| Hotline: 0983.970.780

Đất cằn 'đẻ' ra vàng

Thứ Tư 20/01/2016 , 06:11 (GMT+7)

Khi ông chọn mảnh đất cằn khô nằm cạnh ngọn đồi để xây dựng cơ nghiệp, không ít người dân địa phương đã 'lắc đầu', không tin ông có thể làm ăn gì được trên vùng đất này.

Tuy nhiên, sau khi hình thành trang trại chăn nuôi, chẳng bao lâu sau ông đã có doanh thu mỗi năm 1,5 tỷ đồng, cho lãi ròng 500 triệu đồng. Ông là Lê Xuân Quang (SN 1962) ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn, Bình Định).

Làm giàu từ niềm đam mê

Nông dân Lê Xuân Quang vốn đam mê chăn nuôi từ nhỏ, nhưng thời gian trước đây ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Ông nghĩ, làm ăn kiểu này thì có cố lắm cũng chỉ đủ “giật gấu vá vai”, chẳng thể dư dả gì. Sau hàng chục năm theo nghề chăn nuôi, ông Quang tích lũy được ít vốn và một số kinh nghiệm, ông quyết tâm mở rộng quy mô chăn nuôi để làm giàu.

Nhận thấy vùng đất nằm ven ngọn đồi dù có cằn khô nhưng rất tách biệt, thuận lợi cho việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào nên có thể bảo toàn đàn vật nuôi. Không nghĩ ngợi gì thêm, ông Quang thuê ngay 1 ha đất ven đồi để mở trang trại.

Hơn 10 năm qua, cuộc sống của ông gần như “gắn” với trang trại chăn nuôi này. Để bổ sung thêm kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, sau những ngày vã mồ hôi với đàn vật nuôi, đêm về ông “gắn” mắt vào những quyển sách kỹ thuật chăn nuôi chẳng khác gì chàng học trò ham học, để tìm hiểu thêm những tiến bộ mới trong cách phòng, trị bệnh cho vật nuôi. Sau đó, ông mang những kiến thức này “cầm tay chỉ việc” cho từng nhân công trong trang trại để áp dụng vào thực tế.10-55-10_1
Đàn heo phát triển tốt nhờ sống trong môi trường đảm bảo vệ sinh.

Ông Quang phấn khởi cho biết: “Năm 2005, sau khi thuê được 1 ha đất, tôi vay mượn tứ bề để có 300 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi. Tôi bắt đầu khởi nghiệp với 200 con heo thịt, 2 con bò sinh sản, 1.000 con vịt đẻ và 70 con gà. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nên dịch bệnh không xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhờ đó làm ăn có lãi. Bây giờ, trang trại của tôi đã có 1.500 con heo thịt/ lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa; 600 con gà; 6 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán 3 con nghé. Ngoài ra, tôi còn trồng 1 ha keo lai. Tổng hợp các nguồn thu, mỗi năm trang trại này cho tôi doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lãi ròng hơn 500 triệu”.

Ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, cho biết: “Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Quang còn là nhân tố tiên phong trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương. Ông còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ dân khó khăn trong vùng làm ăn thoát nghèo. Vì thế, nhiều năm liền ông Quang đạt được danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.

Có thể nói, mấu chốt thành công của ông Quang là việc ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi. Ngoài việc tiêm phòng định kỳ, trang trại của ông Quang còn được xây dựng hẳn 1 phòng sát trùng dành cho nhân công ra vào trang trại mỗi ngày và cho khách ghé thăm trang trại. Trước khi vào khu vực chăn nuôi, ai cũng phải qua phòng sát trùng để loại bỏ vi khuẩn.

“Việc khử trùng rất quan trọng, ai cũng phải tuân thủ, kể cả tôi cũng vậy. Môi trường sống không ô nhiễm thì vật nuôi mới tránh được mầm bệnh. Để vật nuôi mắc bệnh rồi mới chạy chữa thì coi như mất đứt vốn liếng. Nhờ quy định này mà hơn 10 năm nay trang trại của tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh ghé thăm”, ông Quang cho hay.

Giúp đỡ hộ nghèo

Để tạo đầu ra ổn định, nhiều năm nay ông Quang đã phối hợp cùng Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phát triển đàn heo với hơn 3.000 con heo thịt mỗi năm. Theo đó, trang trại ông sẽ được hỗ trợ thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc thú y phòng trừ bệnh. Đầu ra của sản phẩm cũng được công ty bao tiêu. Nhờ vậy mà ông không lo ngại thua lỗ khi giá cả thị trường bấp bênh.

“Tôi chăn nuôi heo với quy mô lớn nên không dám làm liều. Khi có đầu ra ổn định thì mình không lo giá cả thị trường biến động. Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng 3 sào đất để trồng cỏ voi, cỏ tím… để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó giảm được chi phí trong khâu thức ăn”, ông Quang chia sẻ.

Hiện nay, trang trại của ông Quang thường xuyên thuê từ 6 đến 8 nhân công làm việc với mức lương ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Đa số nhân công làm việc tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn và được ông Quang hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi để về nuôi heo tại gia đình.

Nhiều hộ nông dân khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, ông Quang sẵn lòng tận tình chia sẻ cách tìm con giống chất lượng, cách thức chăn nuôi và khi xuất chuồng thì ông mách cho thị trường thu mua sản phẩm giá cao. Bình quân mỗi năm trang trại của ông Quang giúp đỡ được 1 hộ dân tại địa phương thoát nghèo.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.