| Hotline: 0983.970.780

Dấu hiệu mua bán đất rừng trái phép tại thị xã Nghi Sơn

Thứ Ba 07/11/2023 , 12:02 (GMT+7)

Thanh Hóa Nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Nghi Sơn thực hiện các giao dịch có tính chất mua bán đất rừng sản xuất khi chưa đủ thủ tục pháp lý.

Cùng trồng rừng, người được hưởng lợi, người không

Bà Lê Thị Nghiệm (nguyên quán phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm 1992, gia đình bà được Ban quản trị PAM 4304 tỉnh Thanh Hóa cấp sổ lương thực để trồng, chăm sóc, bảo vệ khu rừng chắn sóng, chắn cát ven biển thôn Liên Vinh (nay là tổ dân phố Liên Vinh), diện tích 4,2ha. Sổ cấp phát lương thực cấp cho ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, hiện nay đã mất) thể hiện rõ, từ năm 1992-1995, gia đình bà Nghiệm nhiều lần nhận lương thực để trồng rừng.

Bà Nghiệm khẳng định, từ năm 1992 đến năm nay, gia đình bà quản lý và bảo vệ khu rừng này và không có tranh chấp hay mâu thuẫn với cá nhân nào. Tuy nhiên, gần đây, bà Nghiệm phát hiện gần 2ha rừng (trong tổng số 4,2ha) bỗng đứng tên 7 cá nhân khác là con của ông Lê Trí Trạch (ông Trạch chỉ là người cùng trồng rừng với gia đình bà Nghiệm), gồm các ông, bà: Ông Lê Quang Lâm (hơn 5.100m2); Lê Quang Đôn (hơn 1.900m2); Lê Hữu Nam (hơn 1.900m2); Lê Quang Chương (hơn 1.900m2; Lê Quang Phổ (hơn 4.400m2); Lê Quang Đạt (hơn 1.600m2); bà Trần Thị Thanh (hơn 1.900m2).

Khu đất trồng rừng sản xuất ven biển đang có tranh chấp giữa bà Nghiệm và các hộ dân khác. Ảnh: Quốc Toản.

Khu đất trồng rừng sản xuất ven biển đang có tranh chấp giữa bà Nghiệm và các hộ dân khác. Ảnh: Quốc Toản.

Trước sự việc trên, bà Nghiệm đã gửi đơn khiếu nại tới cấp có thẩm quyền, đề nghị làm rõ nguồn gốc sử dụng đất của các cá nhân có liên quan và trả lại quyền lợi cho gia đình. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-UBND ngày 30/4/2023, UBND phường Tĩnh Hải khẳng định: Không có căn cứ thực hiện thủ tục giao đất lâm nghiệp cho gia đình bà Nghiệm bởi các thửa đất nói trên được các con trong gia đình ông Lê Trí Trạch khai hoang, bắt đầu sử dụng từ năm 1999 đến nay.

Cũng theo lãnh đạo UBND phường Tĩnh Hải, thời điểm đo vẽ bản đồ năm 2011, gia đình bà Nghiệm không có mặt cũng không có tranh chấp với ai, nên chính quyền địa phương xác định đó là đất khai hoang của các cá nhân nói trên.

Sổ cấp lương thực do Ban quản trị dự án PAM 4304 tỉnh Thanh Hóa cấp cho ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm) để trồng và chăm sóc rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Sổ cấp lương thực do Ban quản trị dự án PAM 4304 tỉnh Thanh Hóa cấp cho ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm) để trồng và chăm sóc rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Nghiệm cho rằng, lý giải của UBND phường Tĩnh Hải là chưa thuyết phục, bởi gia đình bà mới là người có công đầu tiên trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, chứ không phải là các hộ dân nói trên.

“Gia đình tôi có công cải tạo khu đất và trồng rừng từ năm 1992, nhưng chính quyền địa phương lại công nhận là đất khai hoang của người khác là vô lý. Gia đình tôi có đủ căn cứ xác lập vai trò trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng của gia đình tôi được nhiều người trong xã thời điểm đó chứng kiến chứ không bỗng dưng tôi bịa ra chuyện này. Vậy, chính quyền địa phương lấy căn cứ gì để khẳng định đó là đất khai hoang của các hộ dân nói trên?", bà Nghiệm lý giải.

UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định, khu đất đang có tranh chấp được các con ông Lê Trí Trạch khai hoang là không có cơ sở. Ảnh: Quốc Toản.

UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định, khu đất đang có tranh chấp được các con ông Lê Trí Trạch khai hoang là không có cơ sở. Ảnh: Quốc Toản.

Về vấn đề này, tại Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thị xã Nghi Sơn khẳng định, việc giải quyết khiếu nại của UBND phường Tĩnh Hải có một số nội dung thiếu nhất quán, chưa giải quyết triệt để vấn đề, cụ thể:

UBND phường Tĩnh Hải một mặt xác định khu đất nói trên có nguồn gốc thực hiện trồng rừng PAM 4304 của vợ chồng ông Ấn, bà Nghiệm (ông Lê Trí Trạch chỉ trồng chung cây từ năm 1992-1994), mặt khác lại kết luận rằng, khu đất nói trên được các con ông Lê Trí Trạch khai hoang và sử dụng ổn định liên tục, không tranh chấp từ năm 1999 đến nay.

