| Hotline: 0983.970.780

Đảo điên rừng Tà Thiết

Thứ Hai 22/11/2010 , 10:14 (GMT+7)

Dù được coi là nơi điều tiết, phòng hộ đầu nguồn hồ thủy lợi Dầu Tiếng và góp phần gìn giữ lá phổi xanh vùng Đông Nam bộ, nhưng hàng ngày hàng giờ rừng vẫn đang bị lâm tặc tàn phá khốc liệt…

Nhiều năm liền rừng Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh, Bình Phước), dù được coi là nơi điều tiết, phòng hộ đầu nguồn hồ thủy lợi Dầu Tiếng và góp phần gìn giữ lá phổi xanh vùng Đông Nam bộ, nhưng hàng ngày hàng giờ rừng vẫn đang bị lâm tặc tàn phá khốc liệt…

NGÀY ĐÊM “ĐỔ MÁU”!

Những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi theo chân anh T (xin không nêu tên), một người gốc địa phương vốn rất thông thuộc địa hình ở đây, đi thẳng vào rừng Tà Thiết.

Rẽ vào con đường mòn giữa rừng với chiều dài 7 km thuộc các Tiểu khu 217, 219, 213, 215 và 216 của BQL rừng phòng hộ Tà Thiết, chúng tôi bắt gặp hàng loạt đường xương cá do lâm tặc tự mở để đi lùng sục cưa hạ những cây gỗ quý còn sót lại. Trên con đường vắng vẻ này, lâm tặc đã cắt đứt dây kẽm gai rào khoanh khu vực của đơn vị nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng để mở lối đi và để trơ lại dày đặc những gốc cây mốc cũ nhiều năm, xen kẽ những gốc cây mới bị cưa hạ nham nhở.

 Anh T. dẫn đường khẳng định, trong thực tế rừng Tà Thiết đã không còn các loại cây gỗ quý thuộc nhóm 1, nhưng ở vào thời buổi rừng cạn kiệt thì ngay cả những cây giá trị thấp cũng bị lâm tặc “hạ thủ”. Đang đi giữa cánh rừng yên tĩnh, chúng tội giật bắn mình bởi tiếng rú ga inh ỏi của hai “lâm tặc” đang rạp mình lao vun vút, phía sau là hai khúc gỗ lớn có vết cưa còn chảy mủ. Quan sát xung quanh, chúng tôi phát hiện một cây gỗ có đường kính gần 1m vừa mới bị triệt hạ.

 Tiếp tục tìm kiếm, chúng tôi phát hiện quanh khu vực này có tới 7 gốc cây, đường kính 35-50 cm chỉ còn trơ gốc. Vạch rừng đi về hướng bắc, mới chỉ chạy hơn 200m, đập vào mắt là màu xanh của rẫy mì chừng 3 tháng tuổi, xen giữa là những hàng điều vừa được xuống giống. Tiếp giáp với rẫy mì là những thửa ruộng bậc thang nối với cánh đồng lúa. Ở đây rẫy giáp với rừng và xóa hết dấu vết của đường ranh phân cách.

Đi theo con đường giữa rẫy mì, đây đó cây rừng đổ ngổn ngang, thậm chí sau công cuộc "đại khai phá", lâm tặc còn bỏ quên cả lưỡi cưa. Trên diện tích ước chừng gần 10 ha rừng đã bị xóa sổ này còn có rẫy lúa nếp than. Nhiều đám cây rừng vừa bị đốn hạ lá vẫn con xanh tươi hoặc bị đốt cháy nham nhở, bốc khói nghi ngút.

Hôm sau, mới sáng sớm trên QL13, đoạn đi qua cầu Cần Lê, giáp ranh xã Thanh Lương (TX Bình Long) và xã Lộc Thịnh ( Lộc Ninh), chúng tôi lại chứng kiến cảnh gần 10 "tay lái lụa", mỗi xe máy chở 1 cây gỗ, có xe chở 2 cây to đường kính lên đến trên 60cm, chiều dài 3m đã được cưa xẻ, gỗ vẫn còn tươi rói ngang nhiên chạy trên quốc lộ. Nhiều người dân ở đây khẳng định đây là số gỗ được lấy từ rừng Tà Thiết. 

PGĐ BQL RỪNG”: "TÔI KHÔNG BIẾT GÌ CẢ"!

Rừng Tà Thiết có diện tích 3500 ha, gồm 5 tiểu khu (300 ha đã giao NM Xi măng Bình Phước khai thác mỏ đá). Đơn vị nhận khoanh nuôi bảo vệ là Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Tỉnh đội Bình Phước, trong đó có phối hợp kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và chính quyền địa phương. Nhưng do tình trạng “cha chung” nên rừng Tà Thiết vẫn cứ ngày đêm kêu cứu.
Để làm sáng tỏ nỗi đau rừng Tà Thiết đang ngày đêm bị tàn phá, chúng tôi đến thẳng trụ sở BQL Rừng phòng hộ Tà Thiết. Gặp PV, ông Phó Giám đốc Trần Thanh Tốt ngồi trên ghế salon, ngoảnh mặt lên hỏi cụt lủn: “Có gì không?”.

Trao đổi về tình hình quản lý bảo vệ rừng, ông Tốt nói rất thản nhiên: “Có thể Giám đốc biết chứ tôi không biết gì cả!”- Vậy anh có biết ở bìa rừng đang cháy không? Chúng tôi hỏi. Ông Tốt trả lời rất bình thản: “Có thể giám đốc biết hoặc anh em biết, còn tôi đang phụ trách chỗ khác, không nghe nói gì!”. Đó là tất cả những thông tin chúng tôi có được khi cố gắng làm việc với ông “Phó chủ rừng”. Rõ ràng, với kiểu “hồn ai nấy giữ” như thế thì không khó hiểu khi từng tốp xe máy chở gỗ khai thác lậu cứ vô tư chạy qua BQL rừng phòng hộ Tà Thiết hàng giờ, hàng ngày.

Tiếp tục gặp ông Trương Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, để tìm lời giải làm sao để giữ rừng, chúng tôi được ông Phúc đáp một vài lời ngắn gọn: “Theo tôi, dự án 3.200 ha rừng di tích phải sớm được phê duyệt và thực thi, khi đó mới tính tiếp được! Bộ đội làm công tác bảo vệ rừng phải được tập huấn chuyên môn về giữ rừng và tăng cường lực lượng kiểm lâm các chốt nữa mới có hiệu quả, nếu không thì rừng vẫn cứ bị phá!”.

Được biết, ngày 17/11 vừa rồi, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã đi kiểm tra rừng Tà Thiết. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là ai đã đứng sau những vụ phá rừng vừa qua, có hay không thế lực “bảo kê” thì đến giờ vẫn trong vòng bí mật?!

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm