Sử dụng 200 tấn thuốc nổ
Lượng chất nổ này đủ để san phẳng 400 tòa nhà 10 tầng khi chính phủ Trung Quốc cho phá hủy những thành lũy cuối cùng ngăn giữ dòng chảy trên sông Dương Tử hùng vĩ để xây dựng đập Tam Hiệp.
Đập bê tông khổng lồ Tam Hiệp dài 2,3 km đến nay vẫn năm giữ kỷ lục là con đập lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là công trình gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử xây dựng hiện đại.
Đội ngũ chuyên gia chất nổ đã sử dụng tới 200 tấn chất nổ để giải phóng mặt bằng xây tường bao ngăn nước để thi công bức tường chính khổng lồ của con đập. Vụ nổ này đã tạo ra khoảng 186.000 mét khối đất đá vụn vỡ và công trình đập chính đã hoàn thành vào tháng 5/2006 được tổ chức ăn mừng rất hoành tráng, phô trương.
"Đây là dự án lớn nhất mà người Trung Quốc đã làm được trong hàng ngàn năm qua", Li Yongan, tổng giám đốc của tập đoàn Tam Hiệp nói với tờ London Times hôm 20 tháng 5.
Vào lúc cao điểm, lực lượng xây dựng có mặt trên công trường đạt 26.000 lao động, bao gồm cả công nhân, kỹ sư Trung Quốc và chuyên gia nước ngoài.
Manh nha từ năm 1919
Cố lãnh tụ Tôn Trung Sơn, nhân vật lịch sử sáng lập ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính là người đưa ra ý tưởng xây dựng đập Tam Hiệp đầu tiên trên sông Dương Tử, ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc từ năm 1919. Ông Tôn tin rằng cấu trúc của con đập này có thể bảo vệ được các cộng đồng dân cư rộng lớn trong lưu vực khỏi nạn lũ lụt chết người.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông cũng ủng hộ ý tưởng này, tuy nhiên nhưng việc khởi công đã không thể tiến hành cho đến năm 1993, tức 17 năm sau khi Mao Chủ tịch qua đời.
Dự án lấy tên là Tam Hiệp do nguồn nước đổ xuống từ ba hẻm núi gồm: Qutang, Wu Xia và Xiling có chiều dài khoảng 200 km dọc theo thượng và trung lưu của sông Dương Tử và rất nổi tiếng về vẻ hùng vĩ, được ví như kỳ quan thiên nhiên.
Chiều cao của đập Tam Hiệp là 185 mét, gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Đội ngũ công nhân xây dựng đã sử dụng 16 triệu mét khối bê tông để thi công cấu trúc thân đập, đến nay vẫn là kỷ lục thế giới.
Ở phía thượng nguồn của con đập, mực nước của hồ chứa lúc hoàn thành cao hơn mực nước biển 139 mét và dự kiến sẽ dâng dần lên. Siêu hồ chứa nhân tạo này dài 660 km và có mức cảnh báo lũ là 175 mét so với mực nước biển.
Hàng trăm mạng sống, hàng tỷ đô la
Truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, đã có hơn 100 công nhân đã chết trong quá trình xây dựng dự án.
Chi phí ngân sách cho dự án này cũng tăng cao theo từng năm. Các báo cáo chính thức lúc đó (năm 2006) cho biết công trình này đã ngốn hết 24 tỷ USD, trong khi các chuyên gia phân tích độc lập nói rằng, chi phí thực tế có thể gấp nhiều lần con số trên.
Tổng cộng đã có hơn 1,3 triệu người dân xung quanh khu vực dự án đã phải di dời nhà cửa, tái định cư đến nới ở mới để nhường chỗ cho dự án bởi chiều dài hồ chứa của đập Tam Hiệp đã làm ngập tới 632 km vuông diện tích đất đai, bao gồm hơn một ngàn thị trấn và làng mạc.
Những năm sau đó, các hoạt động bồi thường cho người dân đã bị chỉ trích do chính sách thiếu minh bạch và bỏ quên, thậm chí là nạn tham nhũng gây ra khiếu nại lan rộng dai dẳng tại nhiều địa phương do tiền bồi thường không đến được người dân bị ảnh hưởng.
Một điều đáng tiếc khắc là hàng chục di sản kiến trúc và văn hóa đã bị biến mất dưới lòng hồ chứa. Trong đó đáng chú ý nhất là các di tích của tộc người thiểu số Ba cổ đại, những cư dân sinh sống trong khu vực từ khoảng 4.000 năm trước.