Hay nói cách khác, vợ chồng ông Ấn bà Nghiệm là người được giao trồng chăm sóc rừng nhưng quyền lợi lại rơi vào tay người khác.

Trong đơn khiếu nại, bà Nghiệm cho rằng, từ năm 1992 đến năm 2022, gia đình bà là người trực tiếp quản lý và bảo vệ khu đất trồng rừng, không tranh chấp với bất kỳ cá nhân nào. Ảnh: Quốc Toản.

Trong đơn khiếu nại, bà Nghiệm cho rằng, từ năm 1992 đến năm 2022, gia đình bà là người trực tiếp quản lý và bảo vệ khu đất trồng rừng, không tranh chấp với bất kỳ cá nhân nào. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo UBND thị xã Nghi Sơn, việc UBND phường Tĩnh Hải chưa xét đến tình trạng tranh chấp tài sản gắn liền với đất giữa bà Nghiệm và các con ông Trạch là chưa đảm bảo quy định. Từ căn cứ trên, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn yêu cầu UBND phường Tĩnh Hải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Nghiệm.

Chuyển nhượng trái phép đất rừng?

Bà Nghiệm cho biết, sau khi 7 cá nhân nêu trên được UBND phường Tĩnh Hải công nhận đất khai hoang tại thôn Liên Vinh, một số hộ dân đã chuyển nhượng phần đất của mình để thu lợi số tiền lớn. Các giao dịch có tính chất mua bán đất rừng được ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Tĩnh Hải trực tiếp ký xác nhận. Phía người trong cuộc cũng khẳng định, họ đã chuyển nhượng đất rừng cho một số hộ dân trên địa bàn phường với giá 25 triệu đồng/sào.

Ông Lê Hữu Nam xác nhận việc giao dịch đất rừng sản xuất với cá nhân khác trong xã khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Hữu Nam xác nhận việc giao dịch đất rừng sản xuất với cá nhân khác trong xã khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Hữu Nam (con rể ông Trạch) thừa nhận có việc chuyển nhượng đất rừng cho người khác: “Tôi đã chuyển nhượng hơn 1.900m2 đất cho gia đình bà Mai Thị Tâm (cán bộ Hội phụ nữ phường Tĩnh Hải) số tiền 97 triệu đồng. Việc mua bán có xác nhận của ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Tĩnh Hải. Sau này tôi mới biết đất của tôi không đủ điều kiện chuyển nhượng vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Về phần mình, bà Mai Thị Tâm từ chối bình luận về nội dung nhận chuyển nhượng đất rừng với một số cá nhân nêu trên khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi về tính pháp lý của các giao dịch này.

Ngoài ông Nam, theo cán bộ địa chính phường Tĩnh Hải, còn 2 cá nhân khác gồm ông Lê Quang Lâm, Lê Quang Phổ (con ông Trạch) cũng thực hiện các giao dịch có tính chất mua bán đất rừng với một số cá nhân khác trong xã. Tổng diện tích đất rừng sản xuất đã được giao dịch lên tới hàng nghìn m2.

UBND phường Tĩnh Hải cho biết, các giao dịch "chui" liên quan tới đất rừng nêu trên rất khó ngăn chặn với lý do: Các hộ dân mua bán không công khai, nên rất khó nắm bắt thông tin.

Công sở phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Công sở phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Khi được hỏi về việc ký xác nhận trong các giao dịch có tính chất mua bán đất rừng khi chưa đủ điều kiện, ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Tĩnh Hải cho hay: “Tôi chỉ xác nhận cho các hộ về việc chuyển quyền trồng rừng thôi. Các hộ không có điều kiện để trồng rừng thì nhường cho người khác trồng. Còn việc giao dịch mua bán hay không tôi không nắm rõ vì giấy nhượng quyền trồng rừng không ghi số tiền". 

Nói về tính chất pháp lý về việc chuyển quyền trồng rừng, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Luật Đất đai không có quy định nào gọi là chuyển quyền trồng rừng. Đây là hành vi "lách luật" của các bên có liên quan. Thực chất cái gọi là chuyển quyền quản lý hay trồng rừng là giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái quy định của Luật Đất đai".

Luật sư Trần Đức Phượng nói thêm: "Điều 188, Luật Đất đai năm 2013, quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển nhượng, trong đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận vào hồ sơ có tính chất chuyển nhượng nêu trên là không đúng quy định. Với trường hợp này, người dân có quyền trình báo cơ quan có thẩm quyền, đề nghị  vào cuộc xử lý, hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu".

Cũng liên quan tới sự việc nêu trên, UBND thị xã Nghi Sơn cho rằng, bà Nghiệm có quyền gửi đơn tới Tòa án nhân dân cùng cấp để được giải quyết việc tranh chấp tài sản trên đất gắn liền với đất theo quy định của pháp luật dân sự. Khi bản án có hiệu lực thi hành mới thực hiện trình tự thủ tục để xem xét quyền sử dụng đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.