| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nghề theo cách cầm tay chỉ việc cho đồng bào

Thứ Sáu 08/12/2023 , 11:36 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Bình quân mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông tổ chức từ 15 - 20 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 300 - 350 học viên.

Đồng bào quen với phong tục tập quán trồng cây không bón phân khiến cây trồng phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Đồng bào quen với phong tục tập quán trồng cây không bón phân khiến cây trồng phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2016, bà Lê Thị Huệ ở thôn Hà Lương, xã Ba Lòng tham gia khóa học đào tạo nghề chăn nuôi - thú y do Trung tâm dạy nghề (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) tổ chức. Có được kiến thức, lại chịu khó học hỏi và vận dụng sáng tạo vào thực tế địa phương, việc chăn nuôi của gia đình bà Huệ gặp nhiều thuận lợi, cho thu nhập ổn định. Gia đình bà Huệ đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Thời điểm này, gia đình bà Huệ đang nuôi 11 con bò, 60 con lợn và gần 200 con gà, lãi ròng 100 - 120 triệu đồng/năm.

Bài liên quan

Theo bà Huệ, để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của cá nhân thì phương pháp đào tạo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông cũng đem đến cho người học nhiều thuận lợi.

“Có những khóa học được tổ chức ngay tại trung tâm UBND xã, người học không phải đi xa. Học đến đâu thầy cô cho học viên thực hành đến đó nên dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng bào không phải ai cũng có thể hiểu hết được lý thuyết nhưng nếu được cầm tay chỉ việc thì kiến thức sẽ nhớ lâu và dễ áp dụng”, bà Huệ cho hay.

Còn chị Hồ Thị Xở, trú tại thôn A Đăng, xã Tà Rụt lại tham gia khóa đào tạo nghề trồng trọt từ năm 2020. Sau khi hoàn thành khóa học, chị Xở trồng 1ha chuối lùn bản địa. Bán chuối quả cùng với việc bán cây giống, đến nay, gia đình chị Xở có nguồn thu nhập ổn định 30 - 60 triệu đồng/năm.

Đào tạo nghề theo hướng cầm tay chỉ việc giúp đồng bào tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật. Ảnh: Võ Dũng.

Đào tạo nghề theo hướng cầm tay chỉ việc giúp đồng bào tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật. Ảnh: Võ Dũng.

Không những phát triển kinh tế gia đình, chị Xở còn cung cấp cây giống, hướng dẫn các chị em trong tổ hợp tác các kỹ thuật trồng chuối lùn bản địa. Vì vậy, tại xã Tà Rụt hiện nay, nhiều vườn chuối phát triển, cho người dân nguồn thu nhập ổn định.

Bà Cáp Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiêp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông cho biết, hàng năm, trung tâm tổ chức 15 - 20 khóa đào tạo các ngành nghề nông nghiệp cho đồng bào với khoảng 300 - 350 học viên tham gia. Nhờ được cung cấp các kiến thức sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, nhiều học viên thành thạo tay nghề, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, trung tâm mời các giáo viên tại các trường đào tạo nghề chuyên nghiệp trong tỉnh, các trạm chăn nuôi - thú y, Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông về tận các xã để cầm tay chỉ việc cho bà con.

“Chúng tôi biết đồng bào rất khó khăn trong việc đi lại để học tập trung. Vì vậy, nhiều khóa học chúng tôi tổ chức ngay tại trung tâm UBND các xã. Trong quá trình học, học viên sẽ được thực hành. Quá trình này được những giáo viên tâm huyết là cán bộ các trạm chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông, các giáo viên có kinh nghiệm trong tỉnh về trực tiếp giảng dạy. Điều này giúp học viên dễ dàng áp dụng vào thực tế địa phương”, bà Vân chia sẻ.

Tại xã Tà Rụt, nhiều hộ dân sau khi học nghề đã áp dụng thành công kỹ thuật trồng cây chuối lùn bản địa. Ảnh: Võ Dũng.

Tại xã Tà Rụt, nhiều hộ dân sau khi học nghề đã áp dụng thành công kỹ thuật trồng cây chuối lùn bản địa. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện miền núi Đakrông có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, do vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, tập tục canh tác của người dân đã có nhiều thay đổi. Nhiều cây trồng, vật nuôi có tiềm năng tại địa phương đang dần được quy hoạch thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điều này giúp người dân dần thay đổi nhận thức, từng bước thoát nghèo.

Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm là 75 - 80%

“Năm 2023 có 540 học viên tham gia 27 lớp đào tạo các ngành nghề nông thôn. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm là 75 - 80%. Các học viên được đào tạo nghề nông nghiệp đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Điều này cũng thúc đẩy việc thành lập các hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Năm 2023, mức giảm hộ nghèo toàn huyện đạt trên 5%”, ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.