với nuôi cá, ốc, cua đồng và trồng xen canh các loại rau ngắn ngày như: dưa chuột, mướp đắng, bí xanh…

Đặc biệt, sau khi nạo vét, đã tạo được nguồn nước tưới chống hạn cho 35ha đất trồng lúa của xứ đồng Nài. Đây là giá trị vô hình “cuộc cách mạng” tái cơ cấu nông nghiệp đã đem lại cho người dân ven đô”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.