Các con số thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết đã có khoảng 300.000 người dân chết trong các trận lũ lụt từ nguồn nước sông Dương Tử ở thế kỷ 20. Chính vì vậy, giới chức tin rằng, việc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ bảo vệ mạng sống cho khoảng 15 triệu người cũng như 607.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc dựng nên bức tường ngăn nước khổng lồ đầy tham vọng để vừa chống lũ vừa phát điện, vừa giải quyết vấn đề giao thông thủy của chính phủ Trung Quốc ngay từ khi khởi công đã đối diện không ít phản đối từ giới khoa học. Họ đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về nguy cơ gây ra các trận động đất trong khu vực, thậm chí là những rủi ro không thể lường trước có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Mất 50% trầm tích đồng bằng
Các nhà môi trường trước đó từng cảnh báo, đập Tam Hiệp sẽ làm giảm dòng chảy phù sa màu mỡ nhiều dinh dưỡng và trầm tích xuống hạ lưu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái sông ngòi và bờ biển trong khu vực.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4/2006 trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy, những thay đổi về môi trường theo chiều hướng tiêu cực trong vùng đã bắt đầu được ghi nhận.
Các nhà khoa học cho rằng, tỷ lệ silicon và nitơ ở vùng nước lợ ven biển đã giảm từ mức 1,5 vào năm 1998 xuống chỉ còn 0,4 đến năm 2004. Luồng lạch trầm tích ghi nhận ở nhiều nơi chỉ còn một nửa so với hồi trước khi xây dựng đập Tam Hiệp.
Những thay đổi này có thể gây tổn hại cho ngư trường ven biển và nhiều vùng đất ngập nước do thủy triều gây xói lở, bào mòn ngày một nghiêm trọng.
Mục tiêu phát điện 18.000 Megawatt
Có tổng cộng 26 tuabin (dự kiến vận hành vào năm 2008) được thiết kế để sản xuất ra hơn 18.000 megawatt điện, cao gấp 20 lần nguồn năng lượng của đập Hoover (Mỹ). Nguồn điện này đã đủ để cung cấp 10% tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 1993.
Ngay sau khi hoàn thành, đã có 44 triệu tấn hàng hóa di chuyển theo đường giao thông thủy đi qua đập Tam Hiệp trong năm 2005 so với mức 13,4 triệu tấn vào năm 2003, khi hồ chứa lần đầu tiên trữ nước.
Những người đề xuất xây dựng đập nhấn mạnh rằng, dự án sẽ là động lực cho giao lưu thương mại trên sông Dương Tử, được coi là sẽ chiếm giữ khoảng 80% khối lượng vận chuyển thủy nội địa của Trung Quốc khi mực nước cao hơn sẽ cho phép các tàu lớn đi với tốc độ cao từ Thượng Hải, Trùng Khánh và phía thượng nguồn đi lại dễ dàng trên sông Dương Tử.
Mười triệu tấn rác rến
Đập Tam Hiệp sau một năm vận hành đã chặn được khoảng mười triệu tấn rác nhựa, chai lọ, xác chết động vật, cây cối và các loại rác rến mảnh vỡ khác đổ ra biển.
Nguyên cớ là do đội ngũ kỹ sư sợ rác lọt vào hệ thống tuabin sẽ làm hỏng các máy phát điện nên đã chế tạo một giải pháp công trình để ngăn rác bằng một chiếc "lưỡi" chặn rác khổng lồ. Các kỹ sư nói rằng, thiết bị này có thể chặn được khoảng 300 mét khối rác mỗi giờ, tuy nhiên chiếc “lưỡi” này không thể chống nổi vấn nạn ô nhiễm nguồn nước.
Do lòng hồ chứa khổng lồ đã nhân chìm nhiều nhà máy, hầm mỏ, bãi thải và các công trình độc hại khác nên lượng chất thải của con người và rác công nghiệp đổ vào dòng sông là rất lớn. Vấn nạn này vẫn đang tiếp tục hủy hoại và đe dọa cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư ở Trùng Khánh và các tỉnh lân cận, từng buộc nhiều nhà môi trường từng lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
"Tôi cho rằng tuổi thọ của đập Tam Hiệp này cũng có giới hạn, trừ khi người ta xây dựng những con đập khác để chia sẻ gánh nặng với nó", Jennifer Turner, điều phối viên của Diễn đàn Môi trường Trung Quốc thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington (Mỹ) nói.
Theo ông Tunner, người Trung Quốc luôn tự hào bởi họ sở hữu số lượng đập lớn nhất thế giới 86.000 chiếc lớn nhỏ và vẫn đang xây thêm. Tuy nhiên các cuộc tranh luận liên quan đến hoạt động nhân tạo này có thể gây ra những hậu họa lớn cho các dòng sông ở Trung Quốc và xa hơn hiện vẫn chưa có hồi kết.