| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức vùng ngoại ô [Bài 1]: Khai thác 2.000ha đất ven đô sẽ tăng thu nhập cho 40% dân số

Thứ Ba 14/11/2023 , 10:51 (GMT+7)

Nếu khai thác hết giá trị hơn 2.000ha đất ven đô thì 40 ngàn người, tương đương 40% dân số của thành phố Hà Tĩnh sẽ nâng cao được thu nhập lên gấp nhiều lần.

Chủ trương gắn với giải pháp

Hơn 2 năm kể từ ngày Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Tĩnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đi vào cuộc sống, thời gian chưa dài nhưng cũng đã phần nào khẳng định được chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2021 - 2025 là một quyết sách đúng đắn và nhận được sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền, nhân dân.

TP Hà Tĩnh đang có hơn 2.000 ha đất phù hợp phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hưng Phúc. 

TP Hà Tĩnh đang có hơn 2.000 ha đất phù hợp phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hưng Phúc. 

Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội, tháng 8/2021 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh vạch ra giải pháp đầu tiên là tập trung, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các hình thức: dồn điền, đổi thửa; thuê đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. “Tối hậu thư” mà Thành ủy đưa ra là hằng năm mỗi phường, xã tích tụ tối thiểu 50ha đất nông nghiệp (trừ các phường không còn hoặc còn rất ít đất nông nghiệp như: Nam Hà, Bắc Hà, Tân Giang, Nguyễn Du); trong đó có ít nhất 1 khu vực có diện tích trên 20ha.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn; đặc biệt, chú trọng vận động các hộ dân có thửa đất liền kề liên kết, thành lập hợp tác xã để cùng sản xuất.

Trên cơ sở định hướng của các Nghị quyết, Chỉ thị, UBND TP Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phát triển thêm từ 2 - 3 dự án nông nghiệp chuyên canh, tập trung, quy mô lớn trên 5ha ứng dụng công nghệ, kết hợp du lịch sinh thái và thương mại dịch vụ; hàng năm xây dựng và phát triển mới từ 3 mô hình nông nghiệp đô thị trở lên, gắn với việc thành lập hợp tác xã kiểu mới và nâng cao thu nhập cho cộng đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 80 triệu đồng/ha; thu nhập của cư dân nông thôn đến năm 2025 đạt từ 55 triệu đồng/người/năm trở lên; xây dựng, khôi phục và phát triển 1 - 2 nghề, làng nghề truyền thống;…

“Nhiều người cứ nghĩ đô thị, thành phố là chỉ nhà ở, kinh doanh. Nhưng không phải vậy, nó phải tổng hòa thì mới có một đô thị xanh, bền vững được. Kể cả phát triển kinh tế, nếu chỉ thuần túy hạ tầng và đất ở thì tiền sẽ bị chôn trong bất động sản, dòng tiền khó quay vòng, kinh tế không thể phát triển được.

Lâu nay tiềm năng đất đai vùng ngoại ô đang bị bỏ ngỏ, bây giờ chỉ cần khai thác hết giá trị hơn 2.000 ha quỹ đất ven đô này (trong đó trồng trọt khoảng 1.500ha; nuôi trồng thủy sản 500ha) thì 40 ngàn người, tương đương 40% dân số của thành phố sẽ nâng cao được thu nhập lên gấp nhiều lần”, lãnh đạo TP. Hà Tĩnh chia sẻ.

Trồng trọt, nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái là một trong những giải pháp đã thành công bước đầu ở các xã Thạch Hạ, Đồng Môn, phường Đại Nài... Ảnh: Hưng Phúc.

Trồng trọt, nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái là một trong những giải pháp đã thành công bước đầu ở các xã Thạch Hạ, Đồng Môn, phường Đại Nài... Ảnh: Hưng Phúc.

Theo vị lãnh đạo này, với địa hình 4 bề giáp sông, gần cửa biển nên thành phố sở hữu hệ sinh thái đa dạng với những vùng đặc trưng như: Thạch Hạ, Đồng Môn thuộc vùng ngập mặn; Thạch Hưng, Đại Nài thuộc vùng bán ngập mặn; Thạch Linh sau khi được ngọt hóa, hình thành những vùng đảo nhỏ... Thêm vào đó, ở các vùng ven đô, người nông dân cũng đã có sự chuyển mình trong tư duy, tạo cơ sở vững chắc để có thể thực hiện những mục tiêu mới trong phát triển kinh tế đô thị.

