Vì thế, Việt Nam cần phát triển một nền nông nghiệp thông minh trên nền tảng tri thức, ứng dụng công nghệ cao để sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Coi trọng năng lực tự chủ của sinh viên
GS Lan cho rằng, để phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tiên quyết ở tất cả các nước.
GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Quốc hội |
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 nước Châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.
Cũng theo GS Lan, sinh viên tốt nghiệp ĐH ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...
Sinh viên tốt nghiệp ĐH phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nhất thiết phải đi đôi với năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng lực nghiên cứu và làm chủ công nghệ để theo kip xung hướng chung của thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy giáo dục - nghiên cứu nông nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng để xây dựng các hệ sinh thái: đào tạo - nghiên cứu, DN, người dân hợp tác chặt chẽ tạo ra hệ thống nghiên cứu - đổi mới sáng tạo vận hành liên tục, biến các mảnh ruộng và người nông dân trở thành các cơ sở và nhà nghiên cứu cung cấp số liệu để các cơ sở nghiên cứu và DN tạo ra sản phẩm nông nghiệp 4.0.
Khác với mô hình phát triển nông nghiệp của Hoa kỳ dựa trên diện tích lớn, Hà Lan phát triển một nền nông nghiệp - thực phẩm phức hợp giá trị cao. Chiến lược của Hà Lan là NK các loại sản phẩm thông dụng như hạt lương thực, đậu tương… và XK các sản phẩm giá trị cao và các sản phẩm chế biến (từ sản xuất rau, hoa và sản phẩm chăn nuôi). Chính vì vậy tại Hà Lan, kiến thức chuyên sâu và công nghệ cao rất cần ở tất cả các thành phần và khâu trong chuỗi SX.
Hệ thống giáo dục nông nghiệp của Hà Lan rất khác các nước khác nơi mà giáo dục nông nghiệp ở phổ thông là môn lựa chọn. Ở Hà Lan, học sinh phổ thông có thể lựa chọn môn học nông nghiệp, nhưng ở tuổi 15-18 Hà Lan có hệ thống trường đào tạo thực hành nông nghiệp, ngoài ra còn có hệ thống các trường đào tạo giáo viên nông nghiệp và các trường đào tạo bậc đại học hướng nghiệp về nông nghiệp. Ở bậc CĐ, ĐH, hệ thống giáo dục của Hà Lan tồn tại rất rõ hai hình thức đào tạo ĐH nông nghiệp hàn lâm và đào tạo nghề nghiệp.
Nhận diện thực trạng, đưa ra giải pháp phù hợp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất, cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bất hợp lý. Điều này thể hiện ở sự mất cân đối giữa các bậc đào tạo, giữa các ngành nghề đào tạo, giữa quy mô đào tạo với sự phân bố nguồn lực phục vụ đào tạo. Số lượng sinh viên được đào tạo bậc ĐH quá nhiều so với số lượng sinh viên được đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp và CĐ.
Năm 2018, số lượng sinh viên nhập học ĐH hệ chính quy của 4 trường ĐH thuộc Bộ NN-PTNT là 11.100 sinh viên (chiếm 60% tổng số sinh viên nhập học của 3 bậc này), trong khi đó, số lượng sinh viên CĐ là 4.979; hệ trung cấp là 2.434 (chiếm 13,1%).
Trong khi trên thế giới, cứ 1 người có trình độ ĐH thì cần 4 người có trình độ trung học chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đều hướng tới đào tạo đa ngành nhưng lại chưa cân đối giữa các lĩnh vực trong nông lâm và ngư nghiệp.
Thứ hai, quy mô đào tạo chưa ổn định, chưa cân đối trong cơ cấu ngành đào tạo. Thứ ba, việc xây dựng cơ chế tự chủ, xã hội hoá cho đào tạo gặp khó khăn, trở ngại do mức học phí thấp, điều kiện tài chính của người học gặp nhiều khó khăn. Sinh viên theo học tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp nông nghiệp chủ yếu là con em nông dân, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2017, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ sinh viên đến từ khu vực 2 và khu vực 3 chỉ đạt 35,4%; còn lại 64,6% thuộc về khu vực 1 (25,1%) và khu vực 2 nông thôn (39,5%).
Thứ tư, lao động được đào tạo không về nông thôn do thu nhập, lương thấp, điêu kiện làm việc còn hạn chế. Tâm lý phổ biến của các lao động đã được đào tạo có chất lượng cao không muốn về nông thôn, họ bám trụ ở đô thị để có cơ hội việc làm và mức lương cao hơn, dù phải làm việc trái ngành, trái nghề.
Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 DN và hầu hết các tỉnh, TP nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành nghề nghiệp, cọ sát với thực tế, tiếp cận được các hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp được lý thuyết với thực tiễn SX.
Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài. Trong những năm gần đây mỗi năm 400-500 sinh viên của Học viện được cử đi đào tạo và rèn nghề tại Nhật Bản, Israel… Học viện tham gia triển khai đưa cán bộ của 100 HTX sang Nhật Bản đào tạo.
Gần với Việt Nam, Thái Lan có nền nông nghiệp tiên tiến, XK giống và sản phẩm nông sản chế biến đến nhiều thị trường giá trị cao. Xác định rõ yếu tố quan trọng nhất trong phát triển của nông nghiệp Thái Lan 4.0 là nhân tố con người, Chính phủ Thái đã thiết lập một hệ thống tích hợp giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho người Thái để phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai của người học. |
Trong chiến lược phát triển, Học viện xác định nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là thành phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng NTM. Chính vì vậy, Học viện đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu các công nghệ mới, tạo ra nghiều sản phẩm, một mặt phục vụ đắc lực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM, mặt khác giúp cho sinh viên từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. |