Tiềm năng và đặc trưng của các vùng ven đô là cơ sở để có thể quy hoạch, vận hành và thu hút liên kết sản xuất đầu tư, hình thành nên các khu công viên nông nghiệp.

Chính sách song hành

TP. Hà Tĩnh đã đưa ra 7 giải pháp trọng tâm, bao gồm: Quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất; nguồn vốn đầu tư; xây dựng các dự án mục tiêu, trọng tâm; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và bảo vệ môi trường.

Các giải pháp này tương hỗ lẫn nhau và phải thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên để thay đổi tư duy cho chính quyền cơ sở và người dân, thành phố khuyến khích đảng viên đi trước, xây dựng các mô hình thí điểm về trồng lúa, nuôi cá, tôm; dứa, cua, tôm, ở xã Thạch Hạ; trồng sen và chế biến các sản phẩm từ sen ở xã Đồng Môn; mô hình lúa rươi; lúa rạm ở phường Đại Nài; nuôi thủy sản nước lợ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, hàu, trai, ốc hương, cua tại xã Thạch Trung, Đồng Môn, Thạch Hưng, Thạch Hạ nhằm phát huy hiệu quả của sông Rào Cái…

“Trợ lực” cho những mô hình này là các chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp trên tinh thần lấy sự phát triển HTX làm nòng cốt, làm trọng tâm liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ người nông dân trong tất cả các khâu từ hình thành các HTX đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giống, kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Một dự án khác khai thác hiệu quả đất nông nghiệp ngoại ô là trồng sen và chế biến các sản phẩm từ sen. Ảnh: Hưng Phúc.

Một dự án khác khai thác hiệu quả đất nông nghiệp ngoại ô là trồng sen và chế biến các sản phẩm từ sen. Ảnh: Hưng Phúc.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế (UBND thành phố Hà Tĩnh) thông tin, một số nội dung lớn, cơ chế hỗ trợ của thành phố rất cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân phát triển các mô hình, dự án. Ví như, hỗ trợ 100% chi phí (không quá 300 triệu đồng/cơ sở) cho các doanh nghiệp, HTX, người dân thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, khảo sát, thiết kế, quy hoạch, môi trường, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, chứng nhận vùng sản xuất an toàn, VietGAP, Global GAP, hữu cơ.

Hỗ trợ đầu tư nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp với kinh phí lên đến 750 triệu đồng/dự án. Đầu tư cơ sở hạ tầng; cây, con giống, vật tư, máy móc thiết bị được hỗ trợ 50% tổng kinh phí được cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất với định mức từ 7 - 10 triệu đồng/ha…

Mô hình lúa, cá kết hợp du lịch sinh thái ở xã Thạch Hạ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hưng Phúc.

Mô hình lúa, cá kết hợp du lịch sinh thái ở xã Thạch Hạ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hưng Phúc.

"Các ưu đãi của thành phố đã tạo đòn bẩy cho phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất. Từ năm 2021 đến nay toàn thành phố thực hiện đạt hơn 178ha. Trong đó tích tụ, tập trung bằng hình thức thuê lại quyền sử dụng đất của hộ dân hơn 77ha; phong trào phá bỏ ô thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn đạt hơn 100ha.

Và trên cơ sở này, ít nhất 15 mô hình, dự án nông nghiệp đô thị đã ra đời, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2022 đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 9 triệu đồng/ha so với năm 2020”, lãnh đạo Phòng Kinh tế nói.

Lãnh đạo TP. Hà Tĩnh chia sẻ: Gần 3 năm qua đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp đa cây, đa con kết hợp phát triển du lịch sinh thái thành công ngoài mong đợi. Tôi tin, chỉ ít năm nữa thôi, khi những hàng dừa, hàng cau, gốc dứa… ở Thạch Hạ cho sản phẩm hay những “công viên cây xanh” ở Thạch Trung, Đồng Môn, Đại Nài tỏa bóng thì người dân thành phố chỉ mất 10 đến 15 phút đi xe sẽ thỏa sức check in, thưởng thức món ăn đặc sản mà không hề tốn kém.

Du khách có thể tham quan, chụp hình ở đầm sen Đồng Môn, qua Đồng Ghè (Thạch Hạ) câu cá, ăn trưa; ghé chùa Đại Nài dâng hương. Hoặc khám phá công viên hoa bốn mùa ở xã Thạch Trung, đường hoa mỹ nhân ở phường Văn Yên…

